Đức đối mặt với tăng trưởng yếu đi giữa những mối quan ngại xung quanh vấn đề năng lượng

(Banker.vn) IMF nhận định, sau khi đạt mức 2,9% vào năm 2021, tăng trưởng kinh tế của Đức dự báo sẽ giảm mạnh xuống 1,2% vào năm 2022 do giá năng lượng nhập khẩu tăng và niềm tin của người tiêu dùng yếu. Với tình trạng tắc nghẽn nguồn cung dự báo sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2023, kết hợp với việc chuyển giao giá khí đốt bán buôn sang bán lẻ bị trì hoãn thường xuyên, khiến kỳ vọng tăng trưởng của Đức năm 2023 tiếp tục giảm xuống chỉ còn 0,8%.

Vào đầu năm 2022, nền kinh tế Đức đang có dấu hiệu khắc phục những vấn đề đã hạn chế tăng trưởng vào năm 2021. Những nút thắt về nguồn cung cản trở hoạt động sản xuất đã được nới lỏng và các dịch vụ đang mở cửa trở lại khi đất nước nổi lên sau làn sóng bùng phát của biến thể Delta vào mùa đông 2021.

Tất cả đã thay đổi khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào ngày 24/2/2022.

Giá năng lượng và lạm phát tăng vọt, niềm tin của người tiêu dùng giảm, và nhu cầu nước ngoài đối với hàng xuất khẩu của Đức suy yếu. Liên minh châu Âu đáp trả bằng một số gói trừng phạt Nga; Đức đã đình chỉ phê duyệt dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 và cam kết tăng chi tiêu quốc phòng. Chính phủ Đức đã nhanh chóng công bố các biện pháp hỗ trợ, bao gồm cứu trợ các hộ gia đình dễ bị tổn thương và hỗ trợ thanh khoản cho các công ty, giúp bù đắp một số tác động lan tỏa từ cuộc xung đột này.

Tăng trưởng trong ngắn hạn sụt giảm

Trong tuần này, Ban điều hành IMF vừa thảo luận về triển vọng kinh tế Đức đang xấu đi và các chính sách có thể trợ giúp.

Theo đó, IMF nhận định, sau khi tăng trưởng 2,9% vào năm 2021, tăng trưởng kinh tế của Đức dự báo sẽ giảm mạnh xuống 1,2% vào năm 2022 do giá năng lượng nhập khẩu tăng và niềm tin của người tiêu dùng yếu. Với tình trạng tắc nghẽn nguồn cung dự báo sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2023, kết hợp với việc chuyển giao giá khí đốt bán buôn sang bán lẻ bị trì hoãn thường xuyên, khiến kỳ vọng tăng trưởng của Đức năm 2023 tiếp tục giảm xuống chỉ còn 0,8%, thấp hơn 0,9 và 1,9 điểm phần trăm so với dự đoán tại Triển vọng Kinh tế Thế giới tháng 4/2022.

Triển vọng tăng trưởng kinh tế Đức theo đánh giá mới nhất của IMF

Những dự báo này giải thích cho việc hỗ trợ tài chính tiếp tục được cung cấp cho nền kinh tế. Điều này bao gồm việc mở rộng các phúc lợi làm việc trong thời gian ngắn (Kurzarbeit) và mở rộng các khoản trợ cấp trong thời kỳ đại dịch cho các công ty, cũng như việc dành 1,2% GDP trong chi tiêu mới cho quốc phòng, khí hậu, người tị nạn và các biện pháp giúp các hộ gia đình đối phó với giá năng lượng cao hơn.

Lạm phát giá tiêu dùng ở mức 8,3% trong tháng 6, trong đó khoảng 3/5 lạm phát cho đến nay là do giá năng lượng, nhưng áp lực giá đã lan sang các hàng hóa khác và dịch vụ, một phần phản ánh tác động gián tiếp từ giá năng lượng cao và nhu cầu đang phục hồi. IMF kỳ vọng lạm phát sẽ ở mức trung bình 7,7% vào năm 2022 trước khi điều chỉnh xuống 4,8% vào năm 2023 khi giá năng lượng ổn định. Kỳ vọng lạm phát trong 5 năm tới vẫn được duy trì ở mức gần mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Châu Âu.
 
Mức lương theo giờ đã tăng khoảng 3,3% hàng năm kể từ khi bắt đầu đại dịch, thấp hơn giá tiêu dùng và gần với giá đầu ra. Mặc dù không thể loại trừ vòng xoáy giữa tiền lương và giá cả, nhưng điều đó dường như không có khả năng xảy ra vào thời điểm này do triển vọng tăng trưởng đang suy yếu.

Áp lực giá cả tại Đức

Tuy nhiên, IMF cũng cho rằng, sự không chắc chắn xung quanh những dự báo này là rất cao. “Mối đe dọa lớn nhất đối với triển vọng kinh tế này là sự cắt giảm liên tục và hoàn toàn xuất khẩu khí đốt của Nga sang Đức và châu Âu nói chung. Phân tích của chúng tôi về kịch bản bất lợi này cho thấy điều này có thể làm giảm hoạt động kinh tế của Đức và làm tăng lạm phát lên một lượng lớn”, báo cáo của IMF cho biết.

Đảm bảo phục hồi, xanh hóa nền kinh tế

Đối mặt với những rủi ro gia tăng này, IMF cho rằng, chính sách tài khóa cần phải linh hoạt và sẵn sàng hỗ trợ nhiều hơn cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương nếu tình hình xấu đi. Trong một kịch bản suy giảm nghiêm trọng với tình trạng thiếu khí đốt và chi phí tăng đột biến đối với các khách hàng sử dụng khí đốt, việc hoãn quay trở lại quy tắc “phanh nợ” có thể là cần thiết để chính phủ có thể vay thêm nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

IMF cũng cho rằng, Chính phủ Đức đã thực hiện các bước quan trọng để tăng cường an ninh năng lượng, bao gồm tài trợ cho các thiết bị đầu cuối nổi để nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng, yêu cầu các nhà khai thác lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt và mở rộng bộ công cụ quyền hạn pháp lý khẩn cấp. Tuy nhiên, IMF cũng nhận thấy những nỗ lực hơn nữa để tăng cường an ninh năng lượng có thể bao gồm các sáng kiến tài chính để giảm tiêu thụ khí đốt và tăng cường hợp tác trong EU về các kế hoạch khẩn cấp.

Nhu cầu tăng cường an ninh năng lượng tạo cơ hội cho Đức xây dựng một nền kinh tế sạch hơn, ít phụ thuộc hơn vào nhiên liệu hóa thạch. Vì vậy, “cần khẩn trương thúc đẩy đầu tư công xanh để thu hút đầu tư tư nhân vào các công nghệ sạch như năng lượng tái tạo”, IMF khuyến nghị.

Cho đến nay, theo đánh giá của IMF, khu vực tài chính đã vượt qua hoàn cảnh đầy thách thức một cách tốt đẹp, nhưng vẫn còn nhiều rủi ro (đặc biệt là trong thị trường nhà ở và năng lượng) và lợi nhuận ngân hàng ở mức thấp trong nhiều năm. Do đó, “điều quan trọng là phải theo dõi mức độ nhạy cảm của bảng cân đối kế toán của các ngân hàng đối với các rủi ro đang phát triển và tăng cường bộ đệm của các ngân hàng khi cần thiết”, IMF nhấn mạnh.

Anh Lê

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ