Dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng mức 6,5% trong năm 2022

(Banker.vn) Tại buổi họp báo trực tuyến vừa diễn ra, các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, kinh tế Việt Nam tăng trưởng được dự báo ở mức 3,8% trong năm nay và 6,5% trong năm 2022.

Theo các chuyên gia ADB, tăng trưởng GDP tại Việt Nam đã phục hồi trong nửa đầu năm 2021, được hỗ trợ phần lớn bởi mở rộng thương mại. Nhưng đợt bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19 trong tháng 4 đã thắt chặt nguồn cung lao động, hạ thấp sản lượng công nghiệp và làm gián đoạn chuỗi giá trị nông nghiệp. Do vậy, tăng trưởng được dự báo ở mức 3,8% trong năm nay và 6,5% trong năm 2022, cả hai dự báo này đều thấp hơn dự báo trong báo cáo ADO (Cập nhật Triển vọng Phát triển Châu Á) năm 2021 mà ADB đã đưa ra trước đó.

Cũng theo ADB, lạm phát tại Việt Nam sẽ được kiềm chế trong năm 2021 và 2022, với tỉ lệ thấp hơn các tỉ lệ dự báo trước đó. Tài khoản vãng lai dự kiến sẽ xấu đi, dẫn đến tình trạng thâm hụt trong năm nay so với dự báo là sẽ thặng dư trong báo cáo ADO 2021 và sẽ trở lại thặng dư vào năm 2022, mặc dù thặng dư thấp hơn so với dự kiến trước đó.

Các chuyên gia ADB cũng cung cấp thêm các số liệu cho thấy, nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2021, với tốc độ tăng trưởng GDP tăng tốc từ mức 1,8% trong nửa đầu năm ngoái lên 5,6%. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn mức tăng trưởng 6,8% trước đại dịch trong nửa đầu năm 2019.

Nhu cầu xuất khẩu mạnh đã thúc đẩy tăng trưởng nông, lâm và thủy sản từ 1,2% trong nửa đầu năm 2020 và 2,3% trong cùng kỳ năm 2019 lên 3,8%. Sản lượng này đóng góp 0,4 điểm phần trăm vào tăng trưởng nửa đầu năm. Tăng trưởng công nghiệp nửa đầu năm tăng hơn gấp đôi lên mức 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ thấp hơn mức 8,9% trong cùng kỳ năm 2019, đóng góp 3,0 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP.

Dịch vụ tăng 4,0% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn thấp hơn mức 6,7% trong nửa đầu năm 2019 do lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giảm 97,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đóng góp của dịch vụ vào tăng trưởng GDP giảm xuống còn 1,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự lây lan của COVID-19 và một đợt giãn cách xã hội kéo dài kể từ tháng 6 đã làm giảm sự phục hồi. Giãn cách xã hội nghiêm ngặt ở miền Nam và Hà Nội cùng các khu vực công nghiệp lân cận, vốn là những nơi đóng góp gần 50% GDP của cả nước, đã kéo chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 8 giảm 4,2% so với tháng trước đó và 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số này trong 8 tháng đầu năm 2021 tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức 9,5% của cùng kỳ năm 2019.

Làn sóng đại dịch thứ tư của Việt Nam tấn công mạnh đến các doanh nghiệp và thị trường lao động. Trong 8 tháng đầu năm 2021, gần 85.500 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, cao hơn 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc phong tỏa và hạn chế đi lại nghiêm ngặt đã gián đoạn sự dịch chuyển lao động và cản trở sản xuất.

Hậu quả là 12,8 triệu người bị mất việc làm hoặc bị giảm thu nhập. Tỉ lệ thất nghiệp gia tăng và thu nhập giảm sút đã làm giảm tốc độ tăng trưởng tiêu dùng cá nhân xuống 3,6% trong nửa đầu năm 2021, chỉ tăng 0,2% so với nửa đầu năm 2020 và bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2019. Tăng trưởng tiêu dùng khu vực công cũng giảm một nửa, còn 3,2%, do Chính phủ cũng cắt giảm chi thường xuyên.

Trong tháng 8 năm 2021, doanh thu bán buôn và bán lẻ giảm 34,9% so với cùng kỳ năm ngoái do ảnh hưởng của giãn cách xã hội. Các nhà máy đóng cửa và sự gián đoạn dịch chuyển lao động đã hạn chế đầu tư trong và ngoài nước. Trong nửa đầu năm nay, tổng đầu tư tăng 5,7% so với cùng kỳ từ mức 1,9% trong nửa đầu năm 2020, nhưng con số này vẫn thấp hơn mức tăng trưởng 7,1% trong nửa đầu năm 2019.

Tăng trưởng đầu tư bị đình trệ trong tháng 8. Đầu tư từ ngân sách nhà nước giảm 7,1% so với tháng trước đó và giảm 24,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Giải ngân vốn đầu tư nước ngoài cũng có dấu hiệu chậm lại, với mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái giảm từ 6,8% trong tháng 6 xuống còn 2,0% trong tháng 8.

Lạm phát trong tháng 8 cao hơn 0,25% so với tháng 7 do giá nhiên liệu tăng và nguồn cung lương thực bị gián đoạn đã tạm thời làm tăng giá lương thực, thực phẩm. Tỷ lệ lạm phát ở mức 1,5% trong nửa đầu năm và 1,8% trong 8 tháng đầu năm, với thu nhập giảm sút, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, chi đầu tư công giảm và khả năng đi lại bị hạn chế làm giảm sức cầu. Tỷ giá hối đoái giữa tiền đồng và đô la Mỹ tương đối ổn định trong 8 tháng đầu năm, cho dù đồng nội tệ có xu hướng tăng nhẹ.

Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ mở rộng, với lãi suất chính sách không thay đổi kể từ tháng 10 năm 2020. Các ngân hàng thương mại mở rộng tái cơ cấu nợ, miễn lãi suất cho các khoản vay hiện có, giảm lãi suất và cung cấp các khoản vay ưu đãi mới cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Tổng phương tiện thanh toán (M2) trong nửa đầu năm 2021 tăng thêm 13,3% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng nhẹ so với mức tăng 12,8% của cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, điều này đã thúc đẩy tín dụng, ước tính tăng trong tháng 8 là 14,9% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức 7,9% của năm trước đó.

Doanh thu thuế thương mại và thuế sử dụng đất tăng đã làm tăng thu của Chính phủ trong 8 tháng đầu năm, ước tính cao hơn khoảng 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi tiêu giảm 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái chủ yếu do giải ngân vốn đầu tư công chậm và việc cắt giảm chi thường xuyên.

Ngân sách đạt mức thặng dư ước tính tương đương 1,3% GDP năm 2020 trong 8 tháng đầu năm. Tuy nhiên, áp lực ngân sách đã tăng lên vào tháng 8, do tác động của việc gia tăng tình trạng doanh nghiệp rút khỏi kinh doanh, tỉ lệ thất nghiệp và giãn thuế, đã kéo thu ngân sách giảm 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái và chi tiêu cho việc kiềm chế COVID-19 tăng 90%.

Xuất khẩu hàng hóa tăng 29,0% trong nửa đầu năm 2021 và nhập khẩu tăng 36,2%, thu hẹp thặng dư thương mại hàng hóa từ 9,3% trong nửa đầu năm 2020 xuống tương đương 3,2% GDP. Cùng với nguồn thu ròng từ dịch vụ giảm, các diễn biến này khiến cán cân vãng lai thâm hụt 2,3% GDP từ mức thặng dư 2,5% trong nửa đầu năm 2020. Thâm hụt gia tăng trong 8 tháng đầu năm do xuất khẩu giảm so với nhập khẩu trong 4 tháng liên tiếp bắt đầu từ tháng 5.

Với lãi suất vẫn ở mức thấp, dòng vốn ròng được duy trì trong nửa đầu năm 2021, góp phần đưa cán cân thanh toán tổng thể thặng dư ước tính khoảng 2,9% GDP. Dự trữ ngoại hối cuối tháng 6 ước tính đạt 3,9 tháng nhập khẩu, giảm so với mức 4,2 tháng vào cuối năm 2020.

Ông Andrew: "ADB vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong trung và dài hạn". Dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam có thể đạt mức 6,5%. Tăng trưởng có thể được hỗ trợ bởi 4 yếu tố: Sự phục hồi của cầu nội địa, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, mở rộng hoạt động sang các thị trường xuất khẩu mới do các hiệp định thương mại mang lại, và sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng trong ngắn hạn có nhiều thách thức. Rủi ro chính là đại dịch kéo dài, đặc biệt nếu tỷ lệ tiêm chủng trên toàn quốc không tăng đáng kể. Tăng trưởng cũng phụ thuộc vào việc Chính phủ kịp thời cung cấp các mặt hàng thiết yếu, như thực phẩm và tiền mặt, cho các nhóm dân cư dễ bị tổn thương đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

"Việt Nam có thể hưởng lợi từ việc loại bỏ các rào cản hành chính đối với doanh nghiệp và người dân, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả của các biện pháp kiểm soát đại dịch và hỗ trợ sự phục hồi bền vững của nền kinh tế trong năm nay và năm tới"- ADB nhấn mạnh.

Thu Uyên (Tổng hợp)

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục