EVN sắp “bỏ túi” hơn 1.600 tỷ nhờ cổ tức từ EVNGENCO3

(Banker.vn) EVNGENCO3 vừa công bố phương án triển khai chi trả cổ tức còn lại của năm 2022. Đáng chú ý, với việc nắm giữ tới 99,2% vốn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dự kiến sẽ nhận về hơn 1.600 tỷ đồng.

Tổng Công ty Phát điện 3 - Công ty CP (EVNGENCO3, HOSE: PGV) vừa công bố Nghị quyết HĐQT về việc triển khai phương án chi trả cổ tức còn lại của năm 2022. Theo đó, PGV sẽ chi trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 14,5% (tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận về 1.450 đồng), ngày đăng ký cuối cùng là 8/9 và ngày thanh toán cổ tức dự kiến vào 5/10 sắp tới.

Với hơn 1,1 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính EVNGENCO3 sẽ phải chi hơn 1.629 tỷ đồng để thực hiện thanh toán cổ tức đợt này.

Đáng chú ý, với việc nắm giữ tới 99,2% vốn tương ứng hơn 1,1 tỷ cổ phiếu PGV, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dự kiến sẽ nhận về hơn 1.600 tỷ đồng tiền cổ tức đợt này.

Trong kế hoạch phân phối lợi nhuận được thông qua tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2023, công ty sẽ chi trả cổ tức 2022 bằng tiền với tỷ lệ 20%. Trước đó, vào hồi giữa tháng 2/2023, EVNGENCO3 đã tạm ứng cổ tức năm 2022 bằng tiền cho cổ đông với tỷ lệ 5,5%. Như vậy, tổng số tiền công ty phải chi trả cho 2 đợt cổ tức 2022 là gần 2.247 tỷ đồng.

EVN sắp “bỏ túi” hơn 1.600 tỷ nhờ cổ tức từ EVNGENCO3
Với việc nắm giữ tới 99,2% vốn tương ứng hơn 1,1 tỷ cổ phiếu PGV, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dự kiến sẽ nhận về hơn 1.600 tỷ đồng cổ tức lần này (hình minh họa)

Về hoạt động kinh doanh, theo BCTC quý 2/2023 của EVNGENCO3, Công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 15.354 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức doanh thu cao nhất tính theo quý kể từ khi công ty niêm yết trên sàn chứng khoán vào tháng 3/2018.

Trong kỳ, giá vốn tăng chậm hơn giúp biên lãi gộp được cải thiện từ mức 10,2% cùng kỳ năm ngoái lên 11,2%. Lợi nhuận gộp tương ứng đạt 1.725 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, doanh thu hoạt động tài chính ghi nhận tăng mạnh lên hơn 102 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ đạt 3,1 tỷ đồng, nhờ vào khoản cổ tức 26 tỷ đồng nhận được từ các công ty con và công ty liên kết, cùng khoản lãi chênh lệch tỷ giá 32 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 385 tỷ đồng).

Chi phí tài chính giảm nhẹ còn 618 tỷ đồng, tuy nhiên chi phí lãi vay tăng 89% so với cùng kỳ, chiếm phần lớn chi phí tài chính. Lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết gần như đi ngang, đạt gần 260 tỷ đồng.

Sau khi khấu trừ thuế và các chi phí, EVNGENCO3 ghi nhận lãi sau thuế đạt 1.104 tỷ đồng, tăng 91,3% so với cùng kỳ năm trước và là mức cao nhất trong vòng 12 quý kể từ quý 2/2020.

EVNGENCO3 cho biết, quý 2/2023 là thời điểm thủy văn kém thuận lợi, nhiều hồ thủy điện cạn nước, gây ra tình trạng thiếu điện, qua đó làm tăng huy động đối với nhiệt điện. Là doanh nghiệp mạnh về nhiệt điện, sản lượng điện trong quý của PGV tăng cao hơn so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, PGV ghi nhận doanh thu thuần đạt 26.803 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.725 tỷ đồng, lần lượt tăng 18% và 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2023, công ty đặt mục tiêu đạt 2.068 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, EVNGENCO3 đã hoàn thành 83% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.

Trên bảng cân đối kế toán, tại thời điểm ngày 30/6/2023, PGV ghi nhận tổng tài sản ở mức 65.054 tỷ đồng, giảm 2% so với đầu năm. Trong đó, tài sản cố định chiếm gần 60% với giá trị cuối kỳ ở mức 38.600 tỷ đồng. Lượng tiền, tương đương tiền và tiền gửi hơn 4.450 tỷ đồng, giảm 21% so với đầu năm.

Hàng tồn kho tại thời điểm cuối quý 2/2023 ghi nhận ở mức hơn 3.000 tỷ đồng, tăng 58% so với con số hồi đầu năm, chủ yếu là nguyên, vật liệu. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang giảm hơn 76%, còn 82 tỷ đồng, tuy nhiên công ty không đưa ra thuyết minh chi tiết.

Ngoài ra, EVNGENCO3 còn đang có khoản phải thu đối với một thành viên khác của EVN là Công ty Mua Bán Điện (EVNEPTC) với trị giá hơn 12.300 tỷ đồng, tăng hơn 1.500 tỷ đồng so với đầu năm.

Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả của công ty là 45.894 tỷ đồng, giảm hơn 2.600 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó nợ vay ngắn hạn gần như đi ngang so với đầu năm, phần lớn nợ vay nằm ở vay dài hạn, ghi nhận hơn 32.300 tỷ đồng, giảm 8% so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu cuối kỳ là 19.159 tỷ đồng, trong đó công ty có 6.153 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Cần sớm có chiến lược “giải cứu” thiếu hụt điện

Chỉ cần một chính sách hợp lý, Việt Nam sẽ thừa điện từ nắng và gió để phát triển kinh tế xanh - một trong ...

Lợi nhuận nhóm thủy điện “lao dốc” vì thiếu nước, DN nhiệt điện cũng chung cảnh ngộ

Mới đây, nhiều doanh nghiệp thủy điện đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 2/2023. Hầu hết các doanh nghiệp này đều ...

Chứng khoán KIS chỉ ra 3 nhóm cổ phiếu với kỳ vọng "hút tiền"

Chứng khoán KIS cho rằng, các cơ hội đầu tư đang dần xuất hiện từ quý II/2023 ở toàn thị trường, được hỗ trợ bởi ...

Nguyễn Hoàng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán