Dự báo thị trường tiền tệ nhiều tín hiệu tích cực

(Banker.vn) Những bước ngoặt trong điều hành chính sách tiền tệ tháng 5 giúp kiểm soát biến động tỷ giá và lãi suất được xem là tiền đề tốt cho thị trường tiền tệ tháng 6.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Thị trường tiền tệ, ngoại hối chịu nhiều áp lực Kênh đầu tư nào lên ngôi khi lãi suất và dòng tiền đảo chiều? Thị trường tiền tệ: Cẩn trọng với biến động tỷ giá

Kìm đà tăng tỷ giá, linh hoạt điều hành lãi suất

Tháng 5 đánh dấu bước chuyển về mặt chính sách tiền tệ với nhiều hành động từ phía Ngân hàng Nhà nước nhằm kiểm soát biến động tỷ giá, lãi suất và vàng. Tuy nhiên, mục tiêu tổng thể của các giải pháp này là nhằm chống lại áp lực mất giá đối với tiền đồng.

Những bước ngoặt trong điều hành chính sách tiền tệ tháng 5 giúp kiểm soát biến động tỷ giá và lãi suất được xem là tiền đề tốt cho thị trường tài chính tháng 6.

Dự báo thị trường tiền tệ nhiều tín hiệu tích cực
Những bước ngoặt trong điều hành chính sách tiền tệ tháng 5 giúp kiểm soát biến động tỷ giá và lãi suất được xem là tiền đề tốt cho thị trường tài chính tháng 6

Kìm cương đà tăng của tỷ giá nhằm hạn chế áp lực mất giá đối với tiền đồng, đồng thời điều hành chính sách lãi suất linh hoạt là những điểm sáng của thị trường tiền tệ tháng 5. Giới chuyên gia phân tích nhận định, đây là những yếu tố giúp cho thị trường tài chính tháng 6 và những tháng tiếp theo ổn định, tích cực hơn.

Thực tế, trong tháng 5, Ngân hàng nhà nước tiếp tục cân đối thanh khoản trên thị trường mở nhằm duy trì lãi suất liên ngân hàng ở mức cao. Để hạn chế đà tăng của tỷ giá trong tháng 5, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng khoảng 106.100 tỷ đồng qua kênh cầm cố và 25.500 tỷ đồng qua kênh tín phiếu, tổng quy khoảng 131.600 tỷ đồng. Đồng thời, trong vòng 1 tháng, Ngân hàng Nhà nước cũng bán ra khoảng 4,1 tỷ USD để kiềm chế đà mất giá của tiền đồng, tương đương 105.500 tỷ đồng. Việc điều tiết qua thị trường mở kết hợp với bán can thiệp USD vừa đủ để cân đối lại lượng bơm ròng khoảng 238,1 nghìn tỷ đồng trong tháng trước. Ngoài ra, một lượng tiền đồng cũng được hút về qua 9 phiên đấu thầu vàng nhưng không đáng kể (48,5 nghìn lượng, tương đương 4,3 nghìn tỷ đồng).

Điểm tình hình thị trường tiền tệ tháng qua cho thấy, lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng bình quân khoảng 4,3%/năm, tăng 28 điểm cơ bản so với tháng trước. Lãi suất cho vay kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần cũng tương ứng tăng 24-39 điểm cơ bản lên lần lượt là 4,52%/năm và 4,63%/năm. Trong khi đó, lãi suất các kỳ hạn dài hơn từ1 tháng đến 3 tháng ghi nhận mức tăng cao hơn, lần lượt là 54 điểm cơ bản và 70 điểm cơ bản lên 4,68%/năm và 5,08%/năm, phản ánh một phần kỳ vọng thị trường về xu hướng lãi suất trong tương lai gần. Diễn biến này cũng tương đồng với quyết định nâng lãi suất trên thị trường mở của Ngân hàng Nhà nước. Cụ thể, lãi suất cho vay ở kênh cầm cố và lãi suất kênh tín phiếu đã được NHNN điều chỉnh tăng 50 điểm cơ bản kể từ 24/04 đến nay lên lần lượt là 4,5%/năm và 4,25%/năm. Mức lãi suất cho vay trên thị trường mở như vậy đã ngang bằng với lãi suất cho vay tái cấp vốn Ngân hàng Nhà nước đang ấn định.

Đối với thị trường ngân hàng, trong khi các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước vẫn duy trì lãi suất huy động như một điểm neo về mặt chính sách thì lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đã nhích dần với mức tăng trung bình từ 15-33 điểm cơ bản ở tất cả các kỳ hạn, kỳ hạn ngắn 1-3 tháng ghi nhận mức thay đổi nhiều hơn so với kỳ hạn dài.

Nêu quan điểm về diễn biến lãi suất trên thị trường, trong Báo cáo vĩ mô vừa công bố, các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, xu hướng tăng lãi suất huy động có phần hạn chế, và chưa mở rộng sang các nhóm ngân hàng khác. Đồng thời, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của toàn hệ thống vẫn đang thấp hơn 20-46 điểm cơ bản so với đầu năm. “Lãi suất huy động trên thị trường 1 có thể tăng nhưng chúng tôi cho rằng mức tăng sẽ hạn chế. Kịch bản thuận lợi nhất là trở lại mặt bằng vào cuối năm 2023, và như vậy sẽ không quá ảnh hưởng đến triển vọng giảm lãi suất cho vay”- VDSC nhận định.

Dự báo thị trường tiền tệ “dễ thở” hơn

Áp lực tỷ giá áp và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã hạ nhiệt là yếu tố để giới phân tích và các ngân hàng thương mại có cùng quan điểm rằng thị trường tiền tệ trong tháng 6 và những tháng tiếp theo sẽ “dễ thở” hơn.

Cụ thể, lãi suất huy động đã chạm đáy khi ngày càng nhiều ngân hàng bắt đầu nâng lãi suất huy động tại một số kỳ hạn. Đáng chú ý, lãi suất huy động kỳ hạn ngắn (3 và 6 tháng) tăng mạnh hơn so với kỳ hạn dài. Ngân hàng nhà nước tiếp tục quản lý trạng thái thanh khoản thông qua kênh OMO, cân bằng giữa việc hỗ trợ tỷ giá và giữ lãi suất không tăng mạnh để hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Theo nhận định của Công ty Cổ phần chứng khoán VNDirect, tốc độ tăng của lãi suất huy động sẽ chậm rãi và kỳ vọng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng bình quân tăng khoảng 50 điểm cơ bản từ nay đến cuối năm và vẫn thấp hơn đáng kể so với mức trước đại dịch là 6,5-7,0%/năm.

Theo TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica, công cụ lãi suất được Ngân hàng Nhà nước điều hành rất hiệu quả trong thời gian vừa qua, và việc tăng lãi suất hay không còn phải cân nhắc nhiều yếu tố. Điều hành lãi suất phục vụ nhiều mục tiêu khác như góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp… Trong bối cảnh hiện nay, kinh tế vẫn còn khó khăn, việc tăng lãi suất cho vay có thể khiến quá trình phục hồi của doanh nghiệp bị chậm lại, tất nhiên ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng. Nhưng cũng khó có thể giảm thêm lãi suất huy động vì các ngân hàng thương còn phải đảm bảo lãi suất thực dương bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền cũng như giữ sức hấp dẫn nhất định của kênh tiết kiệm, ông Bình nhận xét.

Nhận định về tỷ giá, TS. Trương Văn Phước, chuyên gia kinh tế cho rằng, giá USD sẽ giảm từ nay đến năm 2027 và sẽ không có chuyện tỷ giá USD vượt 26.000 đồng. Nguyên nhân là bởi khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 7/2024. Việc cắt giảm lãi suất diễn ra vào tháng 7 hay tháng 9 tới thì USD vẫn trong xu hướng giảm giá. Do đó, Việt Nam không cần thiết phải nâng lãi suất để giữ ổn định tỷ giá. “USD sẽ giảm giá ít nhất từ nay đến năm 2027 và USD Index đi quanh ngưỡng 95-105 điểm, không còn tăng cao hơn nữa. Lãi suất của Fed sẽ giảm xuống mức 2,75-3% trong vòng 3 năm nữa. Theo đó, VNĐ nên mất giá ở mức độ xấp xỉ với tốc độ lạm phát. Theo đó, mặt bằng lãi suất cần xoay quanh mức CPI cộng với biên độ khoảng 3-4%”, TS. Trương Văn Phước nêu quan điểm.

Cũng liên quan tới vấn đề tỷ giá, ông Nguyễn Bá Huy, CFA - Giám đốc Đầu tư Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) dự báo: Rủi ro tỷ giá sẽ giảm thiểu sau các bước can thiệp hợp lý vừa rồi của Ngân hàng Nhà nước. Dù sẽ vẫn có thể xuất hiện đâu đó những áp lực nhất định lên tỷ giá do sự trì hoãn hạ lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và nhu cầu nhập khẩu gia tăng nhưng điều quan trọng hơn là Fed và các Ngân hàng trung ương đã ở cuối chu kỳ tăng lãi suất.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2024, giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ. Chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện hiệu quả các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp; phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay 1 - 2%...

Thùy Linh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục