Dừa tươi Việt Nam trước cơ hội xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

(Banker.vn) Theo kế hoạch, tháng 8/2023, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ kiểm tra thực địa về dừa tươi Việt Nam để xem xét cho phép xuất khẩu chính ngạch sang nước này.
Xuất khẩu dừa dự báo đạt 1 tỷ USD trong năm 2023 Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp và làm việc với Bí thư tỉnh uỷ Hải Nam, Trung Quốc Thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc đạt trung bình 10 tỷ USD/tháng

Cơ hội mới cho dừa tươi Việt Nam

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa cho biết, Cục đã nhận được thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc đề nghị tiến hành kiểm tra thực địa đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi có nhu cầu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Dừa tươi Việt Nam đứng trước cơ hội xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc
Dừa tươi Việt Nam đứng trước cơ hội xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

Theo đó, thời gian kiểm tra giữa tháng 8/2023. Hình thức kiểm tra trực tuyến kết hợp kiểm tra thực địa và tài liệu.

Trong đợt kiểm tra lần này, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ tập trung vào kiểm tra hệ thống kiểm soát và phòng chống sinh vật gây hại trên dừa tại các vùng trồng và cơ sở đóng gói; quy trình đăng ký vườn trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu, công tác đào tạo và giám sát dịch hại...; công tác phòng dịch của doanh nghiệp xuất khẩu (bố trí vườn trồng, biện pháp phòng dịch, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đào tạo cán bộ); quy trình thu hoạch, vận chuyển và đóng gói dừa xuất khẩu;…

Kế hoạch kiểm tra này thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa hai bên. Việc kiểm tra sẽ giúp Trung Quốc đánh giá được chi tiết về hệ thống kiểm soát an toàn, chất lượng dừa xuất khẩu của Việt Nam, từ đó đưa ra các biện pháp quản lý phù hợp, đảm bảo xuất khẩu dừa an toàn và hiệu quả hơn.

Qua đó nâng cao tính minh bạch, kiểm soát chặt chẽ về chất lượng và an toàn của dừa xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, góp phần thúc đẩy ký kết Nghị định thư về xuất khẩu dừa tươi giữa hai nước.

Để chuẩn bị tốt các nội dung kiểm tra thực địa đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi có nhu cầu xuất khẩu theo yêu cầu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật/cơ quan chuyên môn của địa phương bố trí nguồn lực sẵn sàng để phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật trong quá trình triển khai việc kiểm tra; cử cán bộ kỹ thuật tham gia hướng dẫn và hỗ trợ các vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi tham gia kiểm tra trực tuyến theo yêu cầu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Đồng thời, chuẩn bị hồ sơ và tài liệu kỹ thuật liên quan đến công tác quản lý, phòng chống sinh vật gây hại theo yêu cầu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Rà soát, tổng hợp các vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi có nhu cầu đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc. Thông báo và hướng dẫn vùng trồng, cơ sở đóng gói hoàn tất hồ sơ, tài liệu liên quan và chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để tham gia kiểm tra trực tuyến theo yêu cầu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Trước đó, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng đã đưa ra kiến nghị các cơ quan chức năng của Việt Nam phối hợp đàm phán nhằm ký kết thêm Nghị định thư cho các mặt hàng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nhằm giúp doanh nghiệp rau quả Việt Nam thuận lợi hơn trong thông quan xuất khẩu, ổn định, tăng thêm giá trị kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như: Bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới…

Tiềm năng của dừa trái xuất khẩu sang Trung Quốc

Nhu cầu nhập khẩu dừa của Trung Quốc tiếp tục tăng. Đảo Hải Nam, nơi sản xuất dừa chính tại Trung Quốc, chỉ sản xuất 250 triệu trái dừa mỗi năm, trong khi nhu cầu thị trường hàng năm của Trung Quốc lên tới 2,6 tỷ trái.

Ngoài ra, còn có 1,5 tỷ trái dừa cần chế biến nên chênh lệch cầu rất lớn. Bổ dưỡng, ít béo và hương vị thơm ngon, dừa là loại trái cây nhiệt đới có nhu cầu sử dụng ngày càng tăng nhanh.

Do thị trường Trung Quốc có nhu cầu dừa rất lớn nhưng sản lượng dừa của nước này chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu thị trường nên chỉ có thể dựa vào dừa nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và đồng chí Thẩm Hiểu Minh - Bí thư tỉnh ủy Hải Nam, Trung Quốc.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và đồng chí Thẩm Hiểu Minh - Bí thư tỉnh ủy Hải Nam, Trung Quốc.

Ngày 22/2/2023, tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên với đồng chí Thẩm Hiểu Minh - Bí thư Tỉnh ủy Hải Nam, Trung Quốc tại Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã đưa ra đề xuất với phía bạn trong việc hợp tác xúc tiến thương mại và thúc đẩy mở cửa thị trường Trung Quốc cho nông sản Việt Nam, trong đó, thúc đẩy đưa dừa tươi Việt Nam vào thị trường Trung Quốc.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá, Trung Quốc có nhu cầu cao đối với mặt hàng dừa tươi, trong đó Hải Nam là một trong những địa phương nhập khẩu dừa tươi lớn nhất của Trung Quốc. Việc mở cửa thị trường Trung Quốc đối với trái dừa của Việt Nam sẽ giúp Hải Nam đa dạng hóa nguồn cung cấp.

Đồng chí Thẩm Hiểu Minh cũng cho biết Hải Nam là nơi nhập khẩu dừa lớn nhất, cũng là địa phương tập trung đến 70% các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến dừa của Trung Quốc.

Đồng chí Bí thư sẽ giao các cơ quan phụ trách của tỉnh Hải Nam và bày tỏ sẵn sàng làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để thúc đẩy việc mở cửa thị trường cho dừa tươi của Việt Nam. Đồng chí Thẩm Hiểu nhấn mạnh với lợi thế của hai bên, đồng chí có niềm tin rất lớn về việc mở rộng nhập khẩu trái cây nhiệt đới và thủy sản từ Việt Nam.

Hiện nay, tại Việt Nam có đến hơn 180.000 ha đất nông nghiệp dùng để trồng dừa. Số lượng lớn đều tập trung tại các tỉnh duyên hải miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long như Trà Vinh, Bến Tre. Nhờ vậy mà Việt Nam hiện đang đứng thứ 7 về sản xuất dừa trên toàn thế giới.

Hiện các địa phương trồng dừa đang rất nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm. Đáng chú ý, để xuất khẩu dừa sang Trung Quốc thuận lợi, các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng nông trại dừa hữu cơ. Hơn 7.000 ha dừa đạt chứng nhận dừa hữu cơ là minh chứng rõ ràng cho điều đó.

Với sự nỗ lực của người nông dân và các doanh nghiệp thay đổi cách làm để thích nghi với thị trường xuất khẩu trong đó có thị trường Trung Quốc, kỳ vọng dừa tươi Việt Nam sẽ nhận được “tấm vé thông hành” sang thị trường tỷ dân này.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu hàng rau quả đạt 2,7 tỷ USD, tăng 60,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Xuất khẩu rau quả tháng thứ 2 liên tiếp ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh, nhờ nhu cầu từ Trung Quốc tăng thu mua. Đặc biệt, các Nghị định thư đã ký với nước này trong năm 2022 đã giúp hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam có nhiều thuận lợi.

Năm 2023, mặc dù Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ hàng rào kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng với chất lượng ngày càng cao, giá cạnh tranh nên hàng rau quả của Việt Nam được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng. Vì vậy, trị giá xuất khẩu hàng rau quả trong nửa đầu năm 2023 tới thị trường Trung Quốc đạt 1,76 tỷ USD, tăng 121,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Dù vậy, theo các nhà nhập khẩu rau quả của Trung Quốc, mỗi năm Trung Quốc tiêu thụ ít nhất 300 triệu tấn rau quả, nhưng hiện nay họ chỉ mới nhập được 7 triệu tấn/năm. Vì vậy, dư địa cho hàng rau quả nhập khẩu còn rất nhiều cho thế giới và cho rau quả Việt Nam.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương