Hàng trăm nghìn người đổ về Sầm Sơn xem bắn pháo hoa đêm khai hội Thanh Hóa: Khai mạc Lễ hội du lịch biển Hải Tiến năm 2024 |
Sản phẩm mới và cách làm mới
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, trong 6 tháng đầu năm 2024 các khu, điểm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh đã đón gần 9,8 triệu lượt khách, tăng 16,1% so với cùng kỳ 2023; tổng thu du lịch ước đạt 19.848,5 tỷ đồng, tăng 30,2% so với cùng kỳ 2023.
Với mục tiêu đón 13,8 triệu lượt khách trong năm 2024, bên cạnh việc làm mới các sản phẩm, dịch vụ hiện có, tỉnh Thanh Hóa đã đưa vào khai thác và sử dụng một số sản phẩm mới như khu du lịch Flamingo biển Hải Tiến, công viên nước và Quảng trường biển Sầm Sơn. Qua đó, tạo điểm nhất, kích cầu du lịch, thu hút du khách trong và ngoài nước. Chỉ tính riêng 5 ngày nghỉ lễ 30/4 – 1/5 năm nay, ngành du lịch Thanh Hóa đã thu về 3.800 tỉ đồng. Riêng Sầm Sơn đón hơn 900.000 lượt khách trong 1,52 triệu khách đến.
Cầu cảng Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) về đêm đẹp huyền ảo, sẽ là điểm check – in lý tưởng cho du khách. (Ảnh LĐ) |
Ngoài ra, ngành du lịch Thanh Hóa đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa các sự kiện, lễ lớn của tỉnh và trong nước để kích cầu, quảng bá du lịch như kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sỹ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc (1954-2024).
Đặc biệt, trong 4 ngày từ ngày 27 đến ngày 30/6, Sở Văn hóa tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với UBND TP Sầm Sơn tổ chức Liên hoan văn hóa ẩm thực xứ Thanh với chủ đề “Đậm bản sắc - Bừng tinh hoa” với quy mô trên 100 gian hàng bố trí các sản phẩm, nông sản đến từ các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và một số địa phương trong nước. Tại các gian hàng sẽ diễn ra nhiều hoạt động như: Giới thiệu ẩm thực, trưng bày và bán sản vật, đặc sản, sản phẩm OCOP của các địa phương; giới thiệu, tư vấn tour, tuyến, sản phẩm du lịch.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung đầu tư, khai thác triệt để thế mạnh về du lịch sinh thái cộng đồng tại các bản, làng vùng cao. Qua đó, thúc đẩy kinh tế miền núi phát triển, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền.
Tại Khu du lịch sinh thái Pù Luông (Bá Thước), những năm gần đây, sự xuất hiện của những homestay tiện nghi, hiện đại mà vẫn gần gũi, hòa mình với thiên nhiên đã đưa Pù Luông trở thành địa điểm du lịch xanh, du lịch cộng đồng, sinh thái, nghỉ dưỡng nổi tiếng, thu hút không chỉ du khách trong nước mà cả khách quốc tế.
Theo thống kê của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bá Thước, trong 5 ngày nghỉ lễ, Khu du lịch Pù Luông đón khoảng 62.500 lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt khoảng 15.550 lượt khách, chiếm khoảng 25% tổng lượt khách trong dịp nghỉ lễ. Khách lưu trú khoảng 25.100 lượt khách, chiếm 40,1% tổng số lượt khách. Ngày lưu trú bình quân đạt 2,6 ngày khách; công suất sử dụng phòng đạt khoảng trên 96,4%. Khách tham quan trong ngày đạt khoảng 37.100 lượt khách. Tổng thu từ hoạt động du lịch trong 5 ngày nghỉ lễ đạt khoảng 92,3 tỷ đồng, trong đó tổng thu từ khách lưu trú qua đêm đạt khoảng 76,8 tỷ đồng; khách đi trong ngày đạt khoảng 15,5 tỷ đồng.
Phát triển du lịch trên nền tảng số
Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch đã được nhiều khu, điểm du lịch, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chú trọng thực hiện. Đây được coi là một bước tiến của ngành du lịch Thanh Hóa, mở ra cơ hội để đưa hình ảnh du lịch đến đông đảo bạn bè, du khách trong và ngoài nước.
Mô hình công trình Thanh niên chuyển đổi số phát triển du lịch tại TP Sầm Sơn. (Ảnh LĐ) |
Nhằm thúc đẩy số hóa trong ngành du lịch, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 115-KH/UBND triển khai thực hiện Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu, đến năm 2025 phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động cung cấp cho khách du lịch tại các khu du lịch trọng điểm, trong đó có các thông tin về điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch, thuyết minh du lịch tự động; 100% khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh được lắp dựng hệ thống mạng internet không dây công cộng phục vụ khách du lịch; 100% máy tra cứu thông tin du lịch và dịch vụ được lắp tại các khu vực như Cảng Hàng không Thọ Xuân, Ga Thanh Hóa, Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo và các khu du lịch trọng điểm.
Ghi nhận tại Sầm Sơn cho thấy, việc quảng bá tiềm năng thế mạnh của du lịch trên các nền tảng số cũng là một trong những hoạt động mà các cấp bộ đoàn trong tỉnh quan tâm thực hiện. Tiến hành các bước khảo sát, xây dựng và đến nay đã hoàn thiện, đưa vào sử dụng thực tế công trình chuyển đổi số trong quảng bá di tích lịch sử - văn hóa, du lịch TP Sầm Sơn với 22 bảng mã QR code đặt tại các di tích cấp quốc gia và các hubway trên địa bàn.
Thông qua việc số hóa, tích hợp thông tin, hình ảnh về các điểm di tích trên nền tảng VR mang đến trải nghiệm thực tế ảo 360 độ, cho phép người sử dụng nhanh chóng tiếp cận thông tin về các địa điểm, xem toàn cảnh địa điểm một cách trực quan, sinh động nhất. Phát động cuộc thi ảnh online “Tôi yêu Sầm Sơn”, thông qua việc đăng tải những bức ảnh trên trang mạng xã hội facebook góp phần giới thiệu các danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, địa điểm du lịch nổi tiếng trên địa bàn thành phố.
Từ cách làm mới trên nền tảng cũ, cùng với sự phát triển về công nghệ số đã đưa du lịch Thanh Hóa có bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất tại khu vực Bắc Trung Bộ, trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam với hệ thống cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch được đầu tư hiện đại, đẳng cấp. Các sản phẩm dịch vụ du lịch Thanh Hóa ngày càng đa dạng, phong phú.
Đặc biệt, trong 6 tháng cuối năm, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, cùng với sự đầu tư khai thác đồng bộ các sản phẩm du lịch đã từng bước hiện thức hóa du lịch Thanh Hóa - "Hương sắc bốn mùa". Trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong tương lai.
Đến với Pù Luông (huyện Bá Thước, Thanh Hóa), du khách sẽ có dịp đắm chìm trong thiên nhiên tươi đẹp của những thửa ruộng bậc thang (Ảnh Hà Khải) |
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về giải pháp của ngành du lịch tỉnh Thanh Hóa phấn đấu vượt mục tiêu đón 13,8 triệu lượt khách trong năm 2024, ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa cho biết: Trong thời gian tới, sở sẽ triển khai nhiều giải pháp như: Liên tục làm mới các sản phẩm du lịch hiện có; bổ sung các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới; đặc biệt là các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng giải trí cao cấp, du lịch MICE, du lịch golf ở các khu du lịch biển, du lịch thể thao mạo hiểm - trekking tour ở các huyện miền núi Thanh Hóa, du lịch sự kiện, lễ hội… nhằm tạo thế "kiềng ba chân" vững chắc cho du lịch Thanh Hóa với 3 dòng sản phẩm chủ lực, gồm Du lịch biển - du lịch văn hóa, lịch sử tâm linh và du lịch sinh thái cộng đồng, góp phần định vị du lịch Thanh Hóa hấp dẫn quanh năm với "Hương sắc bốn mùa".
Tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, đổi mới công tác quản lý du lịch, xây dựng môi trường văn hóa, giao tiếp ứng xử văn minh nhằm đem lại lòng tin, tạo hiệu ứng lan tỏa về thương hiệu và hình ảnh của du lịch Thanh Hóa "văn minh, thân thiện và hấp dẫn" đối với khách du lịch; trong đó, đặc biệt phải đảm bảo tốt công tác phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, quản lý giá cả, quản lý kinh doanh dịch vụ vận chuyển khách, phân luồng giao thông...
Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch theo hướng trọng tâm, trọng điểm; tập trung truyền thông du lịch trên các kênh truyền thông, các nền tảng số và các kênh truyền hình quốc tế như CNN, BBC…; Tiếp tục ưu tiên các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực xã hội hoán trong xây dựng, phát triển du lịch theo hướng bền vững, hướng tới chuẩn khu vực và quốc tế; chú trọng phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch.