Dùng trái phiếu làm tài sản đảm bảo khoản vay: Bất khả thi?

(Banker.vn) Theo các chuyên gia, đề xuất cho phép sử dụng trái phiếu doanh nghiệp làm tài sản thế chấp ngân hàng để vay vốn là bất khả thi.

Bất động sản ‘không có Tết’

Trong một báo cáo mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) đã gửi đi thông điệp: “Đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét khẩn trương tháo gỡ vướng mắc để giúp cho doanh nghiệp và người mua nhà được vay tín dụng”.

Theo HoREA, mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nới room tín dụng năm 2022, song nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà vẫn rất khó vay. Vì Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại không hạ “chuẩn” tín dụng.

Xem thêm HoREA kiến nghị NHNN nới ‘chuẩn’ tín dụng trong tình thế “bất thường”

"Nếu có được khoản vay mới và được phép thế chấp bằng trái phiếu doanh nghiệp thì đây là nguồn vốn vay quý giá, có tính chất là "vốn mồi" để doanh nghiệp có thể triển khai hoạt động đầu tư kinh doanh, tạo được dòng tiền và thanh khoản thì hoàn toàn có thể hoàn trả khoản vay mới và các khoản vay cũ, có lợi cho cả doanh nghiệp và tổ chức tín dụng cùng "dìu" nhau vượt qua khó khăn", hiệp hội cho hay.

Do đó, hiệp hội này đề nghị NHNN xem xét trình Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung nghị định 31/2022/NĐ-CP, cho phép tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp vay khoản tín dụng mới có tài sản bảo đảm là trái phiếu doanh nghiệp được trị giá tối đa bằng 70% giá trị trái phiếu doanh nghiệp, với điều kiện doanh nghiệp cam kết thực hiện giao dịch qua tổ chức tín dụng cho vay.

dùng trái phiếu làm tài sản bảo đảm
Nhiều chuyên gia đánh giá đề xuất cho phép sử dụng trái phiếu doanh nghiệp làm tài sản thế chấp ngân hàng để vay vốn của HoREA là bất khả thi. Ảnh minh hoạ

Đề xuất này của HoREA đã nhận về nhiều ý kiến phản biện. Đánh giá về vấn đề này, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, việc tổ chức tín dụng cấp tín dụng sử dụng trái phiếu làm tài sản đảm bảo để cấp tín dụng cho doanh nghiệp là không phù hợp với các quy định hiện hành của NHNN.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Hữu Huân - Trưởng Bộ môn Thị trường tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM đánh giá đề xuất này sẽ khó đưa vào thực thi được vì nó làm trái các quy định an toàn của ngân hàng.

Theo TS. Huân, thời gian vừa qua hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn của doanh nghiệp bất động sản tăng mạnh. Cần lưu ý rằng đa số trái phiếu đã phát hành trước kia đều không có tài sản bảo đảm. Trong khi đó nguyên tắc cho vay của ngân hàng là phải có tài sản bảo đảm hoặc thẩm định được dòng tiền, khả năng trả nợ của doanh nghiệp.

“Tuy nhiên, ngân hàng cũng có thể cân nhắc chấp nhận trái phiếu là tài sản thế chấp cho khoản vay, nếu trái phiếu đó có tài sản đảm bảo và tài sản này được thẩm định đầy đủ. Thông thường doanh nghiệp sẽ dùng bất động sản, dự án... làm tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu. Song hiện nay nhiều dự án bị rớt giá tới 50%, nên ngân hàng phải đánh giá lại giá trị tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, tỉ lệ cho vay đến 70% giá trị trái phiếu doanh nghiệp có thể tiềm ẩn rủi ro cao cho ngân hàng, cần xem xét cẩn trọng để tránh bị hớ”, TS. Huân phân tích sâu hơn.

Theo Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu, điều quan trọng với doanh nghiệp bất động sản lúc này là được hỗ trợ tối đa tiếp cận vốn vay. "Thị trường bất động sản đã chuyển từ trạng thái tăng nóng sang suy thoái. Nếu không hỗ trợ phần nào thanh khoản, có thể sang năm sau hàng loạt doanh nghiệp bất động sản bị phá sản, thậm chí hàng trăm ngàn người bị thất nghiệp. Chưa kể nhiều ngành khác như xây dựng, nội thất... cũng bị liên đới”, ông Châu chia sẻ.

Bên cạnh đề xuất dùng trái phiếu doanh nghiệp làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị NHNN cho phép tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp vay khoản tín dụng mới có tài sản bảo đảm trong trường hợp doanh nghiệp có khoản vay đáo hạn (thuộc nhóm 2, nhóm 3) chưa thanh toán với điều kiện doanh nghiệp cam kết thực hiện giao dịch qua tổ chức tín dụng cho vay.

Song song đó, Chủ tịch HoREA cũng đề nghị NHNN xem xét trình Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 31/2022/NĐ-CP cho phép người mua nhà ở thương mại có mức giá dưới 1,8 (hoặc 2) tỷ đồng/căn được hỗ trợ 2%/năm lãi suất vay tín dụng (hoặc với lãi suất hợp lý do Ngân hàng Nhà nước quy định) tính từ ngày giải ngân khoản vay đến thời điểm khách hàng trả hết nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận giữa ngân hàng thương mại và khách hàng, nhưng không vượt quá ngày 31/12/2023.

Yến Thanh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán