Dự án Luật Đường bộ: Có nên dùng gầm cầu cạn để trông giữ xe?

(Banker.vn) Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng vừa ký tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội về Dự án Luật Đường bộ.
Bộ Giao thông vận tải đề xuất cho cơ sở bảo dưỡng chính hãng được đăng kiểm ô tô Bộ Giao thông Vận tải xử lý nghiêm vi phạm về vận chuyển hàng lậu, gian lận thương mại Bộ Giao thông Vận tải: Chưa đủ cơ sở xem xét giảm giá dịch vụ cất hạ cánh chuyến bay nội địa

Đây là dự án luật được tách từ Luật Giao thông đường bộ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV (10/2020). Trong quá trình thảo luận, do còn nhiều ý kiến khác nhau, nên Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện.

Băn khoăn việc dùng gầm cầu cạn để trông, giữ xe

So với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo luật đã chuyển 2 chương sang Dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ (đó là chương: Quy tắc giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ), giữ nguyên 1 điều; sửa đổi 40 điều; bổ sung mới 54 điều.

Dự án Luật Đường bộ: Có nên dùng gầm cầu cạn để trông giữ xe?
Sử dụng gầm cầu cạn trông giữ xe (Ảnh minh họa)

Tại tờ trình, Chính phủ cho biết, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp 10, dự thảo luật đã chỉnh lý và hoàn thiện 3 nhóm chính sách, gồm: Khung pháp lý về kết cấu hạ tầng giao thông, đường bộ; khung pháp lý với phương tiện giao thông đường bộ; khung pháp lý trong hoạt động vận tải đường bộ.

Điểm đáng chú ý so với luật hiện hành, dự thảo Luật Đường bộ đã bổ sung quy định về việc sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện giao thông. Quy định này nhằm giải quyết nhu cầu giao thông tĩnh của các đô thị lớn, nâng cao hiệu quả của việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng chỉ rõ việc sử dụng tạm thời gầm cầu cạn chỉ được thực hiện trong trường hợp cầu đáp ứng yêu cầu, điều kiện kỹ thuật, không quá thời hạn tuổi thọ khai thác.

Việc này cũng phải bảo đảm các điều kiện như: Bảo đảm an toàn công trình đường bộ, an toàn giao thông; có thiết kế tổ chức giao thông đấu nối nơi trông giữ xe với đường bộ trong khu vực; được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận về biện pháp phòng cháy chữa cháy, đồng thời phải lấy ý kiến của cơ quan công an trước khi chấp thuận việc sử dụng tạm thời gầm cầu.

Ngoài ra, Chính phủ quy định không sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện giao thông đường bộ chở nhiên liệu, chất dễ gây cháy, nổ, hóa chất ăn mòn kim loại, các chất nguy hiểm khác và các phương tiện quá niên hạn sử dụng.

Về nội dung mới này, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị quy định chặt chẽ theo hướng hạn chế tối đa việc sử dụng gầm cầu cạn, tránh lạm dụng. Cơ quan này đồng thời đề nghị cần có chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng điểm dừng, đỗ, trông, giữ phương tiện giao thông đường bộ.

Trong khi đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị bỏ quy định này vì việc sử dụng cần đúng mục đích, đúng công năng, bảo đảm an toàn cho công trình cầu cạn.

Tiếp thu những ý kiến này, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an rà soát, chỉnh lý Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ để đảm bảo thống nhất, không chồng chéo.

Đồng thời, Chính phủ bổ sung quy định về chính sách ưu tiên sử dụng đất đầu tư xây dựng điểm dừng, đỗ, trông, giữ, trạm sạc điện phương tiện giao thông đường bộ trong đô thị tại dự thảo Luật Đường bộ.

Quy định rõ hoạt động kinh doanh vận tải

Một điểm mới nữa tại dự thảo luật đó là quy định rõ hoạt động kinh doanh vận tải và hoạt động vận tải nội bộ để có những điều tiết phù hợp, đảm bảo công bằng, minh bạch, an toàn trong hoạt động vận tải đường bộ.

Theo đó, dự thảo luật quy định kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc tổ chức, cá nhân điều hành phương tiện và lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải để thực hiện hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.

Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, gồm kinh doanh vận tải hành khách và kinh doanh vận tải hàng hoá.

Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, gồm: Kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt (có tuyến xe buýt kết nối sân bay), kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và loại hình kinh doanh vận tải hành khách mới.

Dự thảo luật giao Chính phủ quy định cụ thể về loại hình kinh doanh vận tải; điều kiện kinh doanh, trình tự, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; tổ chức hoạt động và trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động vận tải nội bộ.

Theo phân tích của Chính phủ, quy định như vậy, sẽ khắc phục được hạn chế của luật hiện hành và sẽ tạo thuận lợi cho Chính phủ trong điều tiết các điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô để phù hợp với nhu cầu quản lý và phát triển trong từng thời kỳ nhất định.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cho rằng, với quy định như dự thảo dẫn đến một số tổ chức, cá nhân sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ kết nối giữa tổ chức, cá nhân vận chuyển với hành khách sẽ bị xếp vào loại hình hoạt động kinh doanh vận tải.

Cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của từng chủ thể, trên cơ sở đó quy định cụ thể hơn trong dự thảo luật phù hợp với công tác quản lý, tình hình thực tiễn và chủ trương của Đảng về phát triển công nghệ thông tin.

Nguyễn Nga

Theo: Báo Công Thương