Đưa cồng chiêng vào giảng dạy để giữ gìn giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số

(Banker.vn) Đưa cồng chiêng vào chương trình giảng dạy trong trường học tại tỉnh Kon Tum góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.
Kon Tum: Những thanh niên dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ để làm giàu Già làng nặng lòng với truyền thống dân tộc Giẻ Triêng Đưa không gian văn hóa dân tộc Ba Na vào lớp học

Giờ ra chơi tại Trường THCS Dân tộc bán trú Hai Bà Trưng (xã Sa Bình, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) rất khác so với nhiều trường học khác khi xen lẫn tiếng vui cười là âm thanh của những tiếng cồng chiêng vang vọng khắp núi rừng.

Đưa cồng chiêng vào giảng dạy để giữ gìn giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số
Đội cồng chiêng, múa xoang của Trường Dân tộc bán trú Hai Bà Trưng (tỉnh Kon Tum) tham gia hội diễn

Năm học này toàn trường Dân tộc bán trú Hai Bà Trưng có 405 học sinh. Trong đó có 62 em tham gia đội cồng chiêng và múa xoang của trường. Cô Đặng Thị Thu Thủy - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhiều lần thấy học trò tham gia các lễ hội nhưng không biết múa xoang, đánh chiêng…, vì thế, các thầy, cô của trường đã nảy ra ý tưởng và hiện thực bằng việc đưa cồng chiêng, múa xoang vào dạy và học.

Theo cô Thủy, trong yêu cầu dạy học hiện nay, ngoài dạy văn hóa, ngành giáo dục còn có vai trò quan trọng trong nâng cao năng lực, phẩm chất và giá trị truyền thống. Do đó, việc phát huy bản sắc văn hóa địa phương được nhà trường đặc biệt chú trọng. Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ là nét đẹp, mà còn là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại đã được UNESCO công nhận. Chính vì vậy, nhà trường tích cực lồng ghép, tổ chức cho học sinh trải nghiệm văn hóa truyền thống vào các buổi hoạt động ngoại khóa.

Năm 2019, trường đã phối hợp với các nghệ nhân trong làng để truyền dạy những kỹ năng, cách diễn tấu cồng chiêng, điệu múa xoang cho học sinh. Sau đó, nhà trường đã thành lập đội cồng chiêng, múa xong trong trường học.

Đến nay, tất cả khối lớp của trường đều có đội cồng chiêng, múa xoang. Cô Thủy cho biết, khi bắt bầu triển khai ý tưởng có nhiều khó khăn như nhà trường không có cồng chiêng, các nghệ nhân khó sắp xếp thời gian…. Tuy nhiên, khó ở đâu, gỡ ở đó, nhà trường đã vận động gia đình các em học sinh có cồng chiêng cho mượn cồng chiêng, các nghệ nhân cũng sắp xếp để tranh thủ thời gian truyền dạy cồng chiêng, múa xoang cho học sinh. Dần dần các em yêu thích, tích cực tham gia.

Hơn một năm nay, em Y Hân (lớp 9C) là thành viên của đội cồng chiêng, múa xoang của trường, bên cạnh việc học múa xoang từ già làng, Y Hân tích cực tập luyện trên trường, lớp cùng các bạn. Đều đặn chiều thứ 5 và thứ 6 hàng tuần, thầy, cô giáo lại vào làng nhờ già làng, nghệ nhân tập luyện cồng chiêng và múa xoang cho học sinh.

Em Y Hân cho biết, trước kia, em có dịp theo cha mẹ tham dự các lễ hội văn hóa lớn nhỏ của làng. Khi thấy các bà, mẹ nhịp nhàng, uyển chuyển trong điệu xoang em rất thích. Do đó, khi nhà trường thành lập đội cồng chiêng, múa xoang em đăng ký tham gia. “Ban đầu, tay chân em vụng về nên múa chưa đẹp. Sau một thời gian được già làng chỉ dạy, em dần cảm được nhạc và múa đúng, đẹp, mềm dẻo hơn. Thời gian rảnh rỗi, em dạy lại điệu xoang cho các em nhỏ trong nhà”, em Y Hân nói.

Tương tự, em A Thao Dương (lớp 6C) cũng là thành viên đội cồng chiêng, múa xoang của trường. Em Dương cho biết, em được ông dạy đánh cồng chiêng từ khi còn nhỏ, đến nay em đã thuộc được 2 bài chiêng truyền thống của dân tộc Jrai. Em yêu tiếng chiêng nên đã tham gia đội cồng chiêng của trường với mong muốn học thêm nhiều bài nữa để gìn giữ văn hóa của dân tộc của mình.

"Thời gian đầu tập luyện, em chưa theo kịp với nhịp chiêng. Về sau, được sự hướng dẫn tận tình của các nghệ nhân, em đã đánh đúng với nhịp chiêng. Trong quá trình học, chúng em còn hỗ trợ nhau để ai cũng biết đánh chiêng", em A Thao Dương chia sẻ.

Đưa cồng chiêng vào giảng dạy để giữ gìn giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số
Đưa cồng chiêng, múa xoang vào giảng dạy là cách làm sáng tạo để khơi gợi niềm yêu thích đối với giá trị văn hóa dân tộc của các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần phát huy giá trị, bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum

Sau hơn 4 năm thành lập đội cồng chiêng, trường đã có gần 100 học sinh (gồm 62 em học sinh hiện tại và các em đã tốt nghiệp) tham gia tập luyện và biểu diễn trong các lễ hội, cuộc thi của ngành giáo dục, địa phương. Đáng mừng nhất là sự thay đổi tích cực từ học sinh và phụ huynh. Học sinh được khơi gợi yêu thích, đam mê và muốn gìn giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc mình; phụ huynh cũng rất ủng hộ và nhiệt tình hưởng ứng, tạo điều kiện cho trẻ được luyện tập.

“Đây chính là “hạt giống” sau này truyền lại cho các bạn học trong trường và cả trong làng. Học sinh của trường hầu hết là người dân tộc thiểu số. Do đời sống xã hội có nhiều thay đổi nên nhiều nét bản sắc văn hóa bản địa có nguy cơ mai một. Việc đưa cồng chiêng, múa xoang vào trường học sẽ giúp các em hiểu biết và tự hào về dân tộc mình hơn", cô Thủy bày tỏ.

Bà Đinh Thị Lan, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum cho hay, thời gian tới, sở sẽ xây dựng kế hoạch để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc tại các trường học trên địa bàn. Cùng với đó, đẩy mạnh việc đưa cồng chiêng vào giảng dạy tại trường học, nhất là hoạt động giáo dục đặc thù tại các trường phổ thông dân tộc nội trú và phổ thông dân tộc bán trú, nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh. Từ đó, chính các em học sinh sẽ là "tuyên truyền viên" trong việc nâng cao nhận thức về văn hoá cồng chiêng ở các trường học trên địa bàn tỉnh.

Vũ Lê

Theo: Báo Công Thương