Bất ổn địa chính trị, rủi ro lạm phát và xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ trên toàn cầu cân bằng thế nào với đà phục hồi hậu COVID-19? Đây là câu hỏi đang đặt ra với các nhà giao dịch chứng khoán - kênh đầu tư gắn liền với các dịch chuyển trong và ngoài nước. Để đánh giá các yếu tố tác động này, Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa công bố một báo cáo chi tiết.
Báo cáo phân tích, nền kinh tế Việt Nam đang dần lấy được đà phục hồi tích cực trong bối cảnh lạm phát gia tăng, siết chặt chính sách tiền tệ tại nhiều quốc gia trên thế giới và căng thẳng Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn. Các biến động trên thị trường thế giới gần đây cũng là cơ hội để Việt Nam củng cố nội lực, thu hút đầu tư trong xu thế toàn cầu hóa kiểu mới hậu COVID-19.
Với vai trò là kênh huy động vốn quan trọng cho cho Chính phủ, doanh nghiệp và là kênh đầu tư hấp dẫn đối với nhà đầu tư, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang là tâm điểm dành được sự quan tâm chú ý của cộng đồng. Hàng loạt giải pháp liên quan đến thanh kiểm tra và bình ổn thị trường của Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được nhà đầu tư đón nhận một cách tích cực nhờ tính thiết thực, giải quyết nhiều nút thắt, đóng góp cho tính bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Dự báo diễn biến thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm
Đối mặt với nhiều diễn biến phức tạp trong và ngoài nước, VN-Index đã điều chỉnh giảm khá sâu trong 5 tháng đầu năm. Từ mức đỉnh hơn 1.500 điểm xác lập trong tháng 1, VN-Index có thời điểm giảm mạnh về mức dưới 1.200 điểm và có nhịp hồi phục khá tích cực vào 2 tuần cuối của tháng 5.
Thị trường đã xuất hiện những quan điểm thận trọng về triển vọng tăng trưởng. Chỉ có khoảng 31% số chuyên gia và doanh nghiệp đại chúng tham gia khảo sát do Vietnam Report thực hiện trong tháng 5/2022 cho rằng thị trường sẽ tiếp tục sôi động và diễn biến tích cực. Phần lớn cho rằng thị trường sẽ có nhiều biến động và những cú sốc mới hoặc diễn biến trầm lắng, thanh khoản cầm chừng, theo đó, tăng trưởng VN-Index cuối năm 2022 sẽ ở mức dưới 10%.
Mặc dù thị trường đang trong giai đoạn điều chỉnh bởi tâm lý thận trọng của nhà đầu tư, nhiều chuyên gia đều cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các yếu tố nền tảng của kinh tế vĩ mô và các yếu tố nội tại của thị trường.
Triển vọng phục hồi kinh tế của Việt Nam rất rõ ràng và tích cực. Việt Nam tăng 30 bậc trong bảng xếp hạng chỉ số phục hồi COVID-19 theo đánh giá của Nikkei Asia. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất được ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch, Moody's, S&P đánh giá tích cực trong bối cảnh lạm phát, siết chặt chính sách tiền tệ của nhiều quốc gia trên thế giới và căng thẳng Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn.
Bên cạnh đó, Việt Nam có lợi thế thu hút dịch chuyển đầu tư sản xuất khi là cầu nối kinh tế giữa 2 khu vực đông dân và năng động Trung Quốc và Đông Nam Á, cùng với hàng loạt hiệp định thương mại tự do được ký trong nhiều năm qua. Theo đánh giá của Dragon Capital, nếu duy trì được lợi thế này, mức tăng trưởng GDP đều đặn hàng năm từ 6,5-7%/năm là kịch bản khả quan trong vài năm tới.
Thêm vào đó, dự trữ ngoại hối dồi dào (110 tỷ USD) giúp NHNN có nhiều dư địa để duy trì chính sách ổn định tỷ giá trong bối cảnh lạm phát toàn cầu đang có xu hướng gia tăng. Đây đều là những nhân tố quyết định đến thu hút dòng vốn FDI trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động.
Lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng nhờ nhu cầu trong nước và quốc tế hồi phục là động lực trọng yếu của thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo Bloomberg, các bên dự báo tăng trưởng EPS năm 2022 của VN-Index là 25% so với năm 2021 và dự báo của Yuanta Việt Nam là 21%. Như vậy, các doanh nghiệp niêm yết có thể lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2022 với mức tăng trưởng nền thấp trong năm 2021.
Thanh Tùng
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|