Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) thể hiện quyết tâm, trách nhiệm của các cơ quan soạn thảo

(Banker.vn) Đại biểu Nguyễn Văn Cường - Đoàn TP. Hà Nội đánh giá, dự án Luật Đất đai sửa đổi về cơ bản có thể thông qua được nhưng một số điểm cần phải điều chỉnh.
Quốc hội "chốt" chưa thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Đất đai (sửa đổi) tại phiên họp thứ 29 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Quy định cụ thể các phương pháp định giá đất

Theo đó, Kỳ họp bất thường thứ 5, Quốc hội khóa XV đã được khai mạc vào sáng 15/1, ngay sau phiên khai mạc, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung mới hoặc vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều đại biểu đề nghị làm rõ một số nội dung tại dự thảo Luật như: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, điều kiện thực hiện dự án nhà ở thương mại và thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số...

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) thể hiện quyết tâm, trách nhiệm của các cơ quan soạn thảo
Toàn cảnh phiên họp sáng ngày 15/1 (Ảnh: VPQH)

Chia sẻ tại hành lang Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường - đoàn TP. Hà Nội thông tin: Sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, dự thảo Luật đất đai còn rất nhiều phương án đưa ra để lựa chọn là 2 hoặc 3 phương án. Nhưng chỉ sau thời gian rất ngắn, tại dự thảo mới lần này, gần như những vấn đề đưa ra trước đây còn có quan điểm khác nhau đã được thống nhất. Điều đó chứng tỏ có sự tiếp thu, chắt lọc; thể hiện sự thống nhất rất cao giữa cơ quan soạn thảo, cơ quan trình chính phủ với cơ quan thẩm tra là Quốc hội.

Đại biểu Hoàng Văn Cường đánh giá rất cao quy định tại Điều 91 về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và Điều 110 về các dự án hỗ trợ, tái định cư, nó đã thể hiện khá rõ yêu cầu của Nghị quyết 18 là việc bồi thường, hỗ trợ phải đảm bảo cho người dân có đất thu hồi có điều kiện chỗ ở và cuộc sống tốt hơn...

Đại biểu cho rằng, dự án Luật về cơ bản có thể thông qua được nhưng một số điểm cần phải điều chỉnh.

Đại biểu Quốc hội còn băn khoăn về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
Đại biểu Hoàng Văn Cường chia sẻ thông tin tại hành lang Quốc hội (Ảnh: Thu Hường)

Ví dụ, quy định về Nghị quyết 18 nhấn mạnh chủ yếu giao đất phải thông qua đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu. Hiện nay, trong Luật chúng ta quy định của Hội đồng nhân dân các địa phương là đưa ra các tiêu chí dự án nào phải đấu giá đấu thầu, để điều tiết lợi ích, lợi tô và tạo môi trường cạnh tranh. Tuy nhiên dự án đó phải do nhà nước thu hồi; Điều kiện thu hồi đất phải bổ sung thêm.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) thể hiện quyết tâm, trách nhiệm của các cơ quan soạn thảo
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân góp ý tại phiên thảo luận ở hội trường (Ảnh: VPQH)

Tại hội trường đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - đoàn Bình Dương đã cơ bản đồng ý với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được chỉnh sửa lần này. Tuy nhiên về điều kiện thực hiện dự án nhà ở thương mại và thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại điểm b, khoản 3, Điều 122 và điểm b, khoản 1, Điều 127. Đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm trường hợp đất khác nếu phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt, kiến nghị Quốc hội xem xét kỹ lưỡng, biểu quyết riêng điều khoản này hoặc giao Chính phủ thực hiện thí điểm trong 5 năm, sau đó tổng kết báo cáo Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội còn băn khoăn về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân- đoàn Bình Dương

Ngoài ra, đại biểu kiến nghị cần sớm sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật về thuế, tài chính để điều tiết hài hòa lợi ích từ việc cho chuyển mục đích sử dụng đất khác sang đất ở để thực hiện dự án nhà ở thương mại cho 3 nhóm đối tượng là: Người đang sử dụng đất, nhà đầu tư và Nhà nước để Nhà nước phân phối lại lợi ích tương xứng cho chính người sử dụng đất đó và đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Góp ý tại hội trường, đại biểu Phạm Văn Thịnh – đoàn Bắc Giang cho biết: Điều 28, điểm c, khoản 1 quy định: Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao. Theo Luật Đầu tư năm 2020, khoản 22, Điều 3 quy định: Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là cổ đông hoặc thành viên.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) thể hiện quyết tâm, trách nhiệm của các cơ quan soạn thảo
Đại biểu Phạm Văn Thịnh góp ý tại hội trường (Ảnh:VPQH)

Như vậy, nếu theo dự thảo Luật thì việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngoài khu, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao của các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài sẽ không được thực hiện. Ngoài ra, quy định tại điểm c cũng chưa logic với điểm d và h khi cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất hoặc vốn đầu tư là giá trị quyền sử dụng đất.”- đại biểu Phạm Văn Thịnh phân tích.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, các đại biểu đánh giá cao quyết tâm, tinh thần làm việc trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Kinh tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ để chuẩn bị báo cáo tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo luật. Các đại biểu cũng đánh giá cao nội dung của dự thảo luật với nhiều nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý.

Do đây là dự án luật lớn, đồ sộ, phức tạp, nên có đại biểu đề nghị cần có Nghị quyết của Quốc hội để hướng dẫn thi hành luật, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan nghiên cứu, khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết, các nội dung cần thể hiện trong Nghị quyết để trình Quốc hội. Các đại biểu cũng tham gia ý kiến về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất, thuê đất, thu hồi đất, đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất, định giá đất, quy định chuyển tiếp, điều khoản thi hành cùng nhiều ý kiến xác đáng, cụ thể vào các chương trình, các Chương, Điều, khoản trong luật.

Thu Hường

Theo: Báo Công Thương