Dự báo giá vàng ngày 23/5/2024: Giá vàng giảm mạnh sau các chỉ đạo quyết liệt?

(Banker.vn) Dự báo giá vàng ngày 23/5/2024, giá vàng trong nước tăng hay giảm?. Phiên đấu giá vàng lần thứ 9 sẽ được tổ chức vào ngày mai, nhà đầu tư kỳ vọng giá vàng giảm.
Dự báo giá vàng ngày 18/5/2024: Giá vàng SJC, vàng nhẫn tăng sốc? Dự báo giá vàng ngày 19/5/2024: Giá vàng SJC, vàng nhẫn tăng dữ dội? Dự báo giá vàng ngày 20/5/2024: Giá vàng SJC, giá vàng nhẫn đồng loạt tăng mạnh? Dự báo giá vàng ngày 21/5/2024: Giá vàng SJC, giá vàng trong nước tăng mạnh sau phiên đấu thầu? Dự báo giá vàng ngày 22/5/2024: Giá vàng giảm mạnh, cần thận trọng mua vàng đầu tư?

Hôm nay 22/5/2024, giá vàng SJC trong nước "bất động" so với thời điểm mở cửa phiên giao dịch buổi sáng.

Đóng cửa phiên giao dịch, Công ty TNHH MTV Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn - SJC niêm yết giá vàng SJC ở mức 89,9 triệu đồng/lượng mua vào và 90,9 triệu đồng/lượng bán ra. Giá vàng SJC tại đơn vị này giữ nguyên giá so với thời điểm mở cửa phiên giao dịch sáng cùng ngày.

Tại thương hiệu Bảo Tín Minh Châu, thời điểm 8h56 ngày 22/5/2024, giá vàng SJC giao dịch tại mốc 88,7 - 90,4 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.

Trong khoảng thời gian từ 8h57 đến 15h25, giá vàng SJC tại thương hiệu này giao dịch quanh mức 88,95 - 90,5 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tăng 250.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 100.000 đồng/lượng chiều bán ra.

Đối với thị trường vàng nhẫn, đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/5/2024, giá vàng nhẫn tại Bảo Tín Minh Châu niêm yết quanh mức 76,12 - 77,62 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.

Dự báo giá vàng ngày 23/5/2024:
Giá vàng trong nước sẽ hạ nhiệt sau khi cơ quan quản lý tăng nguồn cung vàng miếng?

Tại thị trường trong nước, hôm nay 22/5/2024 giá vàng tăng mạnh vào thời điểm buổi sáng rồi chững lại. Thị trường vàng đang đón chờ những kết quả của phiên đấu thầu vàng miếng SJC lần thứ 9 vào ngày mai 23/5/2024 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức.

Từ 19/4/2024 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 8 phiên trong đó 5 phiên đấu thầu thành công với tổng số vàng đưa ra thị trường là 35.100 lượng vàng. Việc tổ chức các phiên đấu thầu vàng nhằm bình ổn thị trường vàng trong nước và thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và trên thế giới. Theo lịch trình dự kiến, ngày mai 23/5/2024, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chào bán 16.800 lượng vàng miếng nhằm tăng cung cho thị trường.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, giá vàng trong nước sẽ hạ nhiệt sau khi cơ quan quản lý tăng nguồn cung vàng miếng. Dù vậy, đà giảm của vàng SJC sẽ có độ trễ nhất định do giá vàng thế giới gần đây tăng mạnh và duy trì ở mức cao.

Ngoài việc tổ chức các phiên đấu thầu vàng, Ngân hàng Nhà nước đang cùng Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương lập đoàn thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vàng. Thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1/2020 đến ngày 15/5/2024, khi cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ nêu trên.

Trong khi đó, trên thị trường thế giới, thời điểm cuối giờ chiều nay giá vàng giao ngay giảm 5,2 USD xuống 2.420,7 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 2.425,2 USD/ounce, giảm 4,9 USD so với rạng sáng qua.

Trong ngày 21/5 (giờ Mỹ), vàng chịu áp lực chốt lời sau khi kim loại quý này chạm mốc cao nhất mọi thời đại vào đầu tuần này. Mặc dù vậy, kim loại quý này vẫn duy trì vững chắc trên mức 2.400 USD/ounce.

Giá vàng thế giới ngày 22/5 có biến động lên, xuống tại từng thời điểm trong ngày. Gần đây, một số quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tiếp đưa ra quan điểm sẽ không vội bắt đầu chu kỳ nới lỏng được nhiều người mong đợi. Tuy nhiên, vàng đang đón nhận các thông tin một cách rất tích cực và không mấy phản ứng với quan điểm được đánh giá là ít ôn hòa này.

Trong bài phát biểu khai mạc tại một sự kiện trực tuyến do Viện Peterson tổ chức, Thống đốc Fed Christopher Wall nói rằng, chính sách tiền tệ hạn chế của Ngân hàng Trung ương Mỹ đang hạ nhiệt nền kinh tế và lạm phát, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Ông nhấn mạnh phải xem xét tất cả các dữ liệu trước khi đưa ra quyết định có nới lỏng chính sách tiền tệ hay không. Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta Raphael Bostic cũng đưa ra quan điểm tương tự và nhấn mạnh cần phải đợi để chắc chắn lạm phát trở lại mốc mục tiêu 2% trước khi xoay trục chính sách.

Các nhà phân tích cho rằng, sở dĩ vàng không mấy biến động sau quan điểm của các quan chức Fed là vì chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Mỹ tác động thứ yếu đến hướng đi của vàng. Hiện tại, giới đầu tư vẫn đang lo ngại về lạm phát và bất ổn kinh tế và điều đó khiến họ đổ xô vào kim loại quý này để phòng ngừa rủi ro.

Mặc dù lạc quan vàng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, nhưng hầu hết đều không chắc chắn thời điểm vàng sẽ chạm mốc 3.000 USD/ounce. Động lực có thể đưa vàng lên mức đó là Fed nới lỏng chính sách tiền tệ.

Hoàng Giang

Theo: Báo Công Thương