Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam: Cần có công cụ đo lường cụ thể về ‘logistics xanh’

(Banker.vn) Cần có công cụ đo lường ‘logistics xanh’; việc xếp hạng theo chỉ số LPI phải thể hiện rõ ràng hơn; cần có phương pháp đánh giá chi phí logicstics cho phù hợp.
Doanh nghiệp gặp nhiều thách thức khi hướng tới logistics xanh Phát triển Logistics xanh hướng tới chuỗi cung ứng bền vững Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam: Cần có mục tiêu cụ thể về logistics xanh

Đây là 3 trong số nhiều ý kiến được đưa ra góp ý tại cuộc họp do Bộ Công Thương tổ chức xin ý kiến với Dự thảo Tờ trình, Dự thảo Quyết định Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến năm 2045 diễn ra sáng 20/5, tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Chiến lược đã chủ trì cuộc họp.

Đa số các ý kiến nhất trí với sự cần thiết xây dựng, ban hành Dự thảo Chiến lược

Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến năm 2045 (Dự thảo Chiến lược) đã và đang được hoàn thiện, chỉnh sửa. Theo đó, Bộ Công Thương đã tổ chức các hoạt động lấy ý kiến công khai rộng rãi của các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, hiệp hội, địa phương, doanh nghiệp, chuyên gia liên quan trên cả nước bằng nhiều hình thức. Trong đó, ngày 24, 26/01/2024, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo xin ý kiến về Dự thảo Chiến lược tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì cuộc họp.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì cuộc họp

Trước đó, ngày 28/12/2023, Bộ Công Thương có Công văn số 9270/BCT-XNK gửi các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, các hiệp hội và các cơ quan, đơn vị có liên quan đề nghị tham gia ý kiến xây dựng Chiến lược và báo cáo nội dụng đánh giá, tổng kết kết quả thực hiện Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017. Đến nay, Bộ Công Thương đã nhận được ý kiến tham gia hồ sơ Dự thảo Chiến lược của 7 Bộ, 21 địa phương và Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam.

Về cơ bản, các ý kiến tham gia đều nhất trí với sự cần thiết xây dựng, ban hành Dự thảo Chiến lược và các quan điểm, định hướng phát triển ngành dịch vụ logistics tại Báo cáo Đề án Chiến lược, Dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ, Dự thảo Quyết định phê duyệt Chiến lược.

Tại cuộc họp lần này, một số ý kiến cho rằng, Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến năm 2045 có những thành phần liên quan đến hệ sinh thái logistics. Do đó, đề xuất Ban soạn thảo cân nhắc, bổ sung vào Chiến lược các vấn đề về công nghệ, nhân lực, phát triển nguồn hàng hay những công cụ đo lường cụ thể về 'logistics xanh', cũng như việc xếp hạng theo chỉ số LPI cần phải thể hiện rõ ràng hơn, chi phí logicstics cần có phương pháp đánh giá như thế nào cho phù hợp.

Theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước đây chúng ta đánh giá và so sánh chi phí logistics với GDP. Tuy nhiên, việc so sánh này có phần trừu tượng và có những khó khăn nhất định, liệu chăng nên đặt vấn đề so sánh chi phí logistics với giá thành sản phẩm trong từng nhóm ngành hàng hoặc những nhóm ngành hàng mang tính đại diện cao, cấu thành lên tỷ trọng lớn trong nhóm hàng hóa.

Đánh giá cao sự công phu, nghiêm túc trong việc xây dựng Dự thảo Chiến lược của Ban soạn thảo, TS. Trịnh Thị Thanh Thuỷ - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) - cho hay, tại lần xin ý kiến góp ý này, Dự thảo Chiến lược đã được hoàn thiện, chỉnh sửa khá nhiều và có những điểm nhấn mang tính bản chất.

Góp ý thêm vào Dự thảo Chiến lược, TS. Trịnh Thị Thanh Thuỷ cho rằng, các thuật ngữ tại Dự thảo Chiến lược cần được chuẩn hóa hơn. Tiêu chí chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cần đưa ra những tiêu chí cụ thể dù việc này không dễ. “Việc đưa ra mục tiêu xếp hạng chỉ số LPI trên thế giới đến 2035 đạt từ 40 trở lên dẫn đến những hiểu lầm là chỉ số này chúng ta đang bị đi thụt lùi về xếp hạng, do đó, câu chữ của mục tiêu này cần có sự điều chỉnh lại”, TS. Trịnh Thị Thanh Thuỷ nêu ý kiến.

Tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Chiến lược, dự kiến sẽ trình Chính phủ đầu tháng 7

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Chiến lược cho biết, mặc dù thời hạn được Thủ tướng Chính phủ giao là cuối năm 2024, tuy nhiên, với tính cấp thiết của nội dung nên việc triển khai lấy ý kiến cũng như hoàn thiện nội dung Dự thảo Chiến lược càng sớm càng tốt.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại cuộc họp
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại cuộc họp

Bởi theo Thứ trưởng, hiện Nhà nước đang đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng; việc xây dựng quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, quy hoạch các địa phương cũng đang được xây dựng và có những kết quả bước đầu. Vì vậy, việc xây dựng gắn kết các quy hoạch này cùng với chiến lược logistics của các địa phương là hết sức quan trọng, việc này sẽ tạo sự đồng bộ trong triển khai thực hiện.

"Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển dịch vụ logistics, do đó, quan điểm của Bộ là sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành Chiến lược”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nói.

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cũng băn khoăn đến vấn đề thời gian triển khai Chiến lược Phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến 2045. Thứ trưởng đề nghị Ban Soạn thảo có giải trình về việc này do việc tính toán giai đoạn sẽ tác động rất lớn đến việc tổ chức triển khai. Cùng với đó, các số liệu trong xây dựng Dự thảo Chiến lược cần phải cẩn trọng và đồng bộ. Vấn đề câu chữ, cũng như việc sắp xếp các nội dung trong Dự thảo Chiến lược phải logic, theo đó, cần tạo môi trường, xây dựng hạ tầng nền tảng, phát triển thị trường, phát triển các ngành nghề lĩnh vực logistisc… từ đó mới đưa ra được giải pháp.

“Chúng ta cần có thêm một nhóm giải pháp liên quan đến phát triển dịch vụ logicstics. Ví dụ như liên quan đến vấn đề phát triển nguồn hàng. Nếu xác định được các trung tâm, khu vực, địa bàn, ngành nghề thì cần xác định được giải pháp cho phát triển khu vực này”, Thứ trưởng gợi mở.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay, sự đóng góp ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp sẽ giúp tạo ra được một sản phẩm tập thể hoàn thiện nhất. Sau buổi họp này, Bộ sẽ tổng hợp và tiếp tục xin ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội đối với Dự thảo Chiến lược. Bộ Công Thương sẽ tổng hợp đầy đủ giải trình, tiếp thu và hoàn thiện, chỉnh sửa lại Dự thảo Chiến lược, Dự thảo Tờ trình Chính phủ, Dự thảo Quyết định phê duyệt Chiến lược trên cơ sở các ý kiến tham gia.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phát biểu tại cuộc Họp
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phát biểu tại cuộc họp

Ghi nhận ý kiến từ Thứ trưởng cùng các ý kiến của các cơ quan quản lý, chuyên gia, hiệp hội, ngành hàng, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Phó Trưởng Ban chỉ đạo, Trưởng ban Soạn thảo xây dựng Chiến lược - cho biết, Ban soạn thảo mong muốn sau cuộc họp này sẽ tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp càng chi tiết, càng cụ thể càng tốt để Ban soạn thảo tổng hợp, tiếp thu và hoàn thiện Dự thảo Chiến lược.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đề nghị Cục Xuất nhập khẩu ghi nhận các ý kiến đóng góp, hoàn thiện đầy đủ Dự thảo Chiến lược, đồng thời, tiếp tục gửi xin ý kiến của các đơn vị, và cuối tháng 6 tới sẽ tiếp tục tổ chức thêm 1 cuộc họp lấy ý kiến từ các Bộ, ngành, Hiệp hội, chuyên gia để đảm bảo tính khả thi của Dự thảo Chiến lược trước khi trình lên Thủ tướng Chính phủ vào tháng 7/2024.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục