Dũng cảm mở cửa để đón đầu xu thế du lịch của thế giới

(Banker.vn) Vừa qua, Phiên toàn thể của Hội thảo du lịch 2021 “Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển” đã diễn ra tại Nghệ An với sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Tại Hội thảo, các đại biểu đều cho rằng, cần phải tính toán để mở cửa, dũng cảm mở cửa để đón đầu xu thế của thế giới và tạo sức bật cho lực cầu du lịch nội địa.

Phiên toàn thể còn có sự tham dự của Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (tham dự trực tuyến), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương; các nhà khoa học, các doanh nghiệp du lịch, đại diện các cơ quan thông tấn báo chí. 19 đầu cầu tại các tỉnh, thành phố là các trung tâm du lịch tham gia Phiên toàn thể.

Tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết: “Lãnh đạo Quốc hội hoan nghênh sáng kiến của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cùng với Bộ VHTTDL và tỉnh Nghệ An phối hợp tổ chức Hội thảo rất có ý nghĩa này. Đây là sự tiếp nối hoạt động của các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan, nhằm làm sâu sắc thêm các vấn đề đã được thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 “Phục hồi và Phát triển bền vững”. Chủ đề “Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển” của Hội thảo này có tính thời sự cao, nhận được sự quan tâm nhiều của các nhà quản lý, chuyên gia, hiệp hội trong bối cảnh đất nước ta đang từng bước kiểm soát được dịch bệnh, duy trì, phục hồi sản suất, kinh doanh, dịch vụ, thực hiện mục tiêu “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Phát triển ngành Du lịch là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta, từ khi có Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, ngành Du lịch liên tục có bước phát triển đột phá: Năm 2019, doanh thu từ ngành Du lịch đạt 32,8 tỉ USD, đóng góp 9,2% tổng sản phẩm quốc nội, tạo ra 2,5 triệu việc làm. Từ đầu năm 2021, dịch COVID-19 bùng phát, nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết tâm, quyết liệt của Đảng, Nhà nước và lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tạo sự đồng tâm, hiệp lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, kinh tế - xã hội duy trì và phát triển: thu ngân sách 11 tháng ước đạt hơn 1,39 triệu tỉ đồng, vượt mục tiêu 3,7%, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó thu nội địa tăng 6%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 599 tỉ USD, tăng 22,3%. Xây dựng hệ thống chính trị, phòng chống tham nhũng, tiêu cực đạt nhiều kết quả.

   Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Trần Huấn

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị: “Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam; khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm, thương hiệu du lịch độc đáo, đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa, lịch sử Việt Nam, đạt đẳng cấp thế giới. Đặc biệt, chú ý gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên với phát triển du lịch bền vững”.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Ban tổ chức Hội thảo không chỉ tiếp thu các ý kiến phát biểu tại Hội thảo hôm nay, mà cần tiếp thu rộng rãi ý kiến của nhân dân, các doanh nghiệp trong và ngoài nước để bao phủ hết các đối tượng tác động. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước theo thẩm quyền tiếp thu ý kiến đại biểu tại Hội thảo, có các giải pháp cụ thể, thực thi, nhất quán từ Trung ương đến địa phương để tháo gỡ khó khăn, sớm phục hồi ngành kinh tế mũi nhọn này.

Đổi mới tư duy và cách làm du lịch thích ứng kịp với xu hướng mới

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng tại Phiên toàn thể cho rằng: “Chúng ta hoàn toàn có quyền hi vọng và tin vào sự phục hồi và phát triển của ngành Du lịch trong tương lai. Nhất là khi đang có sự đồng lòng, ủng hộ của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và người dân, doanh nghiệp đối với ngành”.

Có thể thấy, đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi sâu rộng và toàn diện thị hiếu, nhu cầu và hành vi du lịch của con người. Sau COVID-19 du khách có tâm lý e ngại du lịch đến những địa điểm đông người; quan tâm nhiều hơn tới an toàn sức khỏe; thận trọng khi lựa chọn điểm đến, phương tiện và cách thức tổ chức chuyến đi. Du khách thiên hướng đi theo nhóm nhỏ với bạn bè và gia đình, tìm đến những khu nghỉ chất lượng, an toàn, tách biệt, gần gũi thiên nhiên, ít tiếp xúc và ngày càng dựa vào công nghệ để thực hiện chuyến đi theo ý muốn.

   Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu. Ảnh: Trần Huấn

Cùng với đó, xu hướng ứng dụng công nghệ trong kinh doanh và trải nghiệm du lịch ngày càng phổ biến; dịch vụ trực tuyến, du lịch thông minh sẽ dần thay thế nhiều công đoạn dịch vụ truyền thống; vai trò của trung gian lữ hành ngày càng giảm khi khách có thể tiếp cận dịch vụ trực tuyến, tự sắp xếp chuyến đi. Du lịch bằng hộ chiếu vắc xin kèm những điều kiện an toàn về y tế được dự báo sẽ trở thành thói quen du lịch mới.

“Từ thực tế nói trên, đòi hỏi mỗi chủ thể trong ngành Du lịch phải đổi mới tư duy và cách làm du lịch thích ứng kịp với xu hướng mới. Sau giai đoạn ngưng trệ gần hai năm qua, thách thức lớn đối với ngành Du lịch là nối lại chuỗi cung ứng, khơi thông lại thị trường và tạo dựng niềm tin, sự an tâm cho du khách. Đây cũng là cơ hội khi toàn ngành đang thực hiện cơ cấu lại theo Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.

Lãnh đạo Bộ VHTTDL đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trọng điểm về du lịch tiếp tục tổ chức tiêm chủng cho người dân và người lao động trong ngành Du lịch đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Xây dựng sản phẩm, dịch vụ du lịch an toàn, khuyến khích du lịch xanh, bảo vệ môi trường. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý điểm đến, trong đó chuẩn bị sẵn sàng kịch bản xử lý khủng hoảng khi có ca nhiễm tại điểm đến du lịch; điều tiết hoạt động du lịch tại điểm đến theo không gian và thời gian, tránh tập trung quá đông du lịch vào một thời điểm tại một điểm đến; quảng bá, xúc tiến điểm đến an toàn; kiểm soát chất lượng dịch vụ, giá cả tại điểm đến…

Các doanh nghiệp du lịch cần triển khai các biện pháp an toàn phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đối với hoạt động của doanh nghiệp. Cố gắng giữ chân đội ngũ nhân lực nòng cốt, tiếp tục đào tạo nhân lực và phát triển kỹ năng làm việc an toàn cho đội ngũ nhân viên. Xây dựng các sản phẩm mới, sản phẩm du lịch an toàn, sản phẩm du lịch ngách (du lịch golf, du lịch mạo hiểm…) nhằm đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với xu hướng và nhu cầu của thị trường...

Khi du lịch của các quốc gia gần như quay lại vạch xuất phát do đại dịch, đón được cơ hội để khôi phục và nâng Du lịch Việt Nam lên một tầm cao mới hay lãng phí những tiềm năng, thụt lùi, phá hủy môi trường và văn hóa điều đó phụ thuộc rất nhiều vào những chiến lược, giải pháp, hướng đi, cách làm và sáng kiến mà Ngành Du lịch sẽ áp dụng cả trong ngắn hạn cũng như cho một giai đoạn phát triển dài tới đây trong bối cảnh đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó dự báo.

“Dù có mở thế nào đi chăng nữa mà không an toàn thì không ai đến”

Phát biểu tại Phiên toàn thể, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, lãnh đạo Tổng cục Du lịch và các đại biểu nói nhiều đến việc mở cửa nhưng dù có mở thế nào đi chăng nữa mà không an toàn thì không ai đến. Ngay cả trong nước không an toàn thì du lịch nội địa cũng không phát triển được. “Vì thế, chúng ta vẫn phải thực hiện tốt các công tác phòng chống dịch. Theo tôi, không nên quá nóng vội. Chúng ta mở cửa cho Phú Quốc, làm thật chắc chắn, kiểm soát thật tốt dịch bệnh trong thời gian ngắn nhất. Trong thời gian đó, làm tốt công tác chuẩn bị, tự đổi mới mình, sẵn sàng cho tới khi an toàn thì tốt hơn là vội. Mở ra và đóng vào nguy hiểm hơn là chuẩn bị rất tốt rồi mở một cách chắc chắn”, Phó Thủ tướng nói.

Ông nhấn mạnh việc cần thiết bây giờ là phải tổ chức tiêm vắc xin mũi 3 một cách nhanh nhất, gọn nhất. Bên cạnh đó, cần triển khai thuốc điều trị. Khách đến có thể bị lây nhiễm, nếu có thuốc, họ sẽ yên tâm hơn nên phải sẵn thuốc để điều trị.

Phó Thủ tướng cho biết: Du lịch là một trong những ngành bị tác động mạnh nhất. “Tôi cảm ơn tất cả các doanh nghiệp trong ngành Du lịch, kể cả những gia đình làm du lịch cũng như những ngành phục vụ du lịch trong thời gian vừa qua đã vượt qua những khó khăn để vượt qua đại dịch. Mặc dù khó khăn, nhưng nhiều doanh nghiệp du lịch cũng đồng hành với cả nước trong công cuộc phòng, chống dịch.

Quang cảnh Hội thảo

Để hồi phục và phát triển du lịch, lâu nay chúng ta đã chú trọng đến vấn đề vận hành Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, quảng bá, xúc tiến du lịch, visa, môi trường du lịch, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, số hóa... và đã triển khai. Đặc biệt, ngay trong đại dịch, nhiều địa phương đã tổ chức liên kết vùng, liên kết giữa các tỉnh, thành, liên kết giữa các doanh nghiệp để cùng nhau tranh thủ những khoảng thời gian bình lặng giữa các đợt dịch để thúc đẩy.

Phó Thủ tướng lưu ý đến hai vấn đề, đó là chất lượng sản phẩm. Các doanh nghiệp lớn, gần 10 năm trở lại đây có sứ mệnh dẫn dắt rất tốt, có nhiều sản phẩm đẳng cấp quốc tế. Cùng với đó, Việt Nam luôn luôn hấp dẫn du khách quốc tế ở du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng. Vì thế, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh loại hình du lịch cộng đồng. Sản phẩm du lịch này bổ trợ cho sản phẩm của các doanh nghiệp du lịch lớn, tạo sinh kế cho người dân và giúp họ tiếp cận các nền văn minh khác. Khách du lịch đến sẽ có sự trao đổi qua lại, giúp hình ảnh Việt Nam lan tỏa ra thế giới, đồng thời đem thế giới vào tận vùng sâu, vùng xa.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết: Ban tổ chức sẽ tổng hợp, hoàn thiện báo cáo kết quả Hội thảo và kiến nghị Quốc hội, Chính phủ những cơ chế, chính sách và giải pháp cụ thể, thiết thực, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phục hồi và phát triển du lịch trong những năm sắp tới. Kiến nghị Quốc hội nghiên cứu các nội dung đề xuất để xem xét, thảo luận về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022- 2023.

“Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét bổ sung các nội dung liên quan tới phục hồi và phát triển du lịch trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022- 2023, trong đó coi du lịch là lĩnh vực trọng tâm ưu tiên với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng để sớm phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành Du lịch”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nói.

T. Dũng

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ