Eximbank sắp phát hành hơn 245 triệu cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 20%

(Banker.vn) Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - HOSE: EIB) vừa thông báo phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, tăng vốn điều lệ thêm gần 2.459 tỷ đồng lên 14.814 tỷ đồng.

Theo đó, cổ đông sẽ được chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20% và ngày đăng ký cuối cùng để phân bổ quyền là 20/2. Số lượng cổ phiếu phát hành dự kiến là 245,88 triệu cổ phiếu với tổng giá trị 2.458 tỷ đồng.

Eximbank sắp phát hành hơn 245 triệu cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 20%
Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - HOSE: EIB)

Nguồn vốn phát hành từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ các năm 2017, 2018, 2019, 2020 và 2021.

Đây là lần đầu tiên Eximbank chia cổ tức kể từ năm 2014 đến nay. Lần chia cổ tức gần đây nhất là 4% bằng tiền mặt cho năm 2013 và được thực hiện vào năm 2014.

Kế hoạch chia cổ tức này đã được Hội đồng Quản trị (HĐQT) ngân hàng thông qua vào tháng 6/2022 và dự kiến thực hiện trước quý III/2022. Tuy nhiên mãi tới nay ngân hàng mới chính thức thực hiện.

Số vốn tăng thêm sẽ được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của ngân hàng với dự kiến đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, trụ sở làm việc, đầu tư công nghệ,... và mở rộng hoạt động kinh doanh của Eximbank.

Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý IV/2022 tại Ngân hàng Eximbank ghi nhận lợi nhuận trước thuế cả năm 2022 cao gấp 3 lần năm 2021.

Trong đó, hầu hết các mảng kinh doanh đều mang lại lợi nhuận dương với thu nhập lãi thuần tăng tới 59% so với cùng kỳ, đạt 5.592 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động dịch vụ đạt 514 tỷ, tăng 19%, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 54% lên 606 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động khác (chủ yếu đến từ thu hồi xử lý nợ) tăng 68% lên 428 tỷ. Lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán kém khả quan hơn, đạt 87 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, tổng thu nhập hoạt động của Eximbank đạt 7.233 tỷ đồng, tăng 53,6% so với năm trước. Chi phí hoạt động tăng 36% lên 3.420 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ CIR (chi phí/tổng thu nhập) có sự cải thiện đáng kể, giảm từ 53% xuống 47%.

Trong kỳ, Eximbank đã giảm chi phí dự phòng tới 90% so với cùng kỳ, chỉ ở mức 103 tỷ đồng, do những năm trước ngân hàng đã trích lập cao, và chất lượng tài sản có xu hướng chuyển biến tốt hơn.

Từ đó, lợi nhuận trước thuế quý IV/2022 tại Eximbank đạt 528 tỷ đồng, tăng 121% so với cùng kỳ. Như vậy, lợi nhuận cả năm tại ngân hàng này đạt 3.709 tỷ đồng. Trong năm 2022, Eximbank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 2.500 tỷ đồng, như vậy kết thúc năm tài chính 2022, Eximbank đã vượt 45% kế hoạch lợi nhuận.

Về chất lượng tài sản, tính tới ngày 31/12/2022, tổng tài sản Eximbank đạt 185.045 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cuối năm 2021. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 14% lên 129.196 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng tăng 8,2% lên 148.614 tỷ đồng.

Về nợ xấu của Eximbank, tính tới thời điểm cuối năm 2022, nợ xấu ở con số 2.346 tỷ đồng, tăng 99 tỷ đồng so với cuối năm 2021, tương đương tăng 4,4% - mức tăng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu có sự cải thiện, giảm từ 1,96% xuống 1,8%.

Thiên Ân

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán