Dự án giao thông đường trục chính Tam Hòa, nối từ Quốc lộ 1 đến đường Võ Chí Công và ĐT 613B, có tổng mức đầu tư 646 tỷ đồng, hiện đang đối mặt với tình trạng chậm tiến độ nghiêm trọng. Sau hơn 18 tháng kể từ ngày khởi công, dự án mới chỉ thi công được phần cầu, trong khi phần đường vẫn chưa triển khai do vướng mắc về mặt bằng.
Điều này khiến dự án chậm hơn so với kế hoạch đề ra, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thi công và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Quy mô và tiến độ dự án
Dự án đường trục chính Tam Hòa có tổng chiều dài 4,8 km, với tổng vốn đầu tư 646 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương chiếm 517 tỷ đồng và ngân sách tỉnh chiếm 129 tỷ đồng.
Hồ sơ của Kinh tế Chứng khoán Việt Nam cho thấy, ngày 19/12/2022, ông Nguyễn Tuấn Phong, PGĐ Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông Quảng Nam ký quyết định công bố Liên danh Thái Sơn – Cầu 3 Thăng Long – Ánh Dương trúng gói Thi công đường trục chính Tam Hòa nối QL 1A đến đường Võ Chí Công và đường tỉnh 613B.
Đây là gói thầu có giá trị lớn nhất của toàn dự án, với giá trúng thầu gói này lên tới 516.054.681.000 đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng theo quyết định ông Phong ký là 730 ngày.
Theo quyết định này, Liên danh Thái Sơn - Cầu 3 Thăng Long - Ánh Dương chỉ có 720 ngày để thực hiện hợp đồng gói thầu Thi công đường trục chính Tam Hòa nối QL 1A đến đường Võ Chí Công và đường tỉnh 613B |
Đầu năm 2023, dự án được khởi công, với kỳ vọng sẽ hoàn thành vào ngày 25/4/2025. Tuy nhiên, sau hơn một năm, chỉ có phần cầu của dự án được triển khai, trong khi phần đường vẫn chưa được khởi công do chưa giải phóng được mặt bằng.
Theo ghi nhận, khối lượng thực hiện của dự án mới đạt khoảng 36,2% giá trị hợp đồng. Liên danh nhà thầu chủ yếu thi công phần cầu, bao gồm cầu Trường Giang và cầu Sông Chợ, thuộc phạm vi mặt nước do Nhà nước quản lý. Trong khi đó, các đoạn đường và đầu cầu vẫn gặp nhiều vướng mắc, chưa thể tiến hành thi công do không có mặt bằng.
Quảng Nam chỉ đạo gỡ vướng cho dự án
Nguyên nhân chính khiến dự án chậm trễ là do việc giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Phần đường dài khoảng 4 km của dự án vẫn chưa được bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ.
Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam lo ngại rằng nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, không chỉ ảnh hưởng đến kế hoạch hoàn thành dự án mà còn gây khó khăn cho việc giải ngân vốn đầu tư công vào năm 2024.
Để khắc phục tình trạng này, chủ đầu tư đã đề nghị UBND huyện Núi Thành tập trung vào các thủ tục đất đai, làm cơ sở lập phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, ưu tiên giải quyết mặt bằng tại các đầu cầu để đảm bảo việc thi công liên tục.
Thi công cầu Trường Giang, một hạng mục của dự án. Ảnh: Báo Quảng Nam |
UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện nhanh chóng các thủ tục pháp lý về đất đai và bồi thường. Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Trần Nam Hưng, yêu cầu UBND huyện Núi Thành chỉ đạo cấp xã rà soát kỹ lưỡng và xác nhận nguồn gốc đất, đảm bảo quy trình bồi thường chặt chẽ và đúng quy định.
Các trường hợp có sử dụng đất nông nghiệp hợp pháp và ổn định sẽ được bồi thường 100% giá trị đất nông nghiệp, tài sản, cây trồng và vật nuôi theo quy định.
Ngoài ra, những hộ dân có sử dụng đất ổn định từ trước ngày 1/7/2014, không có vi phạm hành chính, sẽ được hỗ trợ tài sản trên đất với mức không quá 80%. Đối với các trường hợp không tuân thủ phương án bồi thường, các biện pháp cưỡng chế sẽ được thực hiện ngay sau Tết Nguyên đán 2025 để bảo đảm tiến độ giải phóng mặt bằng.
UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu Sở NN&PTNT phê duyệt phương án tận thu gỗ rừng trồng, đặc biệt là tại đoạn ảnh hưởng của dự án đường trục chính Tam Hòa, trước ngày 30/10/2024.
Đây là một trong những bước quan trọng giúp huyện Núi Thành tổ chức thu hồi đất và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, nhằm đảm bảo dự án có thể tiếp tục triển khai trong tháng 11/2024.
Bên cạnh đó, Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công tại những khu vực đã có mặt bằng. Việc hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục nghiệm thu, và giải ngân nguồn vốn đầu tư công cũng cần được tiến hành khẩn trương để đảm bảo tiến độ chung của dự án.
Kiều Linh