Đưa vay nợ tài chính về con số 0, Đạm Phú Mỹ được kỳ vọng nhiều hơn ở 2024?

(Banker.vn) Tại thời điểm cuối năm 2023, Đạm Phú Mỹ đã hoàn thành việc chi trả 500 tỷ đồng nợ vay tài chính nhưng lợi nhuận sau thuế của "ông lớn" ngành đạm bốc hơi tới 90%.

Mới đây, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - Công ty CP (Đạm Phú Mỹ; HOSE: DPM) vừa công bố bức tranh tài chính quý 4/2023 với gam màu ảm đạm, kém sắc. Cụ thể, trong 3 tháng cuối năm 2023, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.381 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên giá vốn hàng bán tăng mạnh tới gần 700 tỷ đồng dẫn đến lợi nhuận gộp 'bốc hơi' gần 80% về còn 332 tỷ đồng Lợi nhuận sau thuế đạt gần 107 tỷ đồng, giảm 90,44% so với quý 4/2022.

Lũy kế năm 2023, Đạm Phú Mỹ ghi nhận lợi nhuận gộp đạt 1.651 tỷ đồng, giảm 79% so với năm 2022.

Đưa vay nợ tài chính về con số 0, Đạm Phú Mỹ được kỳ vọng nhiều hơn ở 2024?

Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - Công ty CP.

Trong năm kinh doanh 2023, mặc dù doanh thu thuần đạt 13.569 tỷ đồng, giảm 13%. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán bị độn tới 32% lên 11.917 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp sụt giảm mạnh.

Chi tiết các khoản doanh thu, lợi nhuận khác: doanh thu hoạt động tài chính đem về 457 tỷ đồng (tăng 25%); Lợi nhuận khác lỗ 3,3 tỷ đồng (năm 2022 lãi 5,2 tỷ đồng); Phần lãi trong công ty liên doanh, liên kết đem về 2,6 tỷ đồng, gần như đi ngang so với năm trước.

Bên cạnh đó, Đạm Phú Mỹ đã tiết giảm chi phí vận hành khá tốt trong năm 2023 như: Chi phí tài chính giảm còn 71,1 tỷ đồng (giảm 17%); Chi phí bán hàng là 848 tỷ đồng (giảm 13%); Chi phí quản lý doanh nghiệp là 502 tỷ đồng (giảm 10%).

Kết quả, lợi nhuận sau thuế của Đạm Phú Mỹ trong năm 2023 là 543 tỷ đồng, “bốc hơi” 90% so với năm trước (5.584 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ năm 2023 là 532 tỷ đồng, giảm 90% so với năm trước. Lãi cơ bản trên cổ phiếu từ con số 13.897 đồng/cổ phiếu vào năm 2022, đã giảm xuống chỉ còn 1.063 đồng/cổ phiếu vào năm 2023.

Tính hết chu kỳ kinh doanh 2023, tổng tài sản của Đạm Phú Mỹ là 13.322 tỷ đồng, giảm 25% so với đầu năm (tương ứng giảm hơn 4.376 tỷ đồng). Trong đó, tài sản ngắn hạn là 9.594 tỷ đồng, giảm 29% (tương ứng gần 4.000 tỷ đồng). Tiền và các khoản tương đương tiền là 1.241 tỷ đồng, giảm 40%. Hàng tồn kho giảm 51% so với đầu năm, xuống 1.910 tỷ đồng.

Danh mục nợ phải trả của Đạm Phú Mỹ đến cuối năm 2023 là 1.764 tỷ đồng, giảm 52% so với đầu năm. Nợ ngắn hạn là 1.476 tỷ đồng, giảm hơn 50%.

Trong đó, vay nợ tài chính của Đạm Phú Mỹ vào thời điểm cuối năm 2023 là bằng 0. Đồng nghĩa với việc, công ty này đã dành hơn 700 tỷ đồng để chi trả nợ vay tài chính trong năm 2023.

Giá phân bón được kỳ vọng "trổ bông" trong năm 2024

Theo báo cáo triển vọng năm 2024, nhiều công ty chứng khoán cho rằng ngành phân bón sẽ đón nhiều tín hiệu tích cực hơn trong thời gian tới từ việc nhu cầu tiêu thụ tăng trong bối cảnh nguồn cung bị siết chặt.

Nhìn lại diễn biến giá phân bón giai đoạn năm 2020 - 2023, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) cho biết, trong giai đoạn từ năm 2020 đến tháng 5/2022, giá phân bón tăng mạnh và tạo đỉnh vào tháng 5/2022 do một số yếu tố như: chiến tranh Nga - Ukraine ảnh hưởng làm hạn chế nguồn cung xuất khẩu phân bón; nhu cầu phân bón toàn cầu gia tăng và giá nguyên liệu đầu vào (khí đốt và than đá) tăng mạnh.

Vào thời điểm tháng 5/2022, giá phân ure ghi nhận trên 18.000 đồng/kg, phân DAP trên 22.000 đồng/kg, và phân kali trên 19.000 đồng/kg. Tuy nhiên, chỉ một năm sau đó, tức tháng 6/2022 đến tháng 12/2023, giá phân bón lại chịu áp lực giảm mạnh do giá nguyên liệu đầu vào suy giảm và một số nước đã xuất khẩu phân bón trở lại.

Xét về triển vọng ngắn hạn, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định giá phân bón urê trong năm 2024 có thể sẽ tăng nhẹ so với năm 2023.

Nguyên nhân bắt nguồn từ những động thái hạn chế xuất khẩu của các “ông lớn” trên thị trường phân bón thế giới. Theo đó, quốc gia sản xuất phân bón lớn nhất thế giới (chiếm khoảng 15% lượng tiêu thụ toàn cầu) là Nga đã gia hạn chính sách áp hạn ngạch xuất khẩu phân bón đến tháng 5/2024 để bảo vệ thị trường nội địa. Cùng với đó, Trung Quốc cũng tiếp tục hạn chế xuất khẩu ure để đảm bảo nguồn cung trong nước và ổn định mức giá.

Tại khu vực Trung Đông, Chính phủ Ai Cập đã quyết định gia hạn vô thời hạn việc cắt giảm 30% nguồn cung khí đốt đối với tất cả các nhà sản xuất phân ure tại nước này, ảnh hưởng lớn đến nguồn cung toàn cầu.

Bên cạnh đó, việc áp thuế VAT 5% đối với mặt hàng phân bón kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi cho việc điều chỉnh giá bán phân bón sản xuất trong nước, giúp tăng thêm tính cạnh tranh với mặt hàng phân bón nhập khẩu.

Nhận định giá phân bón trong thời gian tới, MASVN kỳ vọng giá phân bón đã tạo đáy vào tháng 6/2023 và đang trong chu kỳ phục hồi trong thời gian tới nhờ Nga và Trung Quốc đã kéo dài thời gian hạn chế xuất khẩu phân bón.

Song song đó, các tổ chức lớn như Hiệp hội Phân bón thế giới (IFA) và NUE nhận định tăng trưởng sản lượng phân bón toàn cầu tăng 1,8% trong năm 2024, sau khi kỳ vọng khoảng 4% vào năm 2023.

"Bỏ túi" 1.100 tỷ đồng sau một năm, Đạm Cà Mau mạnh tay "bơm tiền" dự án tại Bình Định

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (HOSE: DCM) đầu tư nhà máy sản xuất phân bón công suất 50 nghìn tấn, tổng ...

"Cá mập ngoại" vừa tích cực gom 3 triệu cổ phiếu HSG là ai?

Theo đó, quỹ ngoại này đã năng tỷ lệ sở hữu tại Tập đoàn Hoa Sen (HSG) lên hơn 11,3% trong ngày 26/01.

Chuyên gia: Những phiên điều chỉnh trước Tết Nguyên đán là cơ hội để tích lũy cổ phiếu

Thị trường chứng khoán tiếp tục ghi nhận tuần giao dịch giảm điểm khi VN-INDEX gặp vùng kháng cự quanh 1.185 điểm. Đáng chú ý, ...

Mộng Diệp

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán