Được xoá nợ, Vinalines (MVN) báo lãi đột biến trong quý IV

(Banker.vn) Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh cốt lõi khó khăn, hoạt động tài chính lại trở thành điểm sáng của Vinalines. Nhờ được xoá nợ vay và cơ cấu nợ với ngân hàng 175 tỷ đồng, hoạt động này mang về 155 tỷ đồng tiền lãi, đóng góp đáng kể vào lợi nhuận quý IV của doanh nghiệp.

Báo cáo tài chính quý IV/2023 của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam – Công ty CP (Vinalines, UPCoM: MVN) ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.395 tỷ đồng, nhích nhẹ 2% so cùng kỳ.

Đáng chú ý, thuyết minh của Vinalines cho thấy, mặc dù hai mảng kinh doanh cốt lõi là hoạt động vận tải, hoạt động khai thác cảng biên và dịch vụ hàng hải vẫn đóng góp nhiều nhất vào cơ cấu doanh thu nhưng lại không phải là động lực tăng trưởng của doanh nghiệp này. Cụ thể, doanh thu từ hoạt động vận tải giảm 21% so với cùng kỳ, còn doanh thu từ hoạt động khai thác cảng biến và dịch vụ hàng hải giảm 13%. Ở chiều ngược lại, các hoạt động kinh doanh không phải cốt lõi lại đồng loạt đi lên. Trong đó, doanh thu bán hàng chứng kiến mức tăng mạnh mẽ nhất, từ 69 tỷ đồng lên gần 569 tỷ đồng (gấp 8,2 lần).

Được xoá nợ, Vinalines (MVN) báo lãi đột biến trong quý IV
Cơ cấu doanh thu của Vinalines

Doanh thu không cải thiện là bao nhưng giá vốn hàng bán của Vinalines lại tăng tới 11,5%, khiến lợi nhuận gộp suy giảm hơn 30%, xuống còn 506 tỷ đồng. Biên lãi gộp theo đó thu hẹp 7 điểm%, xuống còn 14,9%.

Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh cốt lõi khó khăn, hoạt động tài chính lại trở thành điểm sáng của Vinalines. Mặc dù doanh thu tài chính chỉ tăng gần 6% so với cùng kỳ nhưng nhờ cắt giảm được toàn bộ chi phí lãi vay, thậm chí còn ghi nhận âm 7 tỷ đồng, chi phí tài chính của Vinalines giảm mạnh xuống còn gần 11 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận từ hoạt động tài chính đạt 155 tỷ đồng, tăng đột biến so cùng kỳ.

Chưa kể, lợi nhuận khác cũng vọt gấp 6,9 lần, lên mức 271 tỷ đồng. Khoản lợi nhuận đột biến này đến từ việc Vinalines được xoá nợ vay và cơ cấu nợ với ngân hàng (175 tỷ đồng).

Được xoá nợ, Vinalines (MVN) báo lãi đột biến trong quý IV
Khoản lợi nhuận đột biến của Vinalines đến từ việc được xoá nợ vay và cơ cấu nợ với ngân hàng (175 tỷ đồng)

Cộng thêm việc tiết giảm đáng kể chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, Vinalines báo lãi sau thuế quý IV đạt xấp xỉ 419 tỷ đồng, cao gấp 2,4 lần so với cùng kỳ.

Luỹ kế năm 2023, doanh thu thuần của Vinalines đạt 12.814 tỷ đồng, giảm 11% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế đạt 2.114 tỷ đồng, giảm 31%. Lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt 1.152 tỷ đồng, giảm 37%.

Được biết, năm 2023, Vinalines lên kế hoạch kinh doanh hợp nhất với doanh thu thuần đạt 13.354 tỷ đồng và lãi trước thuế 2.330 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm doanh nghiêp này đã hoàn thành suýt soát kế hoạch kinh doanh cả năm với 96% chỉ tiêu doanh thu và 91% chỉ tiêu lợi nhuận.

Tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của Vinalines đạt gần 27.508 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm. Trong đó, tài sản cố định chiếm tới 33%, ghi nhận ở mức hơn 9.017 tỷ đồng, chủ yếu là đội tàu biển, hệ thống cảng, kho bãi và phương tiện thiết bị.

Chiếm tỷ trọng lớn thứ hai là các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn với 5.299 tỷ đồng, tương đương 19%. Toàn bộ số tiền này là tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn 6-12 tháng tại các ngân hàng thương mại.

Một khoản mục khác cũng đáng chú ý trong cơ cấu tài sản của Vinalines là tài sản dở dang dài hạn với 2.494 tỷ đồng. Mặc dù chỉ chiếm 9% cơ cấu tài sản nhưng khoản mục này đã tăng đến 146% sau 1 năm. Theo thuyết minh của doanh nghiệp, hai dự án có giá trị xây dựng dở dang lớn nhất là dự án bến container số 3, số 4 cảng cửa ngõ Lạch Huyện (1.618 tỷ đồng) và dự án đầu tư xây dựng cảng Sài Gòn - Hiệp Phước (324 tỷ đồng).

Phía bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của Vinalines ghi nhận ở mức 12.148 tỷ đồng, giảm 5,5% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp hàng hải này không vay nợ quá nhiều, khi nợ vay chỉ dừng lại ở mức 3.288 tỷ đồng, tương đương 27% cơ cấu nợ và 12% cơ cấu nguồn vốn.

Lãi ròng năm 2023 lên đỉnh 8 năm, PV Drilling (PVD) trên đường trở lại thời hoàng kim?

Lợi nhuận sau thuế năm 2023 của PV Drilling đạt 541 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ sau năm 2015.

Cenland (CRE) báo lãi vỏn vẹn 2,5 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn lên tới hơn 4.100 tỷ đồng

Kết thúc năm 2023, Cenland báo lãi sau thuế đạt vỏn vẹn 2,5 tỷ đồng, bốc hơi gần hết so với cùng kỳ.

Kosy (KOS): Chỉ hoàn thành 17,5% kế hoạch lợi nhuận, tiền nắm giữ giảm 15 lần sau một năm

Mới đây, Công ty CP Kosy vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2023. So với kế hoạch lợi nhuận được thông qua tại ...

Hà Lê

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục