Đột quỵ ngày càng "trẻ hóa": Những dấu hiệu dễ nhận biết và cách phòng tránh

(Banker.vn) Mới đây một nữ sinh Trường Đại học Sư phạm thuộc Đại học Huế bất ngờ bị đột quỵ ở giảng đường. Sự việc là cảnh báo về gia tăng tình trạng trẻ hóa đột quỵ.
Cách phòng tránh nguy cơ đột quỵ, sốc nhiệt khi trời nắng nóng Bị đột quỵ nguy hiểm như thế nào đến tính mạng?

Hiện nữ sinh vẫn đang được điều trị tại Khoa hồi sức tích cực, Bệnh viện Trung ương Huế trong tình trạng hôn mê và chờ kết quả thăm khám từ các y, bác sĩ.

Dấu hiệu cảnh báo bệnh

Theo các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh: Đột quỵ ở người trẻ là trường hợp nhóm đối tượng dưới 45 tuổi bị đột quỵ, do xuất huyết não hoặc tắc nghẽn mạch máu não. Nếu trước đây các trường hợp đột quỵ thường chỉ xảy ra ở người trung niên và người cao tuổi (trên 65 tuổi) thì hiện nay đột quỵ đang ngày càng trẻ hóa.

Đột quỵ ngày càng
Đột quỵ đang ngày càng trẻ hóa

Thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam, tỷ lệ người trẻ và người trung niên bị đột quỵ chiếm đến ⅓ trong tổng số các trường hợp đột quỵ. Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi cũng đang tăng ở mức 2% mỗi năm, với số người bệnh là nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.

Dấu hiệu thường gặp bao gồm: Méo miệng, lệch miệng, thay đổi giọng nói, nói ngọng hoặc dính chữ, khó nói. Người bệnh thậm chí không nói được những câu đơn giản nhất.

Đau hoặc nhức đầu dữ dội. Cơn đau có thể không thuyên giảm dù đã sử dụng các loại thuốc giảm đau.

Khó cử động tay chân. Dấu hiệu đột quỵ ở người trẻ thường khiến người bệnh không thể nâng hai tay qua đầu cùng lúc.

Mất thị lực, mờ mắt, hoa mắt, nhìn không rõ… cũng là những triệu chứng đột quỵ ở người trẻ thường gặp.

Khoảng 12% bệnh nhân có “đột quỵ cảnh báo”, tức là cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) hoặc “đột quỵ nhỏ” trong vòng 90 ngày trước khi diễn ra cơn đột quỵ. TIA có thể gây ra các triệu chứng như đau nửa đầu dữ dội và một số biểu hiện đột quỵ ở người trẻ khác. Tuy nhiên, các dấu hiệu này thường kết thúc nhanh nên nhiều người không nhận biết được hoặc chủ quan, không tin đây là dấu hiệu đột quỵ.

Các biến chứng đột quỵ ở người trẻ thường gặp

Biến chứng đột quỵ ở người trẻ nói riêng cũng như di chứng đột quỵ nói chung rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời. Các biến chứng có thể gặp ở người trẻ như: Co cứng chi, liệt tay, chân hoặc có thể liệt nửa người, liệt cả hai tay và hai chân; suy giảm khả năng vận động, không thể đi lại như bình thường; rối loạn ngôn ngữ vĩnh viễn; gặp khó khăn khi nuốt, khó nhai, thức ăn bị trào ngược lên khi nuốt hoặc mắc nghẹn trong cổ họng; phù não, ảnh hưởng đến dòng chảy của oxy và máu lên não; viêm phổi gây khó thở, ho có đờm, ớn lạnh, sốt…

Theo các chuyên gia, đột quỵ xảy ra khi lưu lượng máu đến não bị gián đoạn đột ngột hoặc chảy máu bên trong sọ dẫn đến giảm, mất chức năng hoặc chết các tế bào não. Tuy nhiên, đây lại là kết quả của nhiều yếu tố nguy cơ diễn tiến âm thầm, kéo dài trước đó như: đau đầu, đau nửa đầu, mất ngủ, thường xuyên căng thẳng, áp lực trong công việc, lối sống thiếu lành mạnh… Các yếu tố này xảy ra phổ biến ở người trẻ tuổi.

Yếu tố nguy cơ

Rối loạn chuyển hóa mỡ máu: Các khảo sát cho thấy, người trẻ tuổi có nguy cơ bị rối loạn chuyển hóa mỡ máu cao do thói quen ăn kém thiếu khoa học, thường xuyên ăn các loại thức ăn nhanh, thực phẩm nhiều dầu mỡ, các loại thực phẩm chế biến sẵn…

Béo phì, lười vận động: Ngồi máy tính nhiều giờ đồng hồ, lười vận động, ít tập thể dục… là nguyên nhân khiến tình trạng đột quỵ ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Càng ít vận động, nguy cơ thừa cân, béo phì càng cao. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, người có chỉ số khối cơ thể BMI >30 và chỉ số vòng eo trên 80cm sẽ có nguy cơ đột quỵ cao hơn nhiều lần so với người bình thường.

Tăng huyết áp: Tăng huyết áp là loại bệnh lý gây đột quỵ não thể xuất huyết não thường gặp nhất ở người già nhưng hiện nay cũng gặp với tần suất khá cao ở người trẻ. Huyết áp tăng cao thường xuyên không được kiểm soát là nguy cơ hàng đầu làm vỡ mạch và xuất huyết não. Đây là loại đột quỵ não có tỷ lệ tử vong và tàn phế cao. Thống kê cho thấy xấp xỉ 30% đột quỵ não ở người tuổi dưới 45 có bệnh lý tăng huyết áp.

Đái tháo đường: Đái tháo đường là loại bệnh lý ngày càng hay gặp và tỷ lệ này cũng không hề thấp ở người trẻ. Đường huyết tăng cao dẫn đến rất nhiều biến chứng trong đó có biến chứng về mạch máu.

Hút thuốc lá thường xuyên làm tăng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ do trong thuốc lá có hơn 7000 chất độc hóa học. Các chất độc này khi đi vào trong máu sẽ phá hủy các tế bào trong cơ thể, làm tăng nguy cơ xơ vữa mạch máu não.

Cách phòng tránh đột quỵ ở người trẻ

Bác sĩ Trần Đăng Huân - Đơn nguyên Đột quỵ, Khoa Hồi sức Tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn – chia sẻ: Châm cứu hay xoa bóp gần như không có tác dụng gì, quan trọng là khi có những triệu chứng cần đến ngay các bệnh viện để đánh giá. Dù chỉ là tê bì nhẹ hoặc có yếu liệt nên đến bệnh viện sớm nhất trong 3 tiếng đầu tiên, là giờ vàng đột quỵ.

Không ai chắc đột quỵ sẽ không xảy ra nhưng có thể chủ động phòng ngừa bằng cách: Chú ý đến dinh dưỡng, giảm chất béo, muối trong khẩu phần ăn; tăng cường rau và trái cây; hạn chế rượu bia và các chất kích thích.

Tập thể dục thường xuyên giúp đánh tan mỡ thừa, giải độc cơ thể, giảm mỡ máu, ổn định cân nặng. Từ đó có tác dụng giảm nguy cơ đột quỵ ở người trẻ tuổi. Các chuyên gia khuyến cáo bạn nên tập ít nhất 30 phút/ngày và 5 ngày/tuần).

Thăm khám định kỳ, tuân thủ các chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt, nếu mắc phải các bệnh lý mạn tính như rung nhĩ, tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu, cần điều trị tích cực để ngăn nguy cơ bệnh biến chứng thành đột quỵ.

Thống kê chưa đầy đủ, đột quỵ não ở người trẻ chiếm khoảng 12 – 20% trong tổng số các đột quỵ ở mọi lứa tuổi và xảy ra với tần suất từ 10 - 34 trường hợp/100.000 dân/ năm.

Tâm An

Theo: Báo Công Thương