Dừng hàng loạt các hoạt động vui chơi, giải trí để phòng chống COVID-19

(Banker.vn) Do diễn biến của dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp, mới đây, nhiều địa phương đã có thông báo về việc dừng tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Nhiều tỉnh, thành dừng bắn pháo hoa

Mới đây, sau khi nghe báo cáo tình hình công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo không tổ chức bắn pháo hoa tại 30 quận, huyện, thị xã như dự kiến; nghiên cứu phương án tổ chức bắn pháo hoa tầm cao đêm giao thừa tại 1 địa điểm thích hợp với yêu cầu nghiêm ngặt phòng, chống dịch COVID-19 (không tập trung đông người) để truyền hình trực tiếp phục vụ nhân dân. Cũng theo văn bản trên, trước yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, Thường trực Thành ủy Hà Nội chỉ đạo các cấp, các ngành phải xác định nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách hàng đầu trong thời gian trước, trong và sau Tết nguyên đán Tân Sửu 2021.

Thành ủy Hải Phòng cũng đã có thông báo sẽ dừng thực hiện việc bắn pháo hoa theo kế hoạch và lựa chọn một điểm để bắn pháo hoa tại quận Đồ Sơn; tạm dừng hoạt động các lễ hội, đình, chùa... phòng dịch COVID-19. Ông Lê Văn Thành - Bí thư Thành ủy đề nghị phải kiểm soát toàn bộ các điểm giáp ranh, các tuyến đường, hệ thống giao thông... và phải tăng cường thêm lực lượng của công an thành phố tại khu vực này; phát huy tối đa các nhiệm vụ của hơn 2.400 tổ kiểm soát phòng, chống dịch tại khu dân cư để kịp thời phát hiện người từ vùng dịch về, kịp thời báo cho địa phương đưa đi cách ly; lãnh đạo các địa phương cần tăng cường kiểm soát tại khu dân cư. Liên quan đến các hoạt động dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, đồng chí Bí thư Thành ủy đề nghị dừng hoãn các cuộc hội nghị, tiếp xúc cuối năm từ thành phố đến địa phương; dừng thực hiện việc bắn pháo hoa theo kế hoạch (14 điểm) và lựa chọn một điểm để bắn pháo hoa tại quận Đồ Sơn; tạm dừng hoạt động các lễ hội, đình, chùa...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyên Duy Hưng cho biết tỉnh vừa ban hành văn bản hỏa tốc thông báo không tổ chức bắn pháo hoa đêm giao thừa Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 nhằm bảo đảm các yêu cầu của công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Tỉnh cũng đã dừng một số hoạt động như: hội chợ xuân Tân Sửu, các cuộc hội họp, hội nghị trên 30 người; hạn chế việc đi lại, tập trung đông người đến các khu du lịch tâm linh, cơ sở vui chơi, giải trí... Đồng thời, vận động nhân dân không tổ chức ăn cỗ đông người trong dịp tết, hạn chế tối đa việc tập trung đông người tại các đám cưới hỏi, tổ chức đám hiếu với quy mô gia đình người thân, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong việc tang.

Đề nghị tạm ngừng hoạt động tổ chức lễ hội

Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị tạm ngừng hoạt động tổ chức lễ hội, hoạt động dịch vụ kinh doanh karaoke, vũ trường, các hoạt động văn hoá tập trung đông người ở các địa phương có dịch bệnh bùng phát. Theo đó, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn thuộc ngành văn hóa, thể thao và du lịch thực hiện nghiêm chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/1 và các công văn của Bộ ban hành trước đó về triển khai các biện pháp an toàn phòng chống dịch trong hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào tình hình dịch bệnh tại địa phương, quyết định hoãn hoặc dừng tổ chức các sự kiện thể thao trên địa bàn. Các địa phương chỉ đạo các cơ sở huấn luyện, cơ sở kinh doanh dịch vụ thể dục thể thao và các cơ sở hoạt động thể dục thể thao thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Đặc biệt, Bộ lưu ý các địa phương có dịch bệnh bùng phát, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng cần tạm ngừng hoạt động tổ chức lễ hội, hoạt động dịch vụ kinh doanh karaoke, vũ trường, các hoạt động văn hoá tập trung đông. Đối với các địa phương chưa phát sinh dịch bệnh thì cũng phải giảm quy mô, điều chỉnh hình thức, thời gian tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội. Các địa phương thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của ngành y tế tại nơi tổ chức các hoạt động. Ban tổ chức lễ hội, ban quản lý di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, người đứng đầu bảo tàng, rạp chiếu phim, thư viện... chịu trách nhiệm về việc giám sát, yêu cầu người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, tăng cường công tác vệ sinh, khử khuẩn theo quy định của ngành y tế tại địa bàn quản lý. Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch trong lĩnh vực hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch tại địa phương.

Đề xuất dừng tuyến phố đi bộ Hồ Gươm từ ngày 5/2

Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đề xuất dừng hoạt động phố đi bộ Hồ Gươm từ ngày 5/2. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Hà Nội chiều ngày 3/2, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàn Kiếm Đinh Hồng Phong cho biết, đối với hoạt động phố đi bộ Hồ Gươm, hàng năm khi đến tuần cuối cùng, sát Tết Nguyên đán sẽ dừng hoạt động. Tuy nhiên, năm nay, do tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nên quận Hoàn Kiếm đề xuất thành phố chính thức cho dừng hoạt động phố đi bộ từ tuần này, bắt đầu từ ngày 5/2. Phố đi bộ sẽ hoạt động trở lại khi có thông báo chính thức của thành phố.

Lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm cho biết biết thêm, cơ quan chức năng đã tổ chức đoàn xe tuyên truyền ở phố đi bộ, chợ hoa để nâng mức cảnh giác cao độ cho người dân trong công tác phòng dịch. In ấn các tờ rơi, pano để tuyên truyền cho người dân liên quan đến xử phạt người không đeo khẩu trang. Từ chiều ngày 2/2 đến nay, quận Hoàn Kiếm đã xử phạt 29 trường hợp không đeo khẩu trang với số tiền 53 triệu đồng.

T.D

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ (link gốc)

Theo: