“Dư địa giảm lãi suất không còn, giữ mức hiện nay trong năm 2024 đã là tích cực”

(Banker.vn) Theo chuyên gia, nhà điều hành muốn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng hoàn toàn có thể đảo chiều khi chịu áp lực hai yếu tố là tỷ giá và lạm phát.
vi-mo.jpg
Các diễn giả chia sẻ tại hội thảo

Chính sách có thể đảo chiều nếu chịu áp lực

Chia sẻ tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2024 với chủ đề “Theo dấu Dòng tiền” do Vietnambiz và Câu lạc bộ Giám đốc Tài chính Việt Nam phối hợp tổ chức chiều ngày 9/11, ông Nguyễn Xuân Thành, Chuyên gia kinh tế, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright cho rằng, có hai động lực chính tác động đến tăng trưởng hai tháng cuối năm và năm 2024.

Đầu tiên là sự tích cực từ yếu tố xuất khẩu đã phục hồi và tăng trưởng. Xuất khẩu tháng 10/2023 so với tháng 10/2022 tăng hơn 5,9%. Các nhà xuất khẩu cho biết, tồn kho giảm xuống, các đơn hàng đã có trở lại, đặc biệt là thị trường Mỹ. Các hãng tàu cũng lạc quan trở lại cho thấy tín hiệu xuất khẩu tốt lên và thông thường tháng 11, tháng 12 xuất khẩu thường tích cực. Hai nền kinh tế có sự sụt giảm xuất khẩu sâu nhất đầu năm nay là Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc) đều cùng phục hồi.

Nhìn sang năm 2024, chuyên gia này đánh giá vẫn có rất nhiều bất trắc. Nếu như kinh tế toàn cầu, trong đó có Mỹ hạ cánh mềm thì Việt Nam có thể phục hồi xuất khẩu sang thị trường này, nếu kinh tế Trung Quốc không quá xấu thì có thể tạo động lực xuất khẩu cho cả năm 2024. Nhưng vẫn còn rất nhiều bất trắc đối với tăng trưởng toàn cầu. Dù vậy, năm 2024 chúng ta vẫn sẽ có tăng trưởng xuất khẩu từ 5-7% chứ không âm.

Động lực tích cực thứ hai là giải ngân vốn đầu tư công từ cuối năm nay đến sang năm sau. Thị trường có thể có sự thắc mắc là giải ngân ít quá nhưng cần phải hiểu là giải ngân vốn đầu tư công luôn có độ trễ khoảng 5 tháng.

Trong quý I năm nay, gần như không giải ngân được, quý II chuẩn bị thì tới quý III và quý IV mới là lúc tiền ra. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công năm nay đã cao hơn năm ngoái và do độ trễ của đầu tư công nên con số 32 tỷ USD sẽ ra tác động đến kinh tế vào cuối năm nay và đầu năm sau.

Ông Thành nêu, sắp tới, Quốc hội sẽ phê duyệt ngân sách năm 2024. Năm sau sẽ không có Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau COVID nên quy mô đầu tư công sẽ thấp đi, chỉ còn khoảng 29 tỷ USD, nhưng đây vẫn là một con số lớn.

Bên cạnh đó, hai động lực với nền kinh tế sẽ đến từ xuất khẩu phục hồi, đơn hàng quay trở lại sẽ khiến cho lao động khu công nghiệp sẽ quay trở lại, tạo cú hích cho tiêu dùng. Nếu Quốc hội thông qua việc giảm thuế VAT 2% cũng là cú hích tiếp theo cho 6 tháng đầu năm 2024. Ở Việt Nam, những chính sách cho đối tượng thì sẽ khó giải ngân nhưng giảm thuế sẽ mang lại hiệu quả rất tốt.

Chuyên gia Fulbright cho biết, áp lực tỷ giá khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải phát hành tín phiếu, gây mất thanh khoản, ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán nhưng kỳ hạn của tín phiếu chỉ có 28 ngày, đến giờ đã đáo hạn và đã bơm tiền trở lại.

“Đồng USD khó lên giá mạnh nữa, áp lực tỷ giá đối với VND không còn mạnh, tạo dư địa NHNN có thể duy trì chính sách tiền tệ mở rộng, nhưng hiện đã hết dư địa giảm tiếp lãi suất, điều quan trọng là mặt bằng lãi suất hiện nay duy trì được trong 2024 đã là tích cực”, ông Thành đánh giá.

Chia sẻ rõ hơn về định hướng chính sách, ông Thành cho rằng, định hướng chính sách của nhà điều hành luôn muốn duy trì chính sách tiền tệ hỗ trợ cho tăng trưởng bởi áp lực cho giai đoạn 2024 - 2025 là lấy lại đà tăng trưởng kinh tế để đạt mục tiêu cả nhiệm kỳ. Các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đều ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng.

“Hiện tất cả ngân hàng trung ương đều điều hành chính sách theo hướng dò đường. Năm nay tín dụng có thể tăng 11% so với mục tiêu 14%, mục tiêu của năm sau là tăng 14 - 15% để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng đạt 6,5% trở lên. Chính sách tiền tệ nới lỏng phải duy trì nhưng hoàn toàn có thể đảo chiều khi chịu áp lực hai yếu tố là tỷ giá và lạm phát”, ông Thành nêu.

Lãi suất cho vay sẽ giảm tới cuối năm và quý I/2024

Đồng quan điểm với ông Thành, ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc HDBank cho rằng, hiện tại không còn dư địa để giảm lãi suất. Lãi suất cho vay có độ trễ hơn lãi suất tiền gửi, các ngân hàng thương mại đã có thời kỳ nâng lãi suất cho vay lên cao trong giai đoạn nền kinh tế khó khăn cuối năm 2022, đầu năm 2023.

Bên cạnh đó, room tín dụng ở các ngân hàng đã được mở rộng trong giai đoạn vừa rồi, khi các yếu tố vĩ mô tiến triển tích cực hơn thì rõ ràng nhu cầu giải ngân vốn tín dụng tăng. Hiện các ngân hàng thương mại đều thừa thanh khoản.

“Lãi suất cho vay sẽ giảm dần từ nay đến cuối năm và sang quý I năm sau, còn sau đó rất khó để đưa ra dự báo trong thời gian dài, tùy thuộc vào biến động kinh tế vĩ mô trong nước và thế giới”, Phó Tổng Giám đốc HDBank nhận định.

Với Việt Nam, lạm phát và tỷ giá cũng hai vấn đề tạo sự quan tâm trong thời gian gần đây. Riêng lạm phát dù có tín hiệu tăng trở lại và thu hút sự quan tâm của công chúng nhưng nhiều chuyên gia đánh giá, rủi ro lạm phát của Việt Nam vẫn được cho là thấp nhờ yếu tố cung tiền yếu.

Khó khăn về thanh khoản trong cuối năm 2022 đầu năm 2023, các ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi cùng với thị trường chứng khoán có chiều hướng giảm khiến kênh đầu tư này giảm sức hút. Bất động sản đóng băng thì tiền cũng không vào đây, bên cạnh việc nhà đầu tư rút tiền từ kênh trái phiếu. Do đó, tiền gửi vào ngân hàng nhiều, thanh khoản lớn.

Trong khi đó, việc NHNN phải ưu tiên ổn định tỷ giá thông qua việc hút tiền về được cho là đã khiến thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng mạnh.

Về điều này, ông Nam cho rằng, việc NHNN rút tiền về cũng là động thái hợp lý, giảm dư thừa thanh khoản trên thị trường. Điều này không ảnh hưởng nhiều tới các chỉ số khác hay thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, tâm lý của nhà đầu tư cá nhân chưa được chuyên nghiệp, thiếu bình tĩnh.

Chia sẻ nhận định về tăng trưởng năm 2024, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng, tăng trưởng GDP năm nay có thể đạt 5 - 5,5%, do đó mục tiêu 6 - 6,5% cho năm 2024 rất nhiều bất trắc.

“GDP có thể tăng trưởng tốt theo hướng đạt 6,7% nếu các chỉ số vĩ mô tích cực và chính sách tiền tệ không đảo chiều. Vấn đề của thị trường bất động sản chưa thể giải quyết được trong năm 2024, nếu kinh tế toàn cầu xấu đi và chính sách tiền tệ nới lỏng thì phải xem xét lại”, ông Thành chia sẻ.

Ông Trần Hoài Nam nhìn nhận, năm 2023 là một năm khó khăn để làm kinh doanh. Năm 2024 cũng là một năm khó khăn. Song, những cái gì khó quá đã ở lại sau lưng, có khả năng tăng trưởng GDP đạt 6% - 6,5% trong năm sau.

Huyền Châm

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục