Lạc lối trong “rừng nguyên sinh” UPCoM | |
Lấy được vợ nhờ… đầu tư chứng khoán! | |
Tôi là một ... F0! |
Tôi không biết đóng cửa phiên giao dịch ngày 8/9/2022 – phiên cuối cùng của cổ phiếu FLC trước khi bị đình chỉ giao dịch, đã có bao nhiêu cổ đông sở hữu cổ phần doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, ước tính với hơn 18 triệu cổ phiếu được trao tay, chứng tỏ đã có một lực lượng không nhỏ các nhà đầu tư mua vào và xác định sẽ “chung thân” với FLC. Với cá nhân tôi hiện tại, chắc chắn không bao giờ "xuống tiền" mua vào các cổ phiếu trong tình trạng tiêu cực, diễn biến khó lường như vậy, bởi tôi đã “thuộc lòng” bài học đắt giá trong quá khứ.
Nhà đầu tư cần hình thành cho mình một phong cách đầu tư phù hợp. Đồ họa: Đức Anh |
Trước kia, tôi cũng là nhà đầu tư có suy nghĩ “liều ăn nhiều”, từng “nhảy lên tàu” của bất kỳ những doanh nghiệp nào đang vướng đến các rắc rối. Trong đó, cổ phiếu DVD của Công ty CP Dược Viễn Đông là một ví dụ điển hình. Hơn 10 năm trước, chủ tịch của DVD bị khởi tố với tội danh thao túng giá chứng khoán, khiến thị giá DVD lập tức “rơi” tự do, liên tiếp mò đáy.
Theo trí nhớ của tôi, thì đây là vụ thao túng có quy mô rất lớn và lần đầu tiên bị đưa ra ánh sáng. Liên quan đến DN này, ngoài truyền thông trong và ngoài nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng thường xuyên đưa thông tin cảnh báo trên website.
Vậy mà chẳng hiếm nhà đầu tư như tôi, vẫn cứ đâm đầu vào đầu tư cổ phiếu DVD, vì tự cho là giá trị của cổ phiếu đã giảm về mức hấp dẫn, từ 3 con số, lúc đó chỉ còn dưới mệnh giá. Rốt cuộc, thương vụ đó tôi nhận về “trái đắng”, bởi khoảng thời gian sau đó DVD vẫn miệt mài giảm giá, và cuối cùng bị loại ra khỏi sàn.
Còn nhiều trường hợp khác cũng có tình cảnh tương tự, chẳng hạn cổ phiếu DCC của Công ty CP Xây dựng Công nghiệp – Descon. Tôi nhớ rõ ngày 16/9, cổ phiếu này chính thức bị ngừng giao dịch vì sai phạm quy định về công bố thông tin, trong khi trước đó hoạt động mua – bán vẫn diễn ra tấp nập.
Thời điểm hiện nay, cơ quan chức năng đang mạnh tay xử lý, “gột rửa” giúp thị trường minh bạch hơn, với động thái tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giao dịch của các doanh nghiệp niêm yết. Cũng chính vì lẽ đó, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết đã bị bắt vì liên quan đến làm giá cổ phiếu.
Các thông tin này gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh, cho các ông chủ doanh nghiệp và cả các nhà đầu tư, rằng hãy thận trọng trong từng hoạt động của mình, không gì lâu dài và bền vững hơn một cách làm xuất phát từ suy nghĩ của sự tử tế, vì sự phát triển tích cực, vì sự lành mạnh, minh bạch của thị trường!
Thế nhưng vẫn có những nhà đầu tư “điếc không sợ súng”, bất chấp các cảnh báo liên tục từ cơ quan chức năng… họ cứ mạnh tay “móc hầu bao” cho các cổ phiếu đang bị tin xấu “đánh tơi bời” như vậy, với một tâm thế đầy liều lĩnh.
Họ đều có lý do riêng khi đưa ra quyết định của mình, họ tìm thấy cơ hội trong doanh nghiệp đang bị bủa vây bởi những “tin dữ”, như chậm công bố thông tin, rơi vào diện cảnh báo toàn thị trường, lỗ sau soát xét, cảnh báo về khả năng hoạt động liên tục…
Giá chiết khấu sâu là một điểm hấp dẫn của các cổ phiếu “bòng bong” này. Tất nhiên, hàng loạt tin xấu xuất hiện sẽ phản ánh lên thị trường, thị giá của cổ phiếu sẽ giảm mạnh so với thời kỳ yên ổn. Mặt khác, lý do “tâm linh” mà các nhà đầu tư có khẩu vị quá rủi ro đưa ra, đó là các “tay to” thường lợi dụng tin xấu để đè giá cổ phiếu, nhằm “gom hàng” và sau đó “đánh” lên nhanh chóng.
Nhiều nhà đầu tư đó tin rằng, nếu bản thân mạo hiểm mua vào giai đoạn “cá mập gom hàng”, và bán ra đúng lúc họ kéo giá lên, thì chắc chắn sẽ gặt hái vài chục phần trăm lợi nhuận chỉ trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, thực tế liệu có bao nhiêu người, trong hàng trăm, hàng nghìn người đang bị “chôn vốn”, bị “đánh úp” bởi các “tay to” kia có thể đạt được mức lợi nhuận “hão huyền” đó?
Sẽ không thể có thống kê cụ thể và chi tiết. Nhưng phải công nhận rằng tư duy đầu tư kiểu “tin tốt ra là bán, tin xấu ra là mua” đã âm thầm trở thành một “kỹ thuật” giao dịch được nhiều nhà đầu tư áp dụng. Tôi không phủ nhận sự vận động của tin tức sẽ tác động đến giá cổ phiếu, bởi nghĩ theo lối thông thường, trước khi tin tốt chính thức công bố, nó đã bị rò rỉ bằng nhiều cách thức, và ngay lập tức phản ánh vào giá trị cổ phiếu.
Còn đối với tin xấu, quá trình chiết khấu giá sẽ diễn ra sau khi tin tức kém tích cực bị nhà đầu tư rỉ tai nhau, hoặc thành chủ đề bàn tán trên các diễn đàn chứng khoán. Tuy vậy trong nhiều trường hợp, cách vận động này không phải lúc nào cũng đúng. Ví dụ một tin xấu được rò rỉ ra ngoài, nhưng có thể vẫn còn những tin xấu hơn nữa chuẩn bị phát lộ trong tương lai.
Liệu một lãnh đạo doanh nghiệp bị vướng vào vòng lao lý, bản thân doanh nghiệp đang bị thanh tra, điều tra đã là tin xấu nhất hay chưa? Tại sao chúng ta lại bỏ những đồng tiền xương máu của mình vào một khoản đầu tư đầy may rủi đó?
Vì vậy, tôi cho rằng để thành công trên thị trường chứng khoán, bên cạnh trang bị kiến thức, đánh giá thông tin một cách chuẩn xác, nhà đầu tư cần hình thành cho mình một phong cách đầu tư phù hợp. Nói là phù hợp bởi mỗi người có nguồn tiền khác nhau, khả năng chịu đựng rủi ro khác nhau và đặc biệt là cần rút kinh nghiệm sau mỗi thất bại. Đối với tôi đó là bài học không bao giờ đầu tư cổ phiếu vướng vào các rắc rối, thị phi./.
Bài dự thi Cuộc thi viết "Tôi là nhà đầu tư" năm 2022 do Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam tổ chức. Toàn bộ các bài viết được đăng tải trên fapage: Tôi là nhà đầu tư, mời độc giả like page và tương tác cùng các nhà đầu tư. Nếu bạn muốn kể câu chuyện đầu tư của mình, hãy viết bài dự thi vào gửi vào địa chỉ Email: [email protected]; tác phẩm dự thi ghi rõ trên tiêu đề thư khi gửi email: Bài tham dự cuộc thi viết “TÔI LÀ NHÀ ĐẦU TƯ” |
Nguyễn Duy Tiến (Hà Nội)
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|