Dự báo kết quả kinh doanh các nhóm ngành trong quý 4/2022

(Banker.vn) Bức tranh tài chính của các doanh nghiệp niêm yết quý 3/2022 khép lại với nhiều gam màu tươi sáng. Bên cạnh đó, cũng có một vài nhóm ngành ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh trước nhiều áp lực của lạm phát thế giới và động thái tăng lãi suất. Xu hướng vận động của một số nhóm ngành trong quý 4/2022 được dự báo ra sao?

Nhiều nhóm ngành ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc trong quý 3/2022

Theo báo cáo cập nhật của Chứng khoán An Bình (ABS), kết quả kinh doanh quý 3/2022 khởi sắc ở nhiều nhóm ngành. Cụ thể, các nhóm ngành có mức tăng trưởng lợi nhuận vượt trội nhất là Ô tô và phục tùng (626%), Du lịch và giải trí (411%), Thực phẩm đồ uống và Dịch vụ công nghiệp (360%), Bán lẻ (195%). Đây là những ngành phục hồi mạnh mẽ từ mức nền thấp của dịch Covid.

Dự báo kết quả kinh doanh các nhóm ngành trong quý 4/2022

Nhiều nhóm ngành ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc trong quý 3/2022. Hình minh họa

Bên cạnh đó, nhóm Ngân hàng và Bất động sản cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng khá mạnh. Cụ thể, nhóm Ngân hàng tăng trưởng mạnh 55,3% so với cùng kỳ, tuy nhiên có dấu hiệu chậm lại so với quý 2 do chi phí đầu vào tăng mạnh cùng với mức room tín dụng không còn nhiều đã kìm hãm đà tăng trưởng của ngành.

Đối với nhóm bất động sản hiện mới chỉ có 53/130 doanh nghiệp có báo cáo. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh tích cực từ các doanh nghiệp đầu ngành đã giúp cho nhóm ngành có mức vốn hóa cao nhất thị trường ghi nhận mức tăng trưởng LNST đạt 30,6% so với cùng kỳ. Trong đó, VHM trong quý 3 có lãi chuyển nhượng các khoản đầu tư lên tới 8,9 nghìn tỷ đồng và KBC ghi nhận khoản lãi gần 2 nghìn tỷ đồng nhờ ghi nhận giao dịch mua rẻ Công ty Sài Gòn - Đà Nẵng.

Tính chung 2 khoản lãi này chiếm 50% lãi của nhóm ngành. Bên cạnh các doanh nghiệp lớn, điểm sáng của BĐS là IDC - ghi nhận lãi ròng 422 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ. Doanh thu của IDC tới chủ yếu từ Khu công nghiệp Phú Mỹ 2, Phú Mỹ 2 mở rộng, Hựu Thạnh và Mỹ Xuân B1- CONAC. Tuy nhiên, ABS nhấn mạnh vấn đề về dòng tiền và cầu chậm (do lãi suất tăng cao) sẽ tiếp tục là thử thách cho ngành trong thời gian tới.

Về nhóm bán lẻ, tăng trưởng tốt từ nền thấp năm 2021, lợi nhuận sau thuế của MWG tăng 15,4%, FRT tăng 80,5%, DGW tăng 68,1%, PET (+48,9%) so với cùng kỳ. Tuy nhiên luỹ kế 9 tháng, MWG chỉ tăng 4,3% lợi nhuận sau thuế (sau khi hoàn thành hạch toán chi phí 1 lần tái cơ cấu BHX và cắt giảm mạnh chi phí hoạt động) và PET chỉ tăng 8% (do dự phòng chứng khoán lên tới 126 tỷ đồng, lũy kế mức lỗ 48% so với giá trị đầu tư).

Dự báo kết quả kinh doanh các nhóm ngành trong quý 4/2022

Bên cạnh những nhóm tăng trưởng mạnh, thống kê của ABS cho thấy vẫn có nhiều nhóm ngành ghi nhận tăng trưởng âm trong quý 3.

Điển hình là nhóm dầu khí khi ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh. Nguyên nhân chủ yếu đến từ các doanh nghiệp phân phối khí ghi nhận biên lợi nhuận gộp giảm sút và chi phí bán hàng tăng cao (như PLX, OIL). Ngoài ra, áp lực tỷ giá tăng cũng khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp dầu khí bị thu hẹp đáng kể.

Bên cạnh đó, nhóm tài nguyên cơ bản giảm 124,7% do ngành thép tiếp tục ghi nhận LNST giảm mạnh 127% so với cùng kỳ. Điều này tới từ hoạt động kinh doanh sụt giảm của HPG và NKG.

Đối với nhóm vụ tài chính, kết quả kinh doanh quý 3 của hầu hết các doanh nghiệp ghi nhận sụt giảm so với cùng kỳ năm 2021 (-68,9%) và sụt giảm so với quý trước (-78,8%) do thị trường chứng khoán có đợt giảm điểm mạnh vừa qua, thanh khoản thị trường ở mức thấp.

Trái ngược với suy nghĩ nhóm bảo hiểm sẽ được hưởng lợi từ việc tăng giá của lãi suất, hầu hết các doanh nghiệp đều ghi nhận lợi nhuận sụt giảm trừ BMI, MIG, BLI. Nguyên nhân chủ yếu tới từ chi phí bồi thường tăng

Xu hướng vận động của một số nhóm ngành trong quý 4/2022

ABS cũng dự báo xu hướng của một số ngành trong quý 4/2022. Cụ thể, ABS cho rằng những nhóm ngành hoá chất, bán lẻ, điện, nước, công nghệ thông tin sẽ duy trì hoạt động kinh doanh ổn định. Ngược lại, một số nhóm liên quan đến xuất khẩu, bất động sản, ngân hàng sẽ chịu áp lực từ nhiều yếu tố.

Ngành xuất khẩu (dệt may, thuỷ sản, gỗ,...), ABS cho rằng nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu giảm do áp lực của lạm phát sẽ tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh của nhóm này trong cuối năm.

Nhóm ngành trong chuỗi bất động sản (xi măng, sắt thép, bất động sản,...): Ngoài chịu tác động của việc tổng cầu giảm do lãi suất tăng, áp lực về dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của nhóm này.

Đối với nhóm ngân hàng, ABS cho rằng room tín dụng cạn kiệt, chi phí đầu vào tăng sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh có thể không bị tác động nhiều do ngân hàng chuyển giao cho người đi vay. Vấn đề cần lưu tâm là chất lượng tín dụng của các ngân hàng.

Ngành dầu khí, áp lực tỷ giá, lãi suất và mục tiêu kiểm soát lạm phát vẫn là những gánh nặng của ngành.

Ngành hoá chất, đỉnh lợi nhuận đã qua tuy nhiên việc tích luỹ được lượng tiền mặt lớn là lợi thế của nhóm ngành này trong thời kỳ “Cash is king”.

Ngành bán lẻ, lợi nhuận kỳ vọng duy trì hoặc không giảm quá sâu từ nền cao của quý 4/2021 nhờ các dịp mua sắm cuối năm.

Các ngành phòng thủ như điện nước, hậu cần hay công nghệ thông tin dự báo sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh ổn định trong quý 4.

Quỳnh Nga

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán