Đuôi bò "siêu thực phẩm" có lợi ích gì với sức khỏe?

(Banker.vn) Đuôi bò có mùi đặc trưng nên không phải ai cũng biết ăn, tuy nhiên đây lại là phần thịt mang lại nhiều lợi ích bởi nó cung cấp dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.
Củ sen - món ăn dân dã mang nhiều lợi ích cho sức khỏe Tiêu thụ nông sản gắn với du lịch: Thêm lợi ích kép Ăn ổi mỗi ngày sẽ mang lại lợi ích gì?

Theo y học cổ truyền, các món ăn từ đuôi bò không chỉ ngon mà còn có tác dụng bồi dưỡng cơ thể và phục hồi sức khỏe đáng kể. Đuôi bò khó chế biến và có mùi đặc trưng nên ít người chọn mua về sử dụng. Tuy nhiên, đây lại là phần thịt mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Đuôi bò rất giàu protein, lipid và khoáng chất Ca, P, Fe... Đặc biệt, đuôi bò có nhiều thành phần collagen là chất có vai trò giúp tăng cường chắc khỏe xương khớp và da tóc óng mượt...

Đuôi bò có thể kết hợp với nhiều vị thuốc khác để tạo nên những món ăn hấp dẫn, có tác dụng bồi bổ, chữa bệnh rất tốt. Dưới đây là một số bài thuốc chữa bệnh hiệu quả từ đuôi bò.

Ảnh minh họa
Đuôi bò có thể kết hợp với nhiều vị thuốc khác để tạo nên những món ăn hấp dẫn, có tác dụng bồi bổ, chữa bệnh rất tốt. Ảnh minh họa

Nam nữ đau lưng, sinh lý yếu: Đuôi bò, rau ngải, đậu xanh, gừng, sả, mắm muối hành ngò gia vị vừa đủ hầm ăn. Công dụng của nó là bổ tỳ thận, dưỡng huyết, ích khí... Nó còn dùng chữa huyết hư, phong thấp nhức mỏi rất tốt.

Chứng chân tay yếu mềm “nuy chứng”: Đuôi bò, khoai sọ, rau nhút, hành ngò gia vị vừa đủ hầm ăn. Công dụng: bổ khí huyết, lợi gân xương, trừ thấp nhuận tràng... Nó còn dùng trị chứng phong thấp nhức mỏi, khó ngủ.

Chữa huyết hư tóc khô, rụng, bạc sớm: Đuôi bò hầm hạt sen: đuôi bò làm sạch chặt khúc, hạt sen, đậu xanh, gừng, trần bì, muối, rượu trắng gia vị vừa đủ hầm ăn. Công dụng: kiện tỳ thận, bổ khí huyết, ích xương tủy, dưỡng da tóc. Bài này dùng tốt với người ăn ngủ kém, sinh lý yếu, huyết áp thấp.

Chữa khí huyết đều hư, nhức mỏi gân xương: Đuôi bò, củ cải trắng, xương bò, nấm rơm, sả, tỏi, ớt, gừng, tương, rau mùng tơi, rau cải, hoa lý, rau muống, gia vị vừa đủ nấu lẩu ăn. Công dụng: bổ khí dưỡng huyết, ích tỳ vị, dưỡng xương khớp. Bài này còn tốt cho người ăn kém, gầy yếu và các chứng khí huyết hư.

Chữa đau thắt lưng do thận dương suy: Đuôi bò, đỗ trọng, hạt sen, cẩu kỷ, hoàng kỳ, táo đỏ, mắm, muối gia vị vừa đủ hầm nhừ ăn. Công dụng: ôn bổ thận, ích cơ xương... Dùng tốt cho người thận yếu đau lưng mỏi gối, sinh lý yếu.

Trường hợp sản phụ sau sinh, ít sữa: Đuôi bò, đu đủ, đậu phụng, hành ngò, mắm muối gia vị vừa đủ hầm ăn. Công dụng: bổ hư, kiện tỳ thận, bổ khí dưỡng huyết, mạnh gân xương, nhuận tràng lợi sữa...; còn dùng trị chứng nhức mỏi xương khớp.

Chữa chứng loãng xương: Dùng đuôi bò, cà rốt, khoai tây, khoai lang, sữa, nước dừa, ca ri, tỏi, gia vị vừa đủ nấu súp ăn. Công dụng: bổ tỳ trợ thận, dưỡng khí huyết; dùng tốt cho người tỳ hư ăn kém, gầy, khó lên cân.

Chữa xương gãy lâu liền: Đuôi bò hầm củ sen: đuôi bò, củ sen, cà rốt, khoai môn, hành ngò, mắm muối gia vị vừa đủ hầm ăn. Công dụng: bổ tỳ trợ thận ích khí dưỡng huyết, liền xương... Nó còn tốt cho trẻ em còi, thận yếu đau lưng mỏi gối.

Một số món ăn từ đuôi bò tốt cho nam giới

Đuôi bò hầm câu kỷ: Bổ can thận, chữa liệt dương, di hoạt tinh, nữ kinh nguyệt không đều, lãnh cảm.

Cách chế biến: Đuôi bò 200 - 300g, câu kỷ tử 50g, chút rượu vang, gừng thái lát, hành hoa (cắt đoạn) muối ăn vừa miệng. Lấy 25g câu kỷ tử sắc lấy nước, 25g còn lại rửa sạch để cho vào hầm cùng đuôi bò.

Đuôi bò cạo rửa sạch, chặt đoạn, bỏ vào nồi với 25g câu kỷ tử còn lại. Đổ 1,5 lít nước, cho rượu vang, gừng lát, muối, đun to lửa, khi sôi kỹ thì đổ 25ml nước sắc kỷ tử vào, đun nhỏ lửa hầm chín nhừ đuôi bò. Khi ăn cho thêm hành hoa.

Canh đương quy đuôi bò: Công hiệu canh này là dưỡng tâm ích thận, cường gân tráng cốt, thích hợp với chứng liệt dương, thận hư đau lưng, kèm theo lưng gối mỏi mệt, vô lực, sợ lạnh.

Cách làm: Đương quy 30g, đuôi bò 1 cái: Rửa sạch đương quy, đuôi bò cạo bỏ lông, rửa sạch, chặt đoạn nhỏ, nấu cùng với đương quy, nấu đến khi đuôi bò chín nhừ, nêm gia vị. Uống nước canh, ăn đuôi bò.

Canh hải mã đương quy đuôi bò: Công hiệu canh này là bổ thận tráng dương, cường tráng thân thể, khứ phong tán hàn, tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Thích hợp với chứng dương hư mà gây ra liệt dương, tinh thần mệt mỏi ăn uống kém chân tay không ấm, tiểu tiện nhiều lần, đái đêm nhiều, lưng gối đau mỏi.

Cách làm: Hải mã 30g, đương quy 15g, táo đỏ 10 quả, sinh khương 4 miếng, đuôi bò 1 cái (nặng khoảng 1000g), một ít muối. Đuôi bò lột bỏ da cắt khúc cho vào nồi nước sôi nấu 10 phút vớt ra, rửa sạch.

Rửa sạch hải mã, đương quy (thái miếng) táo đỏ (bỏ hạt), sinh khương. Cho lượng vừa nước vào nồi đất, sau khi dùng lửa to nấu sôi, cho toàn bộ nguyên liệu vào, chuyển sang lửa nhỏ nấu 4 giờ nêm muối gia vị là được.

Canh đỗ trọng đuôi bò: Công hiệu canh này là bổ dưỡng gan thận, kiện gân cốt. Thích hợp với chứng liệt dương, di tinh, tiểu tiện nhiều lần, tai ù, tai điếc, đau mỏi lưng gối do thận hư.

Cách làm: Đuôi bò 1 cái (khoảng 500g), đỗ trọng 30g, sinh khương 4 miếng, một ít rượu. Đuôi bò cạo sạch lông, cắt bỏ mỡ dư, rửa sạch, thái đoạn, nhúng vào nồi nước sôi.

Cần rửa sạch đỗ trọng, sinh khương. Cho toàn bộ nguyên liệu vào nồi cùng lượng vừa nước và rượu, sau khi dùng lửa to nấu sôi, chuyển sang lửa nhỏ nấu 3 - 4h, nêm gia vị là được.

Một số lưu ý khi dùng đuôi bò

Do đuôi bò chứa nhiều protein, có tính nóng nên người nội nhiệt, đang cần giảm cân, mỡ máu cao, đang đau khớp do bệnh gút và đang sốt cao, trẻ em ban sởi, nổi nhiều mụn nhọt nên kiêng hoặc dùng ít.

Tuy nhiên, chỉ nên ăn món đuôi bò ở mức độ vừa phải, vì đuôi bò có chứa cholesterol và một lượng natri trong quá trình chế biến. Và giống như bất kỳ loại thịt đỏ nào, đuôi bò nên được ăn cân bằng cùng với chế độ ăn uống lành mạnh, đa dạng.

Lê Nguyệt

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục