Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Bổ sung nhiều quy định mới

(Banker.vn) Tại dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới liên quan đến hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD).
Nghiệp vụ Tài chính Ngân hàng

Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Bổ sung nhiều quy định mới

Ngô Hải 07/03/2023 12:09

Tại dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới liên quan đến hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD).

Các nội dung liên quan đến hoạt động của tổ chức tín dụng (Chương IV)

Theo NHNN, trên cơ sở tổng kết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn cũng như đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng cùng với việc thực hiện nội dung chính sách liên quan đến hoàn thiện quy định về dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử và số hóa dịch vụ ngân hàng các quy định về hoạt động ngân hàng được sửa đổi, bổ sung, cụ thể:

Bổ sung quy định điều chỉnh đối với hoạt động ngân hàng bằng phương tiện điện tử, bao gồm: bổ sung nguyên tắc TCTD được thực hiện hoạt động kinh doanh bằng phương tiện điện tử theo quy định của NHNN về các hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác của TCTD và quy định của pháp luật về giao dịch điện tử; bổ sung quy định điều chỉnh hoạt động cấp tín dụng bằng phương tiện điện tử tại các quy định về quy định nội bộ, quy định về xét duyệt cấp tín dụng, quy định về lưu trữ hồ sơ tín dụng; bổ sung quy định giao Chính phủ quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng.

Bổ sung quy định áp dụng riêng cho các khoản vay tiêu dùng, phục vụ nhu cầu đời sống có mức giá trị nhỏ, cấp tín dụng qua thẻ theo hướng đơn giản, thuận tiện hơn.

Về hoạt động của ngân hàng thương mại, dự thảo Luật bổ sung thư tín dụng vào hoạt động cấp tín dụng để phản ánh đúng bản chất hoạt động này, đồng thời lược bỏ hoạt động phát hành "kỳ phiếu, tín phiếu" do thực tế quá trình thực hiện không phát sinh. Bổ sung hoạt động "giao đại lý" trong lĩnh vực thanh toán và điều chỉnh kỹ thuật một số quy định để đảm bảo rõ ràng.

Về hoạt động của TCTD là hợp tác xã, tổ chức tài chính vi mô, dự thảo Luật bổ sung quy định về hoạt động làm đại lý cung ứng dịch vụ thanh toán cho khách hàng của quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của ngân hàng hợp tác xã để nâng cao vai trò của ngân hàng hợp tác xã đối với hệ thống các quỹ tín dụng nhân dân, điều chỉnh kỹ thuật một số quy định để đảm bảo rõ ràng.

Xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu

Dự thảo Luật kế thừa các quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và sửa đổi, bổ sung một số nội dung, cụ thể:

Kế thừa các quy định: Bán nợ xấu và tài sản bảo đảm; Mua, bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; Kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án.

Sửa đổi, bổ sung quy định về Nợ xấu: Nợ xấu được áp dụng các quy định tại về xử lý nợ xấu tại Luật bao gồm: Nợ xấu của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm khoản nợ xấu đang hạch toán trong bảng cân đối kế toán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, khoản nợ xấu đã sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nhưng chưa thu hồi được nợ và đang theo dõi ngoài bảng cân đối kế toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Nợ xấu tổ chức mua, bán xử lý nợ xấu đã mua của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhưng chưa thu hồi được nợ.

Sửa đổi, bổ sung quy định về Mua, bán nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu: Được bán nợ xấu cho pháp nhân, cá nhân, được thỏa thuận với tổ chức tín dụng phân chia phần giá trị còn lại (nếu có) của số tiền thu hồi được từ khoản nợ xấu sau khi trừ giá mua và các chi phí xử lý.

Sửa đổi, bổ sung quy định về Quyền thu giữ tài sản bảo đảm: bổ sung quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được quyền sử dụng dịch vụ thừa phát lại để lập vi bằng ghi nhận việc niêm yết văn bản thông báo tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã; bổ sung phương thức thông báo việc thu giữ theo thỏa thuận của các bên; bổ sung quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được sử dụng dịch vụ thừa phát lại để lập vi bằng ghi nhận việc thu giữ tài sản bảo đảm. Biên bản thu giữ hoặc vi bằng là tài liệu thay thế biên bản bàn giao tài sản trong hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản.

Sửa đổi, bổ sung quy định về Hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự, vụ việc vi phạm hành chính: Bổ sung trách nhiệm của Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn việc hoàn trả vật chứng trong vụ án hình sự là tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; bổ sung quy định về việc hoàn trả tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu bị tạm giữ.

Những vấn đề xin ý kiến

Về thứ tự ưu tiên thanh toán. NHNN cho biết, qua hơn 5 năm triển khai, các quy định Nghị quyết số 42/2017/QH14 nói chung và quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán nói riêng đã phát huy hiệu quả trên thực tế. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, việc áp dụng quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, cụ thể: theo quy định tại Nghị quyết 42/2017/QH14, số tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu phải được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ đối với tổ chức tín dụng trước khi thanh toán nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm (bao gồm cả án phí).

Tuy nhiên, trên thực tế, việc lấy từ nguồn khác của bên bảo đảm gây khó khăn cho cơ quan thuế, cơ quan thi hành án dẫn đến ảnh hưởng đến việc thu ngân sách nhà nước nên các cơ quan có thẩm quyền vẫn trích luôn số tiền thuế, án phí và cả các khoản nợ thuế khác của bên bảo đảm từ số tiền xử lý tài sản bảo đảm.

Đồng thời, việc áp dụng quy định pháp luật về thứ tự ưu tiên thanh của các cơ quan có liên quan trên thực tế là không phù hợp với quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14.

Trên cơ sở các nội dung nêu trên, Ngân hàng Nhà nước đề xuất Chính phủ xem xét cho ý kiến đối với 2 Phương án, cụ thể như sau:

Phương án 1: Kế thừa quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 và bổ sung thêm cụm từ “án phí” để bảo đảm rõ ràng hơn trong quá trình áp dụng.

Phương án 2: Điều chỉnh quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán theo hướng: Số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế (trừ các khoản thuế trực tiếp liên quan đến việc chuyển nhượng chính tài sản bảo đảm đó gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ), nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm. Như vậy, khi thực hiện việc xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, số tiền thu được từ việc xử lý tài sản sẽ được thanh toán cho các khoản thuế trực tiếp liên quan đến việc chuyển nhượng chính tài sản bảo đảm đó gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ, án phí sau đó sẽ thanh toán cho nghĩa vụ nợ của bên bảo đảm tại TCTD. TCTD sẽ không phải nộp thay cho bên bảo đảm các khoản thuế, phí không liên quan trực tiếp đến việc chuyển nhượng tài sản bảo đảm (nợ thuế, phí khác của doanh nghiệp, cá nhân…).

Về nội dung kiểm toán độc lập. NHNN cho biết, trong quá trình thực hiện, các công ty kiểm toán và các TCTD còn có một số vướng mắc như sau: quy định hiện hành dẫn đến 2 cách hiểu ( 1- khi kiểm toán độc lập có ý kiến ngoại trừ thì phải thực hiện kiểm toán lại ít nhất 1 lần; 2- khi kiểm toán độc lập có ý kiến ngoại trừ thì phải thực hiện kiểm toán lại cho đến khi hết ý kiến ngoại trừ); các TCTD rất khó tìm được tổ chức kiểm toán có mong muốn thực hiện kiểm toán lại báo cáo tài chính; trường hợp báo cáo tài chính có ý kiến ngoại trừ thì ý kiến kiểm toán khi thực hiện kiểm toán lại sẽ khó thay đổi và vẫn là ý kiến ngoại trừ...

Trên cơ sở các nội dung nêu trên, NHNN đề xuất Chính phủ xem xét cho ý kiến đối với 2 phương án, cụ thể như sau:

Phương án 1: Bỏ khoản 3 Điều 42 Luật các TCTD.

Phương án 2: Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 41 dự thảo Luật như sau: “3. Ngân hàng Nhà nước có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng thực hiện kiểm toán độc lập lại khi báo cáo có ý kiến ngoại trừ, từ chối đưa ra ý kiến, ý kiến kiểm toán trái ngược của tổ chức kiểm toán độc lập”.

Về quy định dự phòng rủi ro. NHNN cho biết, Khoản 2 Điều 131 Luật các TCTD hiện hành quy định:

Điều 131. Dự phòng rủi ro

2. Việc phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động do Ngân hàng Nhà nước quy định sau khi thống nhất với Bộ Tài chính”.

Theo NHNN, quy định “sau khi thống nhất với Bộ Tài chính” sẽ dẫn đến khó khăn trong quá trình triển khai trong thực tế, do mỗi cơ quan sẽ có một vài quan điểm khác biệt, việc thống nhất hoàn toàn là khó khả thi. Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, dự thảo Luật đề xuất hai phương án:

Phương án 1: sửa đổi, bổ sung khoản 2 theo hướng: “2. Việc phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động do Ngân hàng Nhà nước quy định”.

Phương án 2: sửa đổi, bổ sung khoản 2 theo hướng: “2. Việc phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động do Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính quy định”.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Ngô Hải -

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ