Dữ liệu tồn kho giảm xuống mức thấp kỷ lục, giá cà phê xuất khẩu nhiều biến động

(Banker.vn) Dữ liệu báo cáo của ICE - Europe cho thấy lượng hàng tồn kho gần đây đã giảm xuống mức thấp lịch sử. Dự báo giá cà phê sẽ còn nhiều biến động đáng kể.
Giá cà phê đồng loạt khỏi sắc, nguồn cung Robusta sẽ thắt chặt Giá cà phê xuất khẩu tăng ấn tượng đạt hơn 3.000 USD/tấn

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), khép lại phiên giao dịch 19/3, giá Arabica đảo chiều hồi phục 0,72%; giá Robusta tăng thêm 0,33% so với mốc tham chiếu. Đồng USD suy yếu đã lấn át đà hồi phục của dữ liệu tồn kho trên Sở ICE-US, từ đó hỗ trợ của giá Arabica tăng.

Cụ thể, đồng Real của Brazil tăng mạnh hơn đã kéo tỷ giá USD/BRL đi xuống trong khung giờ cà phê đang giao dịch. Chênh lệch tỷ giá thu hẹp hạn chế nhu cầu bán cà phê của Brazil.

Dữ liệu tồn kho giảm xuống mức thấp kỷ lục, giá cà phê xuất khẩu nhiều biến động
Giá Arabica đảo chiều hồi phục 0,72%; giá Robusta tăng thêm 0,33% so với mốc tham chiếu

Với Robusta, lo ngại thiếu hụt nguồn cung tiếp diễn khi triển vọng nguồn cung vụ mới tại Việt Nam phải đối mặt với khô nóng đỉnh điểm. Hơn thế, công ty Marex Group dự báo thâm hụt cà phê Robusta toàn cầu trong niên vụ 24/25 là 2,7 triệu bao, trong đó chủ yếu là do sụt giảm sản lượng của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Cục Xuất nhập khẩu dự báo giá cà phê sẽ còn nhiều biến động đáng kể khi Brazil sắp bước vào vụ thu hoạch mới của năm nay.

Dữ liệu tồn kho giảm xuống mức thấp kỷ lục, giá cà phê xuất khẩu nhiều biến động
Sản lượng cà phê của Việt Nam dự kiến sẽ giảm xuống 1,6 – 1,7 triệu tấn

Dữ liệu báo cáo của ICE – Europe ngày 19/3, cho thấy tồn kho cà phê Robusta được sàn London giám sát đã tăng 520 tấn, tức tăng 1,86% so với ngày trước đó, lên đăng ký ở mức 28.520 tấn (khoảng 475.333 bao, bao 60kg), đã trực tiếp gây áp lực tiêu cực lên giá cà phê trong ngắn hạn.

Theo nhận định của các chuyên gia của Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa), đà tăng của thị trường hiện đến từ việc mất cân đối cung cầu, khi tồn kho cà phê thế giới thấp kỷ lục, buộc các doanh nghiệp phải tìm mọi cách để thu mua, trả hợp đồng. Căng thẳng tại Biển Đỏ cũng là chất xúc tác để giá cà phê toàn cầu đạt đỉnh. Tuy vậy, không phải tất cả các doanh nghiệp đều được hưởng lợi, thậm chí còn bị mất đơn hàng vì giá tăng đột ngột.

Tồn kho tăng và vụ thu hoạch của Brazil sắp đến đang đè nặng lên giá cà phê hai sàn New York và London.

Về thị trường tài chính, thế giới vẫn đang ngóng đợi kết quả từ cuộc họp chính sách trong hai ngày 19 và 20/3 của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Fed được dự báo giữ nguyên lãi suất lần thứ 5 liên tiếp. Kể từ tháng 5/2022, cơ quan này đã nâng lãi thêm 5,25%. Hiện tại, lãi suất ở Mỹ vẫn cao nhất hơn 20 năm. Nhà đầu tư sẽ theo dõi sự kiện này để xem liệu các báo cáo kinh tế sôi động gần đây có khiến quan chức Fed lùi ý định nâng lãi hay không.

Trên thị trường hàng hóa, sức ép bán hàng vụ mới ngày càng tăng khi Brazil sắp bước vào thu hoạch vụ cà phê mới của niên vụ 2024/2025 với dự kiến sản lượng tăng. Theo một báo cáo thị trường của nhà tư vấn – phân tích Safras & Mercados cho biết, nông dân Brazil đã bán khoảng 11% tiềm năng sản lượng của vụ mùa sắp thu hoạch, chậm hơn so với mức trung bình nhiều năm do lo ngại nguồn cung sẽ căng thẳng hơn khi mùa Đông ngày càng đến gần.

Thương nhân quốc tế suy đoán sản lượng cà phê Robusta của Việt Nam trong niên vụ 2023/2024 có thể giảm thêm 2 - 3%, điều này đã tạo tâm lý hỗ trợ thị trường cho tới khi Brazil bước vào thu hoạch vụ mùa năm nay.

Nhiều dự báo rằng sản lượng cà phê Brazil năm nay có thể đạt mức 65-69 triệu bao, trong đó thu hoạch Robusta bắt đầu từ tháng Tư (ước đoán Robusta đạt khoảng 22-25 triệu bao) và Arabica vào tháng Bảy.

Tuy nhiên, với nguồn cung từ Việt Nam, theo Vicofa, niên vụ 2023/2024, sản lượng cà phê của Việt Nam dự kiến sẽ giảm xuống 1,6 – 1,7 triệu tấn, thấp hơn so với 1,78 triệu tấn niên vụ 2022/2023.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo, sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2023-2024 đạt 171,4 triệu bao (loại 60 kg/bao), tăng 4,2% tương ứng 6,9 triệu bao so với niên vụ trước. Sản lượng tăng ở các nước sản xuất cà phê Arabica chủ chốt như Brazil, Colombia và Ethiopia dự kiến sẽ bù đắp cho sự sụt giảm ở Indonesia, một trong những quốc gia sản xuất Robusta chính ở khu vực Đông Nam Á.

Với dự báo này, sản lượng cà phê Arabica toàn cầu trong niên vụ 2023-2024 dự kiến sẽ tăng 9,4 triệu bao lên 97,3 triệu bao. Ngược lại, Robusta giảm năm thứ hai liên tiếp xuống còn 74,1 triệu bao so với 76,6 triệu bao của niên vụ trước và là mức thấp nhất trong 4 niên vụ gần đây.

Ngọc Ngân

Theo: Báo Công Thương