Dragon Capital liên tiếp “lướt sóng” cổ phiếu KBC

(Banker.vn) Thời gian gần đây, nhóm quỹ Dragon Capital liên tục "lướt sóng" cổ phiếu KBC của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc.

Cụ thể, ngày 17/11, nhóm quỹ Dragon Capital mua vào 4,2 triệu cổ phiếu KBC để nâng sở hữu từ 5,7% lên 6,25% vốn điều lệ. Trong đó, Wareham Group Limited mua vào 3,5 triệu cổ phiếu; Vietnam Enterprise Investments Limited mua vào 1 triệu cổ phiếu; Grinling International Limited mua vào 0,5 triệu cổ phiếu; trong khi Norges Bank bán ra 0,8 triệu cổ phiếu.

Dragon Capital liên tiếp “lướt sóng” cổ phiếu KBC

Tới ngày 18/11, nhóm Dragon Capital lại bán ra 3,7 triệu cổ phiếu KBC để giảm sở hữu từ 6,25% về còn 5,77% vốn điều lệ. Trong đó, Vietnam Enterprise Investments Limited bán ra 2,5 triệu cổ phiếu; Amersham Industries Limited bán ra 1 triệu cổ phiếu; và Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust (Equity) bán ra 0,2 triệu cổ phiếu.

Chiếu theo mức giá chốt phiên 17 và 18/11, ước tính thương vụ này đem về cho Dragon Capital xấp xỉ 6,7 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 15/11, nhóm quỹ liên quan tới Dragon Capital vừa mua vào 12,8 triệu cổ phiếu KBC để nâng sở hữu từ 4,06% lên 5,7% vốn điều lệ và trở thành cổ đông lớn. Trong đó, Amersham Industries Limited mua vào 11 triệu cổ phiếu KBC; Vietnam Enterprise Investments Limited mua vào 2,5 triệu cổ phiếu KBC; DC Developing Markets Strategies Public Limited Company bán ra 500.000 cổ phiếu; và Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust (Equity) bán ra 200.000 cổ phiếu KBC.

Trên thị trường chứng khoán, sau khi "lao dốc" từ đầu tháng 8 về đáy 13.950 đồng/cp (10/11), cổ phiếu KBC đã bắt đầu hồi phục trở lại kể từ phiên 11/11 và chốt phiên 22/11 ở mức 16.850 đồng/cp.

Diễn biến giá cổ phiếu FRT. Nguồn TradingView
Diễn biến giá cổ phiếu KBC. Nguồn TradingView

Tại "Investor day quý 4/2022" diễn ra mới đây, lý giải về việc thường xuyên "lướt sóng" thời gian gần đây, chuyên gia của Dragon Capital cho biết, trong danh mục sẽ có những cổ phiếu đặt mục tiêu dài hạn và cũng có những cổ phiếu có mục tiêu ngắn hạn hơn.

Một số cổ phiếu là khoản đầu tư từ rất lâu và có hiệu suất tốt. Dù trong ngắn hạn có những yếu tố bất định khi bị ảnh hưởng bởi những tin đồn, song trong dài hạn nhóm quỹ tin rằng doanh nghiệp vẫn tăng trưởng tốt.

Ngược lại, danh mục của quỹ có những khoản đầu tư lại mang tính chất chu kỳ và cần hạ tỷ trọng khi hết chu kỳ tăng trưởng. Đơn cử như năm ngoái, những cổ phiếu trong ngành thép đạt đỉnh cao và tỷ trọng cổ phiếu thép Dragon Capital nắm giữ lên đến 20% danh mục. Tuy nhiên, khi những cổ phiếu này bước sang chu kỳ mới thì cũng cần giảm tỷ trọng. Và không loại trừ khả năng trong tương lai sẽ mua trở lại những cổ phiếu này khi chu kỳ tiếp theo tới.

"Đây cũng là lý do quỹ trading thường xuyên vì khi có những yếu tố tác động thì cần thay đổi chiến lược", chuyên gia của Dragon Capital nói.

Kinh Bắc báo lãi gần 2.000 tỷ đồng trong quý III

Trong quý III/2022, Kinh Bắc ghi nhận doanh thu đạt 203,23 tỷ đồng, giảm 37,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 1.936,23 tỷ đồng, tăng 1.995,52 tỷ đồng so với cùng kỳ (cùng kỳ lỗ 59,29 tỷ đồng). Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 48,9% về còn 47,9%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 38,8% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 61,61 tỷ đồng về 97,3 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 127,6%, tương ứng tăng thêm 46,71 tỷ đồng lên 83,33 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 20,8%, tương ứng giảm 37,09 tỷ đồng về 140,83 tỷ đồng; lãi công ty liên doanh, liên kết ghi nhận 1.997,23 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 0,99 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 44,3%, tương ứng tăng thêm 23,17 tỷ đồng lên 75,45 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Kinh Bắc ghi nhận doanh thu đạt 1.288,53 tỷ đồng, giảm 58,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 2.136,51 tỷ đồng, tăng 191,4% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, lợi nhuận quý III tăng chủ yếu do lãi từ công ty liên doanh, liên kết. Được biết, Công ty có lý giải nguyên nhân lợi nhuận tăng do công ty ghi nhận thu nhập từ chênh lệch giữa phần sở hữu trong tài sản thuần của bên bị mua và giá phí hợp nhất kinh doanh.

Trong năm 2022, Kinh Bắc đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 9.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.500 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm, Công ty hoàn thành 47,5% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tính tới 30/9/2022, tổng tài sản của KBC ở mức 33.375,4 tỷ đồng, tăng 9,1% so với đầu năm. Trong đó tài sản chủ yếu là hàng tồn kho chiếm 35,9% tổng tài sản có giá trị đạt 11.982,8 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 10.769,3 tỷ đồng, chiếm 32,3% tổng tài sản; đầu tư tài chính dài hạn đạt 4.164,5 tỷ đồng, chiếm 12,5% tổng tài sản và các khoản mục khác.

Trong kỳ, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 15,2% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.423,7 tỷ đồng lên 10.769,3 tỷ đồng; đầu tư tài chính dài hạn tăng 119,2% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 2.264,6 tỷ đồng lên 4.164,5 tỷ đồng.

Trong danh sách Công ty liên doanh, liên kết bất ngờ ghi nhận sở hữu 48% vốn tại CTCP Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng, tương ứng giá trị đầu tư 2.266,7 tỷ đồng so với đầu năm không ghi nhận. Thuyết minh đối với khoản đầu tư vào Công ty CP Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng: Công ty ghi nhận phần chênh lệch giữa phần sở hữu trong tài sản thuần của bên bị mua và giá trị hợp nhất kinh doanh là 2.181 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng (SDN) được thành lập vào ngày 3/8/2005, là thành viên của Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SGI) – một trong những tập đoàn tư nhân hàng đầu tại Việt Nam gặt hái được nhiều thành công trong việc đầu tư phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao và dẫn đầu về thành tích thu hút FDI tại Việt Nam.

Đơn vị này là chủ đầu tư Khu công nghiệp Liên Chiểu (289 ha), Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng (133ha), dự án đô thị Bầu Tràm Lake side (46ha), dự án đô thị Dragon City (78ha) và các dự án khu dân cư và nhà ở xã hội khác.

Xét về dòng tiền, mặc dù công ty vẫn có lãi nhưng lại đang gặp vấn đề lớn với dòng tiền khi lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh 9 tháng đầu năm âm 947,5 tỷ đồng, tăng gấp 11,4 lần so với con số âm 83,5 tỷ đồng cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra, lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính dương 144,5 tỷ đồng và dòng tiền sử dụng vào hoạt động đầu tư âm 436,5 tỷ đồng.

Tính tới cuối quý 3, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn giảm 1,3% so với đầu năm, tương ứng giảm 90,8 tỷ đồng về 6.963,6 tỷ đồng và chiếm 20,9% tổng nguồn vốn.

Khánh Vân

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục