FDI vào Việt Nam đang dần tập trung vào những lĩnh vực công nghệ cao

(Banker.vn) Không chỉ có chiều hướng tăng lên, thu hút FDI vào Việt Nam thời gian gần đây tập trung vào những lĩnh vực công nghệ cao và những ngành mang tính chất mũi nhọn.
Dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn đang khá tích cực Dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2024

Trả lời phỏng vấn Báo Công Thương, ông Lê Hữu Quang Huy – Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên – Viện Nghiên cứu Đầu tư Quốc tế (ISC) cho rằng, Việt Nam vẫn được xác định là điểm đến đầu tư của cả khu vực và thế giới, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam không chỉ có xu hướng tăng lên mà đang dần tập trung vào một số lĩnh vực công nghệ cao, những ngành mang tính chất mũi nhọn.

FDI vào Việt Nam đang dần tập trung vào những lĩnh vực công nghệ cao
Ông Lê Hữu Quang Huy – Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên – Viện Nghiên cứu Đầu tư Quốc tế

Ông đánh giá như thế nào về dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong thời gian gần đây, đặc biệt là 2 tháng đầu năm 2024, khi Việt Nam thu hút được 4,29 tỷ USD vốn ngoại, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2023?.

Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, luỹ kế đến thời điểm hiện tại, Việt Nam thu hút được 39.553 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt 473,1 tỷ USD, tổng vốn thực hiện của các dự án FDI đạt gần 300 tỷ USD, bằng 63,4% tổng vốn đăng ký.

Riêng 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam thu hút được 4,29 tỷ USD vốn FDI, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó vốn FDI đăng ký mới có 405 dự án với tổng vốn đăng ký đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 55,2% về số dự án và gấp hơn 2 lần về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, vốn FDI giải ngân trong 2 tháng đầu năm 2024 cũng ghi nhận đạt 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ 2023.

Với kết quả thu hút FDI thời gian qua, đặc biệt là 2 tháng đầu năm 2024 cho thấy, mặc dù thời gian qua thu hút FDI toàn cầu không ổn, nhưng dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam vẫn ổn định và có xu hướng tăng lên. Điều đó chứng tỏ, Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến đầu tư của cả khu vực và thế giới.

Bên cạnh đó, FDI đầu tư vào Việt Nam cũng xuất hiện xu thế mới, dòng vốn FDI tập trung vào các lĩnh vực công nghệ xanh, sạch và đi vào những lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao như sản xuất chip, chất bán dẫn. Đây là những điểm tích cực với dòng vốn FDI vào Việt Nam thời gian qua.

Tuy nhiên, những dấu hiệu trên cũng đặt ra cho Việt Nam những yêu cầu mới về vấn đề nhân sự trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn, đòi hỏi phải có giải pháp thích ứng để hấp thụ dòng vốn đầu tư chất lượng cao từ các tập đoàn nước ngoài. Bên cạnh đó là vấn đề nguyên liệu cung ứng cho doanh nghiệp FDI như thế nào, làm sao để đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp nước ngoài với giá cả cạnh tranh thì bên cạnh nguồn nguyên liệu trong nước, cũng cần tính đến việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu nhập khẩu để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của nhà đầu tư.

FDI vào Việt Nam đang dần tập trung vào những lĩnh vực công nghệ cao
Việt Nam thu hút được 39.553 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt 473,1 tỷ USD. Ảnh minh hoạ

Có một thực tế là, thời gian qua các dự án đầu tư nước ngoài đa số chỉ tập trung vào những tỉnh, thành có điều kiện hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển. Trong khi đó, có những tỉnh như Điện Biên, Lai Châu thu hút được rất ít dự án FDI, ông nhận định như thế nào về thực trạng này?.

Điều này là rất bình thường, bởi bản chất của FDI vẫn là tạo ra lợi ích cho nhà đầu tư, không có lợi ích thì họ sẽ không vào. Các địa phương có hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển dễ thu hút FDI hơn bởi đầu tư vào đó nhà đầu tư không phải mất thời gian tốn kém xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực, không mất nhiều chi phí vận chuyển nguyên vật liệu. Trong khi đó, với các địa phương có hạ tầng kinh tế - xã hội kém phát triển họ sẽ phải mất thời gian, chi phí cho những vấn đề trên. Do đó, hoàn thiện hạ tầng là một giải pháp quan trọng, nếu các địa phương muốn thu hút được các dự án đầu tư.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần có cách tiếp cận hiệu quả hơn trong công tác xúc tiến đầu tư. Đặc biệt, để thu hút FDI hiệu quả theo tôi không nên có biên giới tỉnh, thành, ví dụ nhà đầu tư cần 30ha đất tại một địa điểm, nhưng lại muốn lấy đất của địa phương này 20ha và địa phương kia 10ha, lúc đó rất cần có sự liên kết giữa các tỉnh, thành để hài hoà lợi ích và thu hút được dự án đầu tư, Như vậy, điều tôi muốn đề cập ở đây là, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong thu hút FDI cũng vô cùng quan trọng.

Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi thì không nhất thiết phải có dòng vốn FDI dải đều ở tất cả các địa phương, mà tuỳ vào lợi thế của mình, mỗi địa phương cần có hướng phát triển kinh tế phù hợp. Ví dụ, các địa phương có lợi thế về nông nghiệp có thể tập trung phát triển các ngành chế biến nông sản xuất khẩu để phù hợp với lợi thế, chứ không phải theo đuổi mục tiêu sản xuất chip. Như vậy, vấn đề quan trọng là gì?, chúng ta cần thay đổi tư duy, và mục tiêu cuối cùng vẫn phải lấy người dân làm trung tâm, nhằm thay đổi đời sống cho người dân theo hướng ổn định, thì đầu tư nước ngoài là tốt, nhưng không phải con đường duy nhất để các địa phương đạt được mục tiêu này.

chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 49 địa phương và giảm ở 14 địa phương trên cả nước
Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo hấp dẫn dòng vốn FDI. Ảnh minh hoạ

Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực dẫn đầu thu hút vốn ngoại khi chiếm khoảng hơn 60% tổng vốn FDI đang đầu tư vào Việt Nam. Ông bình luận như thế nào về con số này?

Công nghiệp chế biến, chế tạo là điểm mạnh của nhiều doanh nghiệp trên toàn cầu, và cái gì là thế mạnh của họ thì họ sẽ tập trung đầu tư để tìm kiếm lợi nhuận, đó là lý do Việt Nam thu hút nhiều FDI vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Bên cạnh đó, để thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá, thời gian qua Việt Nam có nhiều chính sách khuyến khích các dự án đầu tư vào lĩnh vực sản xuất an toàn, không ảnh hưởng đến môi trường, điều này cũng tạo ra những cơ hội nhất định cho các doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam.

Về lợi ích, dòng vốn FDI tập trung nhiều vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp trong nước phát triển và xa hơn là nền kinh tế của Việt Nam phát triển, đồng thời tham gia vào quá trình đào tạo nguồn lao động chất lượng cao trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu đứng về cơ cấu phân bổ GDP của nền kinh tế thì số liệu năm 2022 của Việt Nam cho thấy khu vực xuất nhập khẩu và dịch vụ mới đạt 41,33%. Với hầu hết các nước phát triển, tỷ lệ này là trên 50%. Với nhóm nước công nghiệp phát triển (G7), như Mỹ, Nhật, Tây Âu, thì tỷ lệ này chiếm 70-80% GDP của họ. Do đó, tới đây, việc thu hút và hợp tác FDI cần quan tâm đặc biệt nâng tỷ lệ dịch vụ cao hơn, nhiều hơn. Vì khu vực này mang lại thu nhập lớn và đóng góp ngày càng tăng cho sự phát triển kinh tế đất nước.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hòa (thực hiện)

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục