(Banker.vn) Thấm thoắt đã gắn bó với ACB được ba năm, nhiều lúc cũng nản, cũng nhụt chí, cũng có những chuyện vui, chuyện buồn, nhưng tình yêu với ACB với Phòng Quản lý nợ vẫn cứ âm ỉ mãi....

Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Lương Thị Ngọc Huyền, công tác tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).

Tính đến hiện tại, có một điều khiến trái tim mình luôn day dứt mãi không nguôi đó là mình càng cố gắng theo đuổi một thứ mà mình thích thì cuộc đời sẽ an bài mình theo một hướng đi mà bản thân chưa từng nghĩ đến. Cố gắng thi vào một trường kinh tế top đầu nhưng rồi lại chọn học luật và khi ra trường lại làm ngân hàng, một công việc mà lúc nhỏ luôn thầm nghĩ là khô khan, là tẻ nhạt.

Thuở cấp ba, mình học chuyên văn nên bản thân luôn là một đứa con gái mộng mơ ghét những con số. Vì vậy, khi bố mẹ định hướng thi ngân hàng con bé lắc đầu ngao ngán và cuối cùng đã chọn học luật, ngôi trường mà mới nghe tên đã nghĩ là chắc không dính gì số má, tính toán.

Thoáng chốc mà hết thời sinh viên, những ngày cuối cùng của quãng đời sinh viên giữa mông lung với biết bao lựa chọn, mình chợt nhìn thấy một dòng tuyển dụng cộng tác viên pháp lý của ACB. Trong đầu đang nghĩ thầm chỉ cần không cần tính toán không phải đòi nợ thuê thì chắc làm ngân hàng cũng ổn, không sao cộng tác viên pháp lý cơ mà, thế là với tài chém gió phần phật cộng với CV đẹp như tranh mà cả tuần mới sửa xong thì con bé cũng được nhận.

Hí ha hí hửng nhận việc xong, đang lơ mơ tưởng được vào phòng pháp chế hay pháp lý chứng từ gì đó thì sốc tập một khi biết mình được tuyển vào Phòng Quản lý nợ. Trộm nghĩ: “Ăn nói chẳng đến nơi đến chốn, lùn một mẩu hơn mét rưỡi nặng tầm bốn chục cân lại còn đi làm bằng quả xe đạp điện tý tý lại hết điện thì đòi nợ ai được nhỉ?”

Buổi làm đầu tiên, mình nghĩ thầm cố gắng làm ngân hàng rồi kiếm một nửa cũng làm ngân hàng thì cũng ổn vì nghe đồn Phòng Quản lý nợ các ngân hàng toàn những anh cao to đẹp trai chưa vợ. Lần này thì đúng là sốc tập 2 khi mà nhận ra sự khác biệt ở ACB so với các ngân hàng khác là Phòng Quản lý nợ có đến 80% là nữ, toàn các chị nhìn qua ngỡ là liễu yếu đào tơ mà xử lý hồ sơ nợ xấu đều ngon ơ.

Sau này thì mình cũng tìm được một nửa đáng yêu đấy dù kết quả không được như mong đợi lắm nhưng cũng là một kỉ niệm đẹp.

Sau buổi làm đầu tiên ấy thì quả thật mình đã nghĩ chắc gì đã làm nổi một tuần nhỉ, thôi đã đâm lao thì phải theo lao vậy. Thế là tuần đầu tiên trôi qua với việc ngồi “mổ cò” văn bản, sau đấy cũng bắt đầu được các anh chị hướng dẫn công việc rồi nhận ra cái kiến thức 4 năm trời đại học phải học lại hết, từ những cái nhỏ nhất như viết thư, đóng hồ sơ, gõ một cái đơn khởi kiện, một công văn trả lời như nào đều được dạy lại hết.... Chỉ nhớ mới một tháng thử việc mà phải thay một quyển sổ tay là biết kiến thức phải học nhiều như nào.

Lần đầu tiên chị quản lý giao việc gửi công văn cho chi cục thi hành án, con bé ngây thơ phóng 10 cây số, mưa như trút nước vào mặt để đưa tận tay chấp hành viên mà không hề biết là chỉ cần đóng phong bì gửi thư đi.

Với não cá vàng của mình thì suốt một tháng trời đi làm còn không nhớ nổi tên các anh chị trong phòng, lúc nào cũng sợ làm sai nhưng hơn hết điều quý giá nhất trong những tháng ngày đầu tiên đi làm là được các anh chị chỉ bảo tận tình, từng ly từng tý, sửa từng dấu chấm, dấu phẩy.

Hết một tháng trôi qua, con bé lại được học hỏi những điều chuyên sâu hơn về các sản phẩm của ngân hàng, về CIC, về thẩm định, về quy trình cho vay, và thấm thía nhất là về bảng tính lãi. Một con bé 12 năm học chỉ cầu trời lên đại học không phải học toán thì giờ phải căng mắt kiểm tra bảng tính lãi tiền tỷ, tiền trăm. Thật may là giờ chỉ trong 5 phút cũng có thể bắt lỗi các anh chị kiểm soát viên xem bảng tính lãi sai ở đâu.

Còn nhớ lần đầu tiên đi xác minh nhà khách hàng, vừa bước vào ngõ gặp ngay 3 con chó béc giê to hơn người. Thế là đứng như trời chồng giữa con ngõ, run cầm cập không dám ho he, cuối cùng phải nhờ một con bé 10 tuổi hàng xóm nhà khách hàng dẫn ra.

Lại nhớ lần đi cùng sếp đến gặp khách là một anh cảnh sát hình sự mà run đến nỗi đứng không vững, đã thế ông khách còn quát sếp mình đi làm sao dẫn con nít theo - đứa con nít ổng nhắc đến chính là mình đấy ạ, buồn ghê gớm. Sau lần đó, mình đã về thay toàn bộ giày bệt bằng giày cao gót, tóc thẳng thành uốn xoăn và con bé đã biết kẻ mắt, chuốt masscara cho nó già dặn hơn.

Cũng trong tháng đầu tiên ấy, con bé đã có buổi xét xử đầu tiên, mặc dù học luật, dù đã tham dự bao nhiêu phiên tòa thời sinh viên nhưng cảm giác tham gia phiên tòa đầu tiên của chính bản thân mình được làm đại diện theo ủy quyền thật lâng lâng khó tả, chợt nhớ cả buổi tối đã tự đứng trước gương để chỉnh sắc mặt, chỉnh giọng nói rồi cả tác phong, cầm tờ Bản tự khai để đọc mà sợ đến không thể thở nổi nhưng cuối cùng thì phiên tòa cũng diễn ra êm đẹp và con bé thấy mình đã trưởng thành hơn một chút.

Và con bé một mét bẻ đôi ấy đã được giao phụ trách toàn nợ xấu của các chi nhánh thuộc Hải Phòng, những tưởng toàn đàn anh đàn chị, những giai thoại về đất Cảng,... thì trời cũng thương, trộm vía chưa bị tím mắt phát nào cũng chưa nhìn thấy "hoa cải" mà khách vẫn nộp tiền đều đều. Và cứ từng ngày từng ngày trôi qua, đúng là “ngọc không mài không thành đồ vật”, con bé nhút nhát năm nào đã được các anh chị gọt giũa dần dần.

Thấm thoắt đã gắn bó với ACB được ba năm, nhiều lúc cũng nản, cũng nhụt chí, cũng có những chuyện vui, chuyện buồn, nhưng tình yêu với ACB với Phòng Quản lý nợ vẫn cứ âm ỉ mãi. Người ta từng nói: Tuổi thanh xuân giống như một cơn mưa rào, dù cho bạn từng bị cảm lạnh vì tắm mưa thì bạn vẫn muốn được đắm chìm trong cơn mưa ấy lần nữa”. Nếu thời gian có thể quay lại vào ngày hôm ấy chắc mình vẫn chẳng do dự gì mà không nộp CV vào ACB bởi nơi này hơn hết là một chữ tình, một chữ duyên, một cái duyên kéo dài mà nhiều khi muốn dừng lại vẫn có những lý do để tiếp tục.

LƯƠNG THỊ NGỌC HUYỀN

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ