Được tập đoàn tài chính Mỹ “rót” hàng trăm triệu USD, triển vọng của VPBank được dự báo ra sao?

(Banker.vn) Mới đây, Ngân hàng VPBank và Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC) đã ký Cam kết khoản vay song phương trị giá 300 triệu USD. Tuy vậy, nhiều công ty chứng khoán dự báo VPBank sẽ không còn duy trì được đà tăng trưởng lợi nhuận như trước trong nửa cuối năm 2023.

Được biết, khoản vay được thu xếp bởi DFC nhằm hỗ trợ nâng cao khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), đặc biệt là các doanh nghiệp SME do phụ nữ làm chủ và hỗ trợ các dự án xanh, bền vững tại Việt Nam.

Khoản vay 300 triệu USD có giá trị tương đương 7.200 tỷ đồng, với thời hạn vay 7 năm. Theo VPBank, khoản vay sẽ là nguồn bổ sung tài chính quan trọng giúp ngân hàng củng cố nền tảng vốn nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động tài chính bền vững phù hợp với chiến lược phát triển, bao gồm hỗ trợ doanh nghiệp SME, doanh nghiệp SME do phụ nữ làm chủ và chuyển dịch danh mục đầu tư vào các hoạt động chống biến đổi khí hậu và công nghệ phát thải carbon thấp tại Việt Nam.

Trước khoản vay được cấp bởi DFC, VPBank cũng đã liên tiếp huy động thành công nhiều khoản vay tài chính bền vững quốc tế có quy mô lớn, với tổng giá trị lên tới hơn 1 tỷ USD từ năm 2020.

Cụ thể, trước đó vào cuối năm 2022 vừa qua, VPBank cũng đã huy động thành công khoản vay hợp vốn trị giá 500 triệu USD từ 5 định chế tài chính danh tiếng là Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng ANZ và Công ty Chứng khoán Maybank Securities Pte. Ltd.

Được tập đoàn tài chính Mỹ “rót” hàng trăm triệu USD, triển vọng của VPBank được dự báo ra sao?
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)

Khó duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận

Mới đây, Trong báo cáo phân tích của Chứng khoán Vietcap, công ty cho rằng tăng trưởng lợi nhuận của VPBank sẽ chạm mức đáy trong năm 2023 với lợi nhuận trước thuế đạt mức 13.041 tỷ đồng trong năm nay, giảm gần 40% so với năm trước, sau đó sẽ phục hồi lên 17.963 tỷ đồng vào năm 2024 và lên 24.188 tỷ đồng vào năm 2025.

Trong khi đó, Chứng khoán Yuanta (Yuanta Việt Nam) nhận định VPBank là ngân hàng có lợi thế về nguồn vốn dồi dào nhờ bán 49% cổ phần FE Credit vào năm 2021 và 15% vốn điều lệ của VPBank cho Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) trong năm 2023. Ngân hàng kỳ vọng tỷ lệ CAR sẽ tăng lên khoảng 19% sau khi phát hành riêng lẻ cho SMBC, đây là tỷ lệ CAR cao nhất trong hệ thống các ngân hàng Việt Nam hiện nay.

Chuyên gia phân tích của Yuanta Việt Nam cho rằng nhờ CAR ở mức cao sau phát hành riêng lẻ và việc VPBank tham gia vào việc tái cơ cấu một ngân hàng yếu kém, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng được kỳ vọng sẽ vượt trội hơn so với các ngân hàng khác. Dự báo tăng trưởng cho vay năm 2023 sẽ tăng thêm 5 điểm% lên 25% so với năm trước và đạt mức 26% trong năm 2024.

Tính đến hết 6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng tín dụng so với đầu năm của VPB mới đạt 10%, thấp hơn nhiều so với hạn mức 24% được Ngân hàng Nhà nước cấp. Vì vậy, VPBank được nhiều chuyên gia phân tích kỳ vọng sẽ đẩy mạnh tín dụng trong những tháng cuối năm để hoàn thành hạn mức trên.

Tuy nhiên, chuyên gia cũng nhấn mạnh, bên cạnh những điểm sáng về lợi thế nguồn vốn dồi dào, tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận, kiểm soát chi phí,... thách thức mà VPBank phải đối mặt trong thời gian tới về rủi ro chất lượng tài sản, trái phiếu doanh nghiệp,...

Cụ thể, vào cuối quý 2, tỷ lệ nợ xấu của VPBank ở mức 4,98%, tăng 1 điểm % so với cùng kỳ, tuy nhiên đây là điều bình thường với ngân hàng do việc sở hữu công ty tài chính tiêu dùng có thị phần lớn nhất Việt Nam - FE Credit.

Yuanta cho biết tỷ lệ nợ xấu tại FE Credit đã tăng lên 28% (tăng 6 điểm % so với quý trước và tăng 13 điểm % so với cùng kỳ năm trước) tại thời điểm cuối quý 2/2023. Tỷ lệ nợ xấu của riêng ngân hàng mẹ cũng tăng 0,84 điểm % so với cùng kỳ lên mức 2,81%.

Trong khi đó, bộ đệm dự phòng của ngân hàng lại khá mỏng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) của VPBank rất thấp, chỉ 38% (giảm 24 điểm % so với cùng kỳ) tại thời điểm cuối quý II/2023.

Hơn nữa, mức độ đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp của VPBank (chiếm 5,2% tổng tài sản) là tỷ trọng cao thứ tư trong ngành. Theo báo cáo tài chính quý II/2023 của Novaland, tổng tín dụng (chủ yếu là TPDN) mà VPBank cấp cho Novaland là 2.400 tỷ đồng (giảm 71% so với quý trước), chỉ chiếm 0,3% tổng tài sản của VPBank tại thời điểm cuối quý II/2023.

Do đó, các chuyên gia phân tích cho rằng ngân hàng nên tăng trích lập dự phòng để ứng phó với tình trạng suy giảm chất lượng tài sản có thể xảy ra, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn của ngành bất động sản và của công ty con FE Credit.

Nhiều công ty chứng khoán "ôm" trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết

Thời điểm hiện tại, khá nhiều các công ty chứng khoán đang đầu tư giá trị lớn vào trái phiếu doanh nghiệp, quy mô có ...

Khối ngoại bất ngờ "quay xe" gom gần 45 triệu cổ phiếu VPB chỉ trong 2 phiên

Các giao dịch ‘khủng” này diễn ra trong bối cảnh Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HOSE: VPB) công bố về việc điều ...

VPBank huy động thành công khoản vay 300 triệu USD từ tập đoàn tài chính Mỹ

Sáng ngày 10/9, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (HOSE:VPBank) và Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC) đã ký ...

Hải Chi

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán