Công bố và kết nối Trang vàng giải pháp chuyển đổi số Thúc đẩy chuyển đổi số để giảm “nhũng nhiễu” cho doanh nghiệp |
Quá trình chuyển đổi số của Việt Nam sẽ được tiếp thêm các xung lực mới từ hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu vào Việt Nam, bởi các khoản đầu tư từ châu Âu có xu thế tập trung vào các ngành công nghệ cao.
Không phải ngoại lệ, khi nhìn nhận về tác động của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA), các con số tăng trưởng ấn tượng về kim ngạch XNK dường như đã lấn lướt những tác động vô cùng quan trọng khác, đó là những lợi ích về cải cách về quy định pháp luật, cải thiện hiệu quả thực thi pháp luật – những nền tảng quan trọng cho việc nâng cao năng lực thương mại và đầu tư một cách bền vững trong dài hạn của một nền kinh tế mới nổi như Việt Nam.
Ngoài những yêu cầu về phát triển bền vững, EVFTA sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi số qua “thúc đẩy sự phát triển thương mại điện tử giữa EU và Việt Nam”, đặc biệt qua các biện pháp nhằm cải thiện khuôn khổ pháp lý của Việt Nam. Dưới tác động của EVFTA, một loạt vấn đề liên quan đến thương mại điện tử và số hóa đã, đang và sẽ được thực thi. Các chuẩn mực, chính sách và khuôn khổ pháp lý liên quan đến thương mại điện tử ở Việt Nam sẽ từng bước được nâng cấp, từ đó tạo điều kiện thúc đẩy hơn nữa quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi số của Việt Nam sẽ được tiếp thêm các xung lực mới từ hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu vào Việt Nam và hưởng hiệu ứng lan toả từ các dự án đầu tư này. Cùng với Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA), EVFTA được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư của châu Âu vào Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình chuyển đổi số. Thực tế cho thấy, đầu tư thường sẽ nối gót thương mại. Sau những kết quả tích cực trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và châu Âu nhờ EVFTA, cho tới nay, hoạt động đầu tư của Châu Âu vào Việt Nam đã bắt đầu có những tín hiệu tăng trưởng tích cực.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), lũy kế đến cuối năm 2022, đã có 25/27 nước thuộc EU đầu tư vào Việt Nam với gần 2.400 dự án, tổng vốn đăng ký đạt hơn 28 tỷ USD, chiếm khoảng 6,5% tổng vốn đăng ký tại Việt Nam. Đầu tư của EU có xu thế tập trung vào các ngành công nghệ cao – những ngành có trình độ và hàm lượng chuyển đổi số cao, ví dụ như sản xuất công nghệ cao, chăm sóc sức khỏe, năng lượng sạch và tái tạo, trí tuệ nhân tạo, nghiên cứu và phát triển, dịch vụ tài chính.
Với các lợi thế của mình, Việt Nam có thể trở thành điểm đến cho các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) hoặc thuê ngoài cho các giải pháp số hóa và chuyển đổi số. Việt Nam có thể được hưởng lợi từ kiến thức, công nghệ, bí quyết mà các nhà đầu tư châu Âu mang lại, giống như đã từng diễn ra trong vài thập kỷ qua. Giống như Ericsson, Comvik và Nokia trước đây đã từng có hợp tác rất hiệu quả với nhiều doanh nghiệp Việt Nam để nâng cao trình độ công nghệ trong lĩnh vực viễn thông, nay các doanh nghiệp châu Âu sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp như Viettel và VNPT trong phát triển và ứng dụng công nghệ 5G, 6G.
Tăng tốc chuyển đổi số là lợi ích quan trọng Việt Nam có thể nhận được nhờ các hiệu ứng lan toả từ các hoạt động đầu tư của châu Âu đối với nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam. Doanh nghiệp FDI từ Châu Âu thường có tỷ lệ nội địa hoá cao hơn so với mức trung bình và có tính kết nối chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước khi làm thầu phụ hay trở thành đối tác kinh doanh của các doanh nghiệp FDI đến từ Châu Âu. Thực tiễn cho thấy, các doanh nghiệp FDI của châu Âu như Ericsson, ABB, Bosch, Piaggio, Zuellig Pharma, BNP Paribas... đang đóng góp đáng kể vào việc chuyển giao kiến thức, đổi mới, phát triển công nghệ và số hóa tại Việt Nam.
Qua quan hệ đối tác kinh doanh doanh nghiệp FDI châu Âu, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội học hỏi các kỹ năng quản lý, đặc biệt là hệ thống quản lý chất lượng. Đầu tư FDI từ châu Âu do vậy sẽ tác động cả trực tiếp và gián tiếp đến chuyển đổi số ở Việt Nam.
TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam |
Được thúc đẩy bởi các cơ hội thị trường do EVFTA mang lại, các công ty Việt Nam sẽ nâng cấp và chuyển đổi kỹ thuật để đạt được các tiêu chuẩn, quy chuẩn của thị trường châu Âu. Để đạt được các yêu cầu tiêu chuẩn Châu Âu, các nhà sản xuất Việt Nam phải áp dụng công nghệ tiên tiến để kiểm soát chất lượng sản phẩm tốt hơn, đồng thời tối ưu hóa quy trình hiện tại và nâng cao trải nghiệm của khách hàng.
Một trong những thách thức chính mà EVFTA mang lại cho các doanh nghiệp Việt Nam là chứng minh xuất xứ đối với các sản phẩm có xuất xứ tại Việt Nam xuất khẩu sang EU. Cũng theo yêu cầu của EVFTA, các nhà xuất khẩu Việt Nam phải triển khai và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hoá. Gần đây, một số doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam bắt đầu ứng dụng công nghệ như blockchain trong việc truy xuất nguồn gốc hàng nông sản xuất khẩu.
Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong truy xuất nguồn gốc hàng hóa xuất khẩu cần được áp dụng trong toàn chuỗi, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông, thủy sản. Từ đây, hiệu ứng lan toả lại được mở rộng. Các trang trại và công ty chế biến nông sản của Việt Nam ở các vùng duyên hải, đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và miền núi phía Bắc đã áp dụng công nghệ số trong truy xuất nguồn gốc và kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất và chế biến, lôi kéo sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ hơn, cơ sở chế biến, thu mua và người nông dân trong chuỗi. Rất nhiều doanh nghiệp đã thành công trong việc đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu vào thị trường EU và từ đó hiệu ứng chuyển đổi số được mở rộng trong nhiều chuỗi giá trị của Việt Nam.
EVFTA do đó khuyến khích và cũng là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp, người sản xuất trong nước tăng tốc chuyển đổi số. Các nhà nhập khẩu và người mua châu Âu đang đẩy mạnh hơn các yêu cầu liên quan đến tiêu chuẩn lao động, môi trường sinh thái, tiêu chuẩn kỹ thuật. Để tận dụng tối đa lợi ích mà EVFTA mang lại, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải ngày càng trở nên hiệu quả hơn trong giao nhận, giao dịch điện tử liền mạch, hợp đồng điện tử và các hoạt động hậu mãi số... Người bán Việt Nam cần tuân theo phong tục và văn hóa kỹ thuật số của khách hàng tại EU. Mặc dù đã có nhiều tiến bộ, việc triển khai giao dịch điện tử vẫn là một thách thức đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam và do vậy cần được thúc đẩy mạnh hơn nữa.
EVFTA, ngay từ khi được đàm phán, đã thúc đẩy nhiều cải cách pháp lý, thúc đẩy hiện đại hóa pháp luật ở Việt Nam và tăng cường hiệu lực thực thi. Các cải cách về chính sách và pháp luật cùng với các yếu tố khác nữa, sẽ góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam trong nhiều năm và thập kỷ tới. Khu vực công do vậy đóng vai trò quan trọng trong các nỗ lực nhằm hiện thực hoá các cơ hội về chuyển đổi số từ EVFTA.
Ví dụ, sở hữu trí tuệ là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong nền kinh tế số và EVFTA đang thúc đẩy điều đó. EVFTA có những yêu cầu nghiêm ngặt về bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, từ đó tác động đến sự đổi mới và sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, mang lại cơ hội mới tại thị trường Châu Âu. EVFTA đưa ra các tiêu chuẩn mới về thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam. Các yêu cầu này được kỳ vọng sẽ đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên thực thi quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả hơn.
Vì thế một mặt, các doanh nghiệp Việt Nam cần đổi mới hơn nữa để đáp ứng thị hiếu đa dạng và phức tạp của người tiêu dùng EU, các ý tưởng kinh doanh, quyền sở hữu trí tuệ của họ sẽ được bảo vệ tốt hơn. Nhưng mặt khác, các cải cách về quy định pháp luật liên quan tới bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt các quy định liên quan tới cung cấp và bảo vệ tài sản trí tuệ trên môi trường số cũng cần được thực hiện. Ví dụ như EVFTA quy định trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) trong bối cảnh phải đảm bảo các nguyên tắc tôn trọng các quy định pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ. Do vậy, các cơ quan thuộc khu vực công sẽ phải tích cực và hiệu quả hơn trong việc xây dựng và thực thi các quy định hiện hành ở Việt Nam theo như thoả thuận trong hiệp định.
Ở một phương diện khác, EVFTA thúc đẩy quản trị công theo hướng hiện đại ở Việt Nam, đặc biệt thông qua phát huy vai trò của công nghệ thông qua chuyển đổi số và các dịch vụ chính phủ điện tử, số hóa dịch vụ công, đặc biệt là dịch vụ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và trong các lĩnh vực liên quan đến thương mại, đầu tư, hải quan, thuế, giao nhận và các lĩnh vực khác.
Ngoài các mục tiêu về kim ngạch xuất nhập khẩu, cần tập trung vào các lợi ích quan trọng khác của các hiệp định thương mại như EVFTA. Đó là cách thức để các hiệp định thương mại tự do đóng góp hiệu quả nhất cho sự phát triển bền vững về kinh tế, thương mại và đầu tư của đất nước.
vietnamfinance.vn
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|