Dự kiến GDP cả năm tăng trưởng 8%

(Banker.vn) Theo Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XVI, dự kiến cả năm 2022 sẽ đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó, tăng trưởng GDP đạt khoảng 8% so với mục tiêu 6-6,5%, trong bối cảnh tình hình có nhiều khó khăn, thách thức hơn so với khi xây dựng kế hoạch.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình thế giới biến động rất nhanh, phức tạp, chưa có tiền lệ, khó khăn hơn so với khi xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022.

Ở trong nước, áp lực lạm phát tăng cao; giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực; nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài cần được giải quyết; trong khi đó, dịch bệnh, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, gây nhiều thiệt hại cho sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân.

Trong bối cảnh đó, bám sát các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên tất cả các lĩnh vực;  tổ chức nhiều hội nghị, cuộc họp, làm việc, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Nỗ lực thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều và nặng nề hơn; đồng thời tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài và giải quyết, ứng phó kịp thời những vấn đề mới phát sinh.

"Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời đề ra các định hướng, quyết sách lớn của Ban Chấp hành Trung ương, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự chủ động, tích cực, đồng hành, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, kiều bào ta ở nước ngoài; sự quan tâm giúp đỡ của bạn bè quốc tế, tình hình kinh tế-xã hội trong 9 tháng phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực; ước cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Kinh tế - xã hội được duy trì ổn định

Về những kết quả cụ thể, báo cáo của Chính phủ khẳng định: "Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong điều kiện gặp nhiều khó khăn".

Theo đó, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 2,73%, ước cả năm khoảng 4%. Thị trường tiền tệ, mặt bằng lãi suất, tỷ giá tương đối ổn định; tăng trưởng tín dụng 9 tháng đạt khoảng 11%, tập trung nhiều cho sản xuất kinh doanh. "Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83%; ước cả năm đạt khoảng 8% (mục tiêu là 6-6,5%)", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết.

Thu ngân sách Nhà nước 9 tháng đạt 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ; ước cả năm vượt 14,3%, tăng 2,9% so với năm 2021. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 9 tháng đạt trên 558 tỷ USD, tăng 15%; xuất siêu 6,76 tỷ USD.

Năng lượng đáp ứng đủ cho sản xuất kinh doanh, tiêu dùng. Lương thực, thực phẩm được bảo đảm, trong 9 tháng xuất khẩu trên 5,4 triệu tấn gạo, xuất khẩu nông sản đạt 40,8 tỷ USD. Thị trường lao động phục hồi nhanh.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng tăng 12,5%; vốn FDI thực hiện đạt 15,4 tỷ USD, tăng 16,3%. Phát triển doanh nghiệp có nhiều khởi sắc, trong 9 tháng có hơn 163 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại, tăng 38,6%, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia được tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện. Trong 9 tháng đã thực hiện được hơn 60.000 tỷ đồng, chiếm hơn 20% tổng số vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và giao kế hoạch vốn chi tiết 3 chương trình mục tiêu quốc gia khoảng 92.000 tỷ đồng, đạt 92% kế hoạch giai đoạn 2021-2025.

Trong 9 tháng năm 2022 cũng đã kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo được chuyển biến tích cực trong triển khai xây dựng một số công trình kết cấu hạ tầng quan trọng quốc gia; cơ bản hoàn thành 565 km đường bộ cao tốc, trong đó đã đưa vào khai thác 365 km và thông tuyến 200 km. Phấn đấu trong tháng 12/2022, khởi công xây dựng 12/12 dự án thành phần với chiều dài 729 km của dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Các ngân hàng thương mại yếu kém, doanh nghiệp thua lỗ, dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả kéo dài đã và đang được quyết liệt tháo gỡ, xử lý; thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đạt kết quả tích cực. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia được kiểm soát an toàn. Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam.

Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật được đặc biệt quan tâm chỉ đạo; chủ động, tích cực xây dựng, trình Quốc hội các dự án luật, pháp lệnh, cơ bản bảo đảm tiến độ và chất lượng. Công tác xây dựng quy hoạch được chú trọng thúc đẩy; đã lập, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch, một số quy hoạch quốc gia, vùng, địa phương.

Việc rà soát, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế được triển khai tích cực, hiệu quả. Cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh. Từng bước hoàn thiện hệ thống dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số, tiết giảm thời gian, chi phí và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Công tác an sinh xã hội được triển khai thiết thực, kịp thời, hiệu quả. Đến nay đã hỗ trợ khoảng 87.000 tỷ đồng cho gần 56 triệu lượt người dân, người lao động và trên 730.000 lượt người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Đã tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi cho học sinh, sinh viên, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo… Các chính sách dân tộc, tôn giáo, chăm sóc người cao tuổi, bảo vệ trẻ em, vì sự tiến bộ của phụ nữ, bình đẳng giới được quan tâm chỉ đạo sát sao. Tổ chức thành công SEA Games 31, tham dự và đạt thành tích cao tại nhiều sự kiện thể thao lớn ở khu vực và thế giới.

Các chủ trương, chính sách, pháp luật về quản lý đất đai, tài nguyên tiếp tục được đổi mới, hoàn thiện. Các nguồn lực đất đai, tài nguyên được quản lý, sử dụng hiệu quả hơn. Công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu được chú trọng, nhất là chuyển đổi năng lượng xanh, tăng trưởng xanh. Công tác phòng chống thiên tai được chỉ đạo sát sao; chủ động ứng phó, kịp thời khắc phục hậu quả, góp phần giảm thiểu thiệt hại do bão lũ gây ra, nhất là các cơn bão số 4, số 5 vừa qua.

Ổn định kinh tế vĩ mô đối mặt với nhiều thách thức

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, ổn định kinh tế vĩ mô đối mặt với nhiều thách thức, sức ép lạm phát lớn, giá xăng, dầu, nguyên vật liệu đầu vào biến động mạnh; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp. Một số quy định pháp luật còn vướng mắc, bất cập, chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Giải ngân vốn đầu tư công, triển khai thực hiện một số chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia và việc lập các quy hoạch còn chậm. Công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập chưa đạt yêu cầu; chưa phát huy tốt vai trò của các tập đoàn kinh tế nhà nước tham gia vào các công trình, dự án lớn.

Các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro; cơ cấu lại một số tổ chức tín dụng yếu kém còn nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao. Nợ xấu, nợ thuế có xu hướng tăng. Hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn; còn thiếu hụt lao động cục bộ trong một số ngành, lĩnh vực, địa bàn, nhất là lao động chất lượng cao. Thu hút FDI đầu tư mới và chuyển giao công nghệ gặp nhiều khó khăn; liên kết giữa khu vực FDI và kinh tế trong nước còn hạn chế. Tốc độ tăng năng suất lao động khó đạt mục tiêu đề ra.

Kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi chưa nghiêm; còn một số cán bộ, công chức vi phạm quy định, bị xử lý kỷ luật. Một số vụ việc tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em, mất an toàn lao động, cháy nổ, lừa đảo qua mạng còn diễn biến phức tạp. Xử lý ô nhiễm môi trường còn bất cập, nhất là nước thải, chất thải. Công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, đấu tranh phòng, chống tội phạm còn nhiều khó khăn, thách thức…

Thủ tướng nêu rõ, nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, bất cập nêu trên là do tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, vượt dự báo; nước ta bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19, cần thời gian tích lũy để phục hồi; trong khi nền kinh tế có độ mở lớn, năng lực nội tại, sức chống chịu, khả năng thích ứng còn hạn chế. Công tác phân tích, dự báo, xây dựng, triển khai chính sách, giải pháp ứng phó với biến động tình hình của một số cơ quan chức năng còn bị động, chưa kịp thời. Một bộ phận cán bộ, công chức năng lực còn yếu, còn hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; chưa phát huy đầy đủ trách nhiệm người đứng đầu ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát một số lĩnh vực chưa quyết liệt, kịp thời, hiệu quả...

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm 2022, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực. Chú trọng phòng, chống dịch COVID-19, không để dịch chồng dịch; khẩn trương khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Theo dõi sát tình hình, tận dụng tốt thời cơ, hóa giải hiệu quả khó khăn, thách thức; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định các loại thị trường, tận dụng tốt thị trường trong và ngoài nước. Bảo đảm ổn định cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất, đời sống, nhất là dịp lễ, Tết và đầu năm 2023.

Điều hành lãi suất, tỷ giá chủ động, linh hoạt, phù hợp; bảo đảm ổn định hệ thống tiền tệ, ngân hàng. Triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch.

Tăng cường phòng chống thiên tai, bão lũ. Tập trung giải quyết tình trạng thiếu lao động cục bộ tại một số địa bàn. Thúc đẩy tăng năng suất lao động. Tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo... Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh phòng, chống tội phạm..., nhất là tội phạm mạng.

Thanh Hải

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục