Dược Hậu Giang (DHG) đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 853 tỷ đồng

(Banker.vn) Năm 2022, DHG đặt mục tiêu doanh thu thuần dự kiến là 4.220 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 853 tỷ đồng. Hiện Dược Hậu Giang chưa công bố ước tính kết quả kinh doanh năm 2021.

Hội đồng quản trị của CTCP Dược Hậu Giang (Mã: DHG) vừa thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông thường niên.

Doanh thu thuần dự kiến là 4.220 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 853 tỷ đồng. Hiện Dược Hậu Giang chưa công bố ước tính kết quả kinh doanh năm 2021.

9 tháng đầu năm 2021, Dược Hậu Giang đạt 2.910 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận trước thuế 675 tỷ; lần lượt tăng tăng 14,4% và tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2020. So với kế hoạch, công ty đã thực hiện được 73,3% kế hoạch doanh thu và 82,2% mục tiêu lợi nhuận sau 9 tháng.

Trong tháng 12/2021, cổ phiếu DHG đã có màn tăng giá từ mức 100.000 đồng/cp lên mốc 135.800 đồng/cp vào giữa tháng 12. Sau giai đoạn tăng nóng, cổ phiếu DHG đã điều chỉnh về còn 106.900 đồng/cp kết phiên 11/1.

DHG và nhiều cổ phiếu dược khác đã tăng mạnh sau thông tin Bộ Y tế cho biết có 5 nhà sản xuất dược tại Việt Nam nộp hồ sơ xin phép sản xuất thuốc điều trị Sars-Cov-2 vào cuối tháng 11.

Diễn biến giá cổ phiếu DHG thời gian gần đây (Nguồn: TradingView)

Chứng khoán ACB (ACBS) cho biết dù không thể tìm thấy nguồn chính thức về những doanh nghiệp trên nhưng phía Dược Hậu Giang xác nhận là một trong số đó. Dược Hậu Giang thông tin với ACBS rằng vẫn chờ Bộ Y tế phê duyệt.

Cuối tháng 11/2021, Cục Quản lý dược thông báo hai nhà sản xuất thuốc là Pfizer và MSD đã đồng ý nhượng quyền tự nguyện sản xuất thuốc điều trị Sars-Cov-2 cho các công ty Việt Nam.

Đánh giá về triển vọng của ngành dược, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định đại dịch bùng phát đã gây ra những thay đổi lên ngành dược, trong đó, doanh thu bán thuốc bệnh viện sụt giảm, trong khi doanh thu tại các hiệu thuốc ít bị ảnh hưởng hơn.

Người dân hạn chế đến nơi đông người, đặc biệt là bệnh viện, phòng khám, và một phần lớn giường bệnh được sử dụng để điều trị COVID-19. Bên cạnh đó, giao thông đi lại khó khăn cũng khiến lượng người đến bệnh viện sụt giảm, và thúc đẩy hoạt động khám bệnh, mua thuốc trực tuyến.

Trong ngắn hạn, VDSC cho rằng tốc độ tăng trưởng doanh thu sẽ dần phục hồi vào năm 2022 vì tác động của đại dịch lên chi tiêu dược phẩm sẽ giảm dần và chăm sóc sức khỏe vẫn là hoạt động thiết yếu.

Về dài hạn, các chuyên gia phân tích nhận định ngành dược sẽ tăng trưởng ổn định và bền vững do dân số già hóa nhanh, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng.

Anh Khôi

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán