Dự báo tỷ giá USD năm 2024 sẽ ổn định hơn nhờ sự tích cực của các yếu tố vĩ mô

(Banker.vn) Tỷ giá năm 2024 được dự báo sẽ ổn định hơn, có thể tăng 1.5% đạt mức 24.600 VND/USD nhờ kỳ vọng vào nhiều yếu tố vĩ mô sẽ tích cực hơn.
Tỷ giá USD hôm nay 26/1/2024: USD nhích tăng nhẹ trở lại Tỷ giá USD hôm nay 27/1/2024: USD đồng loạt sụt giảm

Theo báo cáo cập nhật mới đây, Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) kỳ vọng tỷ giá USD/VND sẽ ổn định hơn trong năm 2024, được dự báo tăng 1.5% đạt mức 24.600 VND/USD.

Kỳ vọng trên dự trên các yếu tố cán cân tổng thể dự báo tích cực hơn, trong bối cảnh áp lực từ chênh lệch lãi suất âm giữa USD và VND dù có giảm nhưng vẫn duy trì trong suốt cả năm.

Cán cân tổng thể trong năm 2024 được dự báo thặng dư 7 – 10 tỷ USD, do cán cân thương mại mặc dù tăng trưởng ít hơn nhưng được bù lại bởi dòng vốn FDI, kiều hối và giảm thâm hụt cán cân tài chính.

Theo KBSV, xuất khẩu dự kiến phục hồi tích cực với mức tăng trưởng dự báo đạt 8% - 12%. Nền kinh tế toàn cầu theo các tổ chức tài chính dự báo có phần tăng trưởng chậm lại trong năm 2024, đạt 2.5% so với mức dự báo 2.9% của năm 2023.

Tuy nhiên, KBSV vẫn nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng tích cực xuất khẩu đến từ một số tín hiệu. Đó là lượng hàng hóa tồn kho tại Mỹ và EU đã đến giai đoạn cạn kiệt sau giai đoạn nhập khẩu nhiều trước Covid do lo ngại đứt gãy chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện giúp gia tăng hơn nữa tiềm năng xuất khẩu. Trong khi đó, sức mua tiêu dùng cải thiện tương đối do lạm phát đã giảm trên toàn cầu.

Tỷ giá năm 2024 sẽ ổn định hơn nhờ sự tích cực của các yếu tố vĩ mô
Tỷ giá USD năm 2024 được dự báo sẽ ổn định hơn (ảnh minh họa)

KBSV nhận định, so với mức nền thấp của năm 2023 thì việc tăng trưởng 8% - 12% là có thể đạt được. Tuy vậy, cũng lưu ý rủi ro về khả năng cung ứng điện cho các công ty xuất khẩu trong bối cảnh Elino vẫn còn tiếp diễn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu và dòng vốn FDI.

Trong năm 2024, nhập khẩu được dự báo phục hồi, khiến cán cân thương mại không thặng dư lớn như năm 2023, dự kiến đạt 12 – 18 tỷ USD. Cầu tín dụng kém và thị trường bất động sản gặp khó khăn trong năm 2023 khiến cho tâm lý tiêu dùng và sức mua của người dân bị hạn chế. Với triển vọng kinh tế nội địa sáng hơn và thị trường bất động sản phục hồi nhẹ, nhập khẩu theo đó cũng phục hồi.

Cần lưu ý rằng, xuất nhập khẩu dịch vụ giảm bớt thâm hụt do dư địa phục hồi của ngành du lịch, đặc biệt là với nhóm khách du lịch Trung Quốc.

Dòng vốn FDI, kiều hối được dự báo tiếp tục ổn định và tăng trưởng trong năm 2024. Việc FED sẽ cắt giảm lãi suất trong thời gian tới kỳ vọng giúp thu hẹp chênh lệch lãi suất âm giữa USD và VND. Bên cạnh đó, triển vọng yếu đi của đồng USD, giúp giảm thiểu tâm lý găm giữ USD, đặc biệt từ các doanh nghiệp có doanh thu xuất khẩu, qua đó hỗ trợ lớn cho dòng ngoại tệ đến từ thương mại.

"Dòng vốn FDI và kiều hối tăng trưởng ổn định sẽ thúc đẩy dòng vốn FDI tiếp tục chảy vào Việt Nam và là nguồn cung ngoại tệ ổn định cho năm 2024", KBSV nhận định.

Chênh lệch lãi suất trên thị trường giảm không những giảm tình trạng găm giữ đầu cơ của các doanh nghiệp mà còn giảm bớt áp lực carry trade (giao dịch chênh lệch lãi suất) của hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, xu hướng giảm của DXY sẽ là yếu tố hỗ trợ rất lớn cho tỷ giá cuối năm 2024.

Thế Hoàng

Theo: Báo Công Thương