Đừng chạy theo ngành “hot”, hãy biến mình trở thành người "hot"

(Banker.vn) Nên chọn ngành “hot” hay ngành mình yêu thích? Chọn ngành rộng hay ngành hẹp khi thị trường lao động liên tục biến đổi?... đang là băn khoăn của nhiều thí sinh.
Dịch vụ ngân hàng đầu tư sẽ là ngành “hot” trong tương lai? Đăng ký xét tuyển đại học năm 2024 dự kiến từ ngày 10 đến 25/7 Dự kiến thi tốt nghiệp THPT năm 2024 vào ngày 21 và 22/6

Ngành "hot" hôm nay chưa chắc đã "hot" trong 5-10 năm tới

Khi mùa tuyển sinh đại học 2024 đã khởi động và còn ba tháng nữa, thí sinh sẽ phải chốt đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường lên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, hiện nay có khoảng 250 trường đại học, hơn 300 trường cao đẳng, ngoài ra còn có các trường trung cấp. Số ngành ở bậc đại học là gần 500, số nghề ở trình độ cao đẳng, trung cấp cũng tương tự. Do vậy các thí sinh có rất nhiều sự lựa chọn về trường học, ngành học.

Tuy nhiên, cơ hội được mở rộng, sự thuận lợi càng tăng thì sự lựa chọn nghề nghiệp của thí sinh lại có phần khó khăn hơn. Đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, các em băn khoăn nên chọn ngành “hot” hay ngành mình yêu thích? Chọn ngành rộng hay ngành hẹp khi thị trường lao động liên tục biến đổi? và làm thế nào chọn được những nguyện vọng phù hợp nhất với sở trường của mình, phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động và có cơ hội việc làm ở tương lai?

Bên cạnh đó, sự bùng nổ thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội đôi khi làm cho học sinh, phụ huynh bị rối; thậm chí hiểu lệch, hiểu không đúng về ngành, nghề nào đó.

Chia sẻ với băn khoăn của thí sinh về vấn đề này, lãnh đạo nhiều trường đại học cho rằng, thí sinh cần xác định việc chọn nghề liên quan đến tương lai rất dài trong khi ngành “hot” lại chỉ mang tính thời điểm.

Giáo sư Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, nếu thí sinh muốn học một ngành để tồn tại thì chọn ngành “hot”, ngành xã hội đang cần, nhưng muốn một công việc mà mình có thể đam mê, sáng tạo thì chọn ngành yêu thích và có năng lực đáp ứng.

Cụ thể, Giáo sư Nguyễn Tiến Thảo phân tích: “Ngành xã hội cần thì trong thời điểm ngắn, thí sinh học xong có thể dễ tìm việc làm, nhưng về lâu dài, đam mê sẽ là động lực kích thích để các em phát triển, tiến lên nếu các em thực sự theo đuổi ngành mình yêu thích".

Đừng chạy theo ngành “hot”, hãy biến mình trở thành người "hot"
Phó giáo sư, Tiến sỹ Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương khuyên thí sinh thay vì chạy theo ngành “hot” hãy biến mình trở thành người "hot" để có thêm nhiều cơ hội nghề nghiệp cho chính mình

Cùng nhận định, TS. Phan Đình Quyết, Phó trưởng Phòng Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Thương mại bày tỏ, ngành “hot” chỉ là xu hướng mang tính thời điểm và sẽ có sự thay đổi trong khoảng 5-10 năm. Ví dụ, cách đây khoảng 5 năm, ngành du lịch là xu hướng nhưng đại dịch Covid-19 đã làm đứt xu hướng này.

Theo đó, TS. Phan Đình Quyết cho rằng, nếu học ngành mình thích, các em sẽ học với tâm thế đam mê và vì thế học được tốt nhất. Khi trang bị tốt các kiến thức, kỹ năng liên quan đến ngành nghề đó thì không lo không tìm được việc làm phù hợp sau khi ra trường.

Chia sẻ thêm, PGS.TS. Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương nhấn mạnh: "Ngành “hot” hay không “hot” phụ thuộc vào chính mỗi sinh viên".

Trong quá trình học, nếu biết tích lũy kiến thức, kỹ năng để đẩy năng lực của mình lên thì việc đạt được công việc tốt với mức lương tương xứng là không khó khăn. Vì vậy, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Ngoại thương khuyên thí sinh thay vì chạy theo ngành “hot” hãy biến mình trở thành người "hot".

Bà Hiền nhấn mạnh, chọn ngành, chọn nghề liên quan đến cả tương lai rất dài. Không phải chọn rồi thì sinh viên bị bó buộc vào ngành đó. Mỗi sinh viên có rất nhiều cơ hội. Quan trọng là các em chiếm lĩnh cơ hội đó như thế nào.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, PGS. Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa lưu ý thí sinh đừng vội chạy theo ngành “hot”. Các em cần xem xét nhiều yếu tố liên quan như ngành đó có phù hợp với năng lực, sở trường của mình hay không? Có đủ điểm xét tuyển hay không? Gia đình có đủ khả năng tài chính để theo học không?

“Quan trọng nhất là hãy xác định năng lực của bản thân mình, sau đó hãy chọn ngành phù hợp vì ngành "hot" hôm nay chưa chắc đã là ngành "hot" trong 5 năm nữa”, PGS. Nguyễn Phú Khánh nói.

Bên cạnh băn khoăn trước sức hút của các ngành “hot”, sự liên tục biến động của thị trường lao động với những ngành nghề có nguy cơ mất đi cũng là điều nhiều thí sinh và phụ huynh lo lắng trước ngưỡng cửa đại học.

Nên học theo hướng tiếp cận liên ngành

Theo PGS. Vũ Thị Hiền, có phụ huynh đặt câu hỏi nên cho con học ngành rộng hay ngành hẹp vì sợ ngành rộng thì khi ra trường quá mông lung trong khi ngành hẹp lại khó ứng biến trong cơ hội nghề nghiệp? Nên học ngành Quản trị kinh doanh hay học ngành sâu hơn về Quản trị nhân sự, Quản trị ngân hàng?

Nhận định những lo lắng trên là bài toán rất thực tế cho thí sinh và phụ huynh khi học đại học đồng nghĩa với các em sẽ mất khoảng thời gian 4-5 năm và nguồn tài chính không nhỏ, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Ngoại thương khuyên thí sinh và phụ huynh hãy là người tiêu dùng thông minh.

Theo bà Hiền, phụ huynh có thể xem chương trình đào tạo của các trường. Dù là ngành rộng hay ngành hẹp thì hai năm đầu đều hướng tới đào tạo nền tảng kiến thức vững vàng cho sinh viên trong lĩnh vực được học.

Còn PGS. Nguyễn Thị Hiền đưa ra lời khuyên: Các thí sinh hãy cho mình nhiều cơ hội bằng cách tạo cho mình nhiều năng lực cốt lõi. Các em không nên học một ngành duy nhất mà hãy học theo hướng tiếp cận liên ngành.

Một sinh viên học Kinh tế có thể học thêm Luật, Khoa học dữ liệu… dưới một hình thức khác, không nhất thiết có thêm bằng nữa nhưng có khối lượng kiến thức đủ lớn để có cơ hội ứng phó tốt, có năng lực vượt trội trong tương lai. Nếu giỏi một ngành nào đó nhưng tự mở rộng kiến thức liên ngành, đa ngành và đẩy năng lực của mình tới mức rất cao thì việc tìm kiếm việc làm, đạt được mức lương như mong muốn là điều không khó.

Cùng chung nhận đinhh, PGS. Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, các trường đại học hiện nay trong quá trình đào tạo đều kết hợp nhiều yếu tố khác nhau từ nhiều lĩnh vực để trang bị cho sinh viên nền tảng rộng và phương pháp tự học.

“Các em không phải chỉ học 4 năm, 5 năm hay 6 năm đại học là dừng mà phải học nữa, phải cập nhật để theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ, của khoa học kỹ thuật như vũ bão. Việc học đại học hay cao đẳng chỉ là những bước đầu tiên, là nền tảng quan trọng nhất cho mỗi học sinh, sinh viên phương pháp để đi con đường dài, phát triển bản thân, phát triển nghề nghiệp của mình. Các em học một ngành nhưng có thể làm được nhiều nghề”, Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy khẳng định.

Theo đó, các học sinh sinh viên hãy học không phải vì bằng cấp, mà vì sự phát triển của chính bản thân, phải đóng góp cho gia đình, làm thay đổi những gì còn chưa tốt cho xã hội. Ngoài ra, nếu học thêm yếu tố về công nghệ, học kỹ năng mềm có thể áp dụng trong lĩnh vực theo đuổi, đào sâu nghiên cứu chuyên sâu thì khi bước ra đường đời có nhiều lựa chọn nghề nghiệp hơn rất nhiều.

Đỗ Nga

Theo: Báo Công Thương