Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Chưa khắc phục được căn cơ các vấn đề bất cập

(Banker.vn) Theo kế hoạch, Quốc hội sẽ thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6, tuy nhiên còn nhiều vấn đề bất cập được đại biểu chỉ ra cần khắc phục.
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi): Cần minh bạch trong thu hồi đất Luật Đất đai (sửa đổi): Trình Quốc hội 2 phương pháp định giá đất

Tiếp tục kỳ họp thứ 6, sáng 3/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Nhiều vấn đề còn vướng mắc trong dự thảo luật

Theo báo cáo giải trình, nhiều ý kiến cho rằng, quy định tại dự thảo luật liệt kê các trường hợp Nhà nước thu hồi đất rất cứng nhắc và chưa phản ánh đầy đủ, chưa khắc phục được căn cơ các vấn đề bất cập.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Chưa khắc phục được căn cơ các vấn đề bất cập
Nhiều ý kiến cho rằng, quy định tại dự thảo luật nhiều vấn đề chưa được giải quyết triệt để, còn nhiều bất cập (Ảnh: Quochoi.vn)

Đồng thời đề nghị làm rõ khái niệm, nội hàm dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và nên tiếp cận theo hướng, đó là những dự án phải mang lại lợi ích cho nhân dân.

Những dự án do ngân sách nhà nước thực hiện hoặc được đầu tư theo phương thức công tư; mục đích thực hiện dự án là nhằm mục đích công cộng, không vì mục tiêu lợi nhuận.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Lê Thanh Vân- đoàn Cà Mau cho rằng, cần quán triệt nguyên tắc nhất quán bồi thường giá đất theo nguyên tắc chỉ bồi thường giá trị đất theo mục đích ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tất cả thành viên trong xã hội đều được hưởng lợi từ giá trị gia tăng từ đất do Nhà nước đầu tư.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Chưa khắc phục được căn cơ các vấn đề bất cập
Đại biểu Lê Thanh Vân- đoàn Cà Mau đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận sáng 3/11 (Ảnh: Quochoi.vn)

Nhà nước bên cạnh thực hiện quy hoạch đối với dự án đất ở đất thương mại đất khu đô thị và Nhà nước phải đứng ra giải phóng mặt bằng. Nhà nước định ra không gian gần như một sản phẩm quy hoạch để tiến hành đấu giá đất, đấu giá dự án. Tiền thu được phục vụ thu hồi chi phí nhà nước đầu tư cho quy hoạch chi tiết, kết nối hạ tầng (thực chất đây là đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư), chi phí bồi thường tái định cư, đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ lợi ích chung. Đồng thời, không phân biệt dự án công, dự án tư, tránh tình trạng 2 giá, bất bình đẳng dễ nảy sinh mâu thuẫn.

Đề nghị xác định phương pháp bồi thường, vấn đề lựa chọn phương án phù hợp với từng loại đất và có nguyên tắc trong Luật. Theo đó đất ở gắn với quyền tài sản, tài sản trên đất cần áp dụng phương pháp so sánh thị trường, thậm chí là phương pháp thặng dư. Đất sản xuất thì lấy phương pháp thu nhập kết với phương pháp khấu trừ…Nếu xác định được trong luật những nguyên tắc đó thì Chính phủ có cơ sở hướng dẫn thực hiện”- đại biểu Lê Thanh Vân góp ý.

Vị đại biểu này cũng đề nghị cần hết sức cẩn trọng khi thông qua bởi đây là dự án luật hết sức quan trọng.

Đồng ý với ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Duy Minh - đoàn TP. Đà Nẵng đã kiến nghị Quốc hội cần thận trọng xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi thông qua dự án luật.

Theo đại biểu Nguyễn Duy Minh, còn nhiều nội dung với các phương án khác nhau, chưa thống nhất như trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Luật Đất đai là luật rất quan trọng, phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước.

Cần khẳng định hiệu lực pháp lý cao hơn của Luật Đất đai, xem xét bổ sung một điều về áp dụng pháp luật như bản dự thảo lấy ý kiến nhân dân. Việc bổ sung thêm điều này chính là giải pháp để giải quyết các xung đột pháp luật, vướng mắc trong quản lý sử dụng đất đai do lịch sử để lại, từ yêu cầu mới của thực tiễn”- vị đại biểu đến từ đoàn Tp. Đà Nẵng nêu rõ.

Để minh chứng cho ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Duy Minh đã chỉ rõ: Khoản 2, 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã có quy định cụ thể, xong trên thực tế, vẫn còn có những cách hiểu khác nhau, cách áp dụng khác nhau. Kỳ họp lần này dự kiến thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Đại biểu cho rằng cần rà soát để đảm bảo không mâu thuẫn, xung đột.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Chưa khắc phục được căn cơ các vấn đề bất cập
Tiếp tục kỳ họp thứ 6, sáng 3/11, Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) (Ảnh:Quochoi.vn)

Cùng với đó, khoản 5 Điều 65 của dự thảo luật quy định: Thành phố trực thuộc Trung ương đã có quy hoạch đô thị được phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị thì không phải lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh mà căn cứ quy hoạch đô thị để lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh. Trường hợp quy hoạch đô thị được phê duyệt sau khi phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh mà làm thay đổi chỉ tiêu sử dụng đất trong kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh thì không phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh mà chỉ điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.

Đại biểu đề nghị sửa đổi Điều 18 Luật Quy hoạch đô thị cho thống nhất với Luật Đất đai (sửa đổi), bổ sung quy định về lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, cấp xã trong quy hoạch đô thị ở các thành phố trực thuộc trung ương.

Đóng góp ý kiến tại Điều 80 dự thảo luật, đại biểu Hà Đức Minh- đoàn Lào Cai cho rằng, tại điểm b khoản 1 quy định: kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc quyết định đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư công; quyết định phê duyệt dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác thông tư; quyết định Chấp thuận chủ trương đầu tư; quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư; quyết định chấp thuận nhà đầu tư theo quyết định của pháp luật đầu tư đối với dự án đầu tư theo thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ. Đại biểu băn khoăn những dự án thực hiện theo Luật Đầu tư thuộc thẩm quyền cấp tỉnh thuộc trường hợp thu hồi đất sẽ được thực hiện như thế nào?

Đại biểu Hà Đức Minh đề nghị, để phát triển kinh tế-xã hội mà nhà nước phải thu hồi đất thương mại, dịch vụ, không phải đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp như đất trụ sở cơ quan, đất nhà hàng, siêu thị, khách sạn… thì người thu hồi đất sẽ không được thuê đất để tiếp tục kinh doanh nữa. Như vậy không đảm bảo quyền tiếp cận đất đai của người đang sử dụng đất, không đảm bảo công bằng trong việc tiếp cận đất đai. Đại biểu đề nghị nghiên cứu mở rộng đối tượng cho thuê đất không qua đấu giá đối với trường hợp này để tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh theo nguyên tắc thu hồi thì phải bố trí lại để tái định cư.

Chưa thấu đáo mà thông qua luật, sẽ nảy sinh nhiều vướng mắc khi thực thi

Liên quan đến thời điểm thông qua luật, đại biểu Nguyễn Trường Giang – đoàn Đắk Nông cho rằng, đến nay nhiều chính sách quan trọng chưa thiết được phương án tối ưu, trong quá trình rà soát tiếp tục phát sinh các vấn đề chính sách mới còn ý kiến khác nhau. Do phạm vi của luật rất rộng, liên quan chặt chẽ với nhiều quy định của các luật khác.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng, cần rất thận trọng, nếu sửa đổi mà không nghiên cứu một cách thấu đáo thì sẽ dẫn đến những vướng mắc khác khi luật có hiệu lực.

Đại biểu Trần Văn Tuấn- đoàn Bắc Giang đề nghị Quốc hội cần tiếp tục thảo luận, xem xét thông qua dự thảo luật một cách thận trọng song cũng phải hết sức khẩn trương để giải quyết càng sớm càng tốt những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra bởi những bất cập của Luật đất đai hiện hành, đồng thời tránh những khó khăn phát sinh do tâm lý chờ đợi Luật đất đai (sửa đổi) ban hành bảo đảm đồng bộ với Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản và các luật liên quan.

Đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị tại Điều 79 quy định về các trường hợp nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế- xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đã liệt kê 31 trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, đại biểu còn băn khoăn, băn khoăn việc liệt kê các trường hợp cụ thể như vậy có thể sẽ chưa bao quát hết.

Vị đại biểu này cho rằng, quy định như vậy vẫn chưa thể giải quyết triệt để. “Quốc hội xem xét chỉnh sửa, bổ sung điều chỉnh các điều khoản liên quan trong dự thảo luật theo hướng Nhà nước thu hồi đất đối với các trường hợp thực hiện dự án phát triển kinh tế-xã hội, nhất là thu hồi để chuyển đổi mục đích sử dụng thực hiện dự”- đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị.

Trong khi đó, đại biểu Mai Thị Phương Hoa- đoàn Nam Định đề nghị làm rõ các trường hợp thu hồi đất tại Điều 79.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa đề nghị làm rõ các trường hợp thu hồi đất là trường hợp gì và những cơ quan nào sẽ quyết định bởi Luật thì phải rõ ràng, khách quan, minh bạch, nhất là trường hợp liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Đại biểu Mai Thị Phương Hoa cho rằng, trường hợp mà chưa làm rõ được thì thì sẽ trình UBTVQH bổ sung sau theo thủ tục rút gọn. Vì vậy, đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát các khoản 1 đến khoản 31 Điều này.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa cho biết, nay dự thảo Luật Đất đai tại các Điều 28, Điều 79 và Điều 128 đã bổ sung quy định dự án đầu tư nước ngoài đã được Quốc hội hoặc Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư thì được thu hồi đất hoặc được phép thương lượng, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong phạm vi dự án.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Chưa khắc phục được căn cơ các vấn đề bất cập
Đại biểu Trần Thị Vân - đoàn Bắc Ninh (Ảnh:Quochoi.vn)

Còn liên quan đến quy hoạch sử dụng đất, đại biểu Trần Thị Vân – đoàn Bắc Ninh cho rằng, hiện các quy định này đang bị chia tách một nửa tại Chương V, một nửa được sửa đổi vào Luật Quy hoạch. Ví dụ như quy định về quy hoạch sử dụng đất quốc gia, các quy định về căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia, căn cứ và nội dung kế hoạch sử dụng đất quốc gia được quy định tại Điều 65 của Luật Đất đai, trong khi nội dung của quy hoạch sử dụng đất quốc gia lại được quy định tại Điều 24 của Luật Quy hoạch và được chính Điều 252 của Luật Đất đai sửa đổi, bổ sung. Tương tự đối với quy định về quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh và các loại đất khác.

Nếu giữ nguyên như dự thảo, sau khi ban hành thì việc triển khai thực hiện các quy định pháp luật sẽ bị xé lẻ, manh mún. Do đó, đại biểu Trần Thị Vân nghị "các quy định về quy hoạch sử dụng đất cần được sửa đổi, bổ sung vào ngay Chương V của dự thảo Luật Đất đai, đồng thời bãi bỏ các quy định về nội dung, quy trình đang bị chồng chéo tại Luật Quy hoạch…"

Trước nhiều nội dung chưa nhận được sự đồng thuận của các đại biểu, chưa giải quyết được các vấn đề thực tế nảy sinh tại nhiều địa phương, đại biểu Bế Trung Anh - đoàn Trà Vinh đã đề nghị Quốc hội cân nhắc rất cẩn trọng trong việc thông qua tại Kỳ họp thứ 6 khi còn quá nhiều ý kiến khác nhau trong dự thảo luật.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Chưa khắc phục được căn cơ các vấn đề bất cập
Ngày 3/11 các đại biểu thảo luận tại hội trường (Ảnh: Quochoi.vn)

Báo cáo giải trình một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hơn 400 trang của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được gửi đến các đại biểu Quốc hội cho thấy dự thảo Luật Đất đai đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, nhận được sự quan tâm đông đảo của cử tri, nhân dân cả nước.

Trước các ý kiến trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, đây là quy định thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW và Hiến pháp năm 2013, vì vậy, cần hết sức cẩn trọng, tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng để có quy định phù hợp.

Thu Hường

Theo: Báo Công Thương