EVFTA - nền tảng vững chắc cho hợp tác đầu tư của Hà Lan tại Việt Nam

(Banker.vn) Với việc triển khai Hiệp định EVFTA, nhiều cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Hà Lan tiếp tục được mở ra.
EVFTA thúc hợp hợp tác, chia sẻ về công nghệ giữa doanh nghiệp Việt Nam - EU Ngành Công Thương đặt trọng tâm vào việc thực thi và tận dụng hiệu quả các cơ hội từ các FTA Tận dụng lợi thế từ nhập khẩu, đầu tư của EU trong EVFTA

Quan hệ Việt Nam - Hà Lan được đánh giá là điển hình của mối quan hệ năng động và hiệu quả, phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực và ngày càng đi vào chiều sâu. Đặc biệt, với việc triển khai Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), nhiều cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh giữa các doanh nghiệp hai nước tiếp tục được mở ra.

Sau hơn 3 năm thực thi Hiệp định EVFTA, thương mại song phương giữa 2 nước Việt Nam - Hà Lan tăng trưởng ấn tượng. Trung bình tăng 22% giai đoạn 2020-2022, kim ngạch thương mại song phương đạt 11,1 tỷ USD trong năm 2022.

Năm 2023, nền kinh tế Hà Lan cũng như các nước châu Âu suy thoái, sức mua tiêu dùng kém dẫn đến các hoạt động xuất nhập khẩu giảm mạnh. Tuy nhiên, trong 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Hà Lan đạt gần 7,9 tỷ USD, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hà Lan đạt 7,4 tỷ USD, giảm 5,1% trong khi nhập khẩu từ Hà Lan đạt hơn 487 triệu USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2022.

EVFTA - nền tảng vững chắc cho hợp tác đầu tư của Hà Lan tại Việt Nam
Để tiếp tục thu hút đầu tư từ Hà Lan cũng như EU vào Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương trong nước cần phải xây dựng bộ tài liệu chuẩn, đăng công khai trên các trang mạng của các cơ quan quản lý. Ảnh minh họa

Đáng chú ý, hiện nay, Hà Lan trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai và nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam trong khối Liên minh châu Âu (EU) với tổng vốn đăng ký 14,3 tỷ USD, 432 dự án còn hiệu lực.

Ở chiều ngược lại, hiện Việt Nam có 9 dự án đầu tư tại Hà Lan với tổng vốn đăng ký là 69,7 triệu USD, gồm các dự án: Nhập khẩu phân phối thiết bị viễn thông, xe ô tô, linh kiện; cung cấp các dịch vụ liên quan đến pin xe điện; thương mại điện tử; kinh doanh dịch vụ ăn uống; xuất nhập khẩu nông sản, thủy sản…

Hiệp định EVFTA đã và đang tác động tốt đến tình hình thu hút đầu tư, nguồn lực từ Hà Lan vào Việt Nam" - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hà Lan Võ Thị Ngọc Diệp đánh giá và cho biết, đối với những doanh nghiệp Hà Lan hiện đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt với những doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa là nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất từ các nước EU và xuất khẩu thành phẩm sang thị trường này, ngoài những ưu đãi về thuế do EVFTA mang lại, hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam đang được “nâng tầm” nhờ EVFTA.

Cũng theo bà Võ Thị Ngọc Diệp, bên cạnh những thuận lợi về môi trường đầu tư của Việt Nam hay xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng ra ngoài Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á thì Việt Nam chính là điểm sáng đối với các nhà đầu tư Hà Lan nói riêng và từ EU nói chung. Bởi nhờ vào hiệp định EVFTA, nhờ vào kết quả thực tế việc thực thi Hiệp định trong 3 năm qua đã góp phần thu hút đầu tư của các doanh nghiệp Hà Lan trong lĩnh vực sản xuất, đặc biệt cho xuất khẩu hàng hóa sang EU.

Đặc biệt, thời gian gần đây, với những định hướng của chính phủ về thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ nguồn, bán dẫn, năng lượng xanh, Việt Nam đang là một địa điểm thu hút sự quan tâm của những doanh nghiệp trong lĩnh vực này từ Hà Lan.

Tuy nhiên, hiện nay, Hà Lan vẫn là một trong 10 quốc gia chưa phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) cho dù cộng đồng doanh nghiệp Hà Lan đang đầu tư tại Việt Nam cho rằng, Hiệp định sẽ tác động thuận lợi đến các hoạt động hợp tác đầu tư của họ tại Việt Nam.

Trong Tọa đàm “Meet Ambassador” với chủ đề "Hiệp định thương mại EVFTA: Tăng trưởng thương mại song phương sau 3 năm thực thi và Hiệp định bảo hộ đầu tư EVIPA: Nền tảng vững chắc cho các hoạt động hợp tác đầu tư của doanh nghiệp Hà Lan tại Việt Nam” do Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp Hà Lan tại Việt Nam tổ chức mới đây, Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Ngô Hướng Nam mong muốn cộng đồng doanh nghiệp Hà Lan thông qua Hiệp hội doanh nghiệp Hà Lan tại Việt Nam cũng như EuroCham tại Việt Nam đồng lòng có tiếng nói gửi đến Quốc hội, Chính phủ Hà Lan sớm phê chuẩn EVIPA.

Đáng chú ý, để gia tăng cơ hội hợp tác đầu tư từ Hà Lan vào Việt Nam, đại diện đến từ cảng Rotterdam (Hà Lan) hay các doanh nghiệp Hà Lan đã có ý kiến đóng góp về chính sách, nêu những kiến nghị liên quan đến thủ tục hành chính để thuận lợi hóa thương mại, thu hút đầu tư đến Việt Nam.

Trong khi đó, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hà Lan cho biết, Hà Lan vừa ban hành chính sách mới về hợp tác phát triển, trong đó nêu rõ Việt Nam là đối tác thương mại mà Hà Lan đặt trọng tâm trong 25 quốc gia đối tác. Đầu tư Hà Lan vào Việt Nam đồng nghĩa với việc thúc đẩy tăng trưởng thương mại song phương, cụ thể tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Hà Lan nói riêng và sang EU nói chung để hưởng ưu đãi từ EVFTA.

Song, bà Diệp cho rằng, hiện đầu tư từ Hà Lan vào Việt Nam đang tăng trưởng tương đối tốt, tuy không có nhiều dự án quá lớn. Hiện nay, từ góc độ nhà đầu tư EU, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam còn tồn tại một số khó khăn, thách thức để tăng cường thu hút đầu tư từ EU. Về pháp lý và quy định, hệ thống pháp lý và quy định ở Việt Nam vẫn còn không ít khó khăn và thiếu rõ ràng đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Chưa kể, thị trường lao động dồi dào nhưng chất lượng và trình độ chuyên môn của lao động vẫn còn hạn chế...

Do vậy, để tiếp tục thu hút đầu tư từ Hà Lan cũng như EU vào Việt Nam, bà Diệp đề xuất, các bộ, ngành, địa phương trong nước cần phải xây dựng bộ tài liệu chuẩn, đăng công khai trên các trang mạng của các cơ quan quản lý như: Malaysia, Singapore đang làm hiện nay. Trong đó nêu rõ những thông tin về các ngành/lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư của trung ương, địa phương, thông tin về thủ tục liên quan gồm thuê đất, giá thuê, thuế, địa điểm, những quy định đối với từng loại hình đầu tư…

"Đây cũng là những ý kiến mà Thương vụ thu thập từ các đoàn doanh nghiệp Hà Lan sau các chuyến khảo sát Việt Nam, họ cần các thông tin công khai, minh bạch để có sự chuẩn bị kỹ trước mỗi chuyến khảo sát, làm việc"- bà Diệp thông tin.

Khánh An

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục