Đốt giấy tờ tùy thân để tu giống ông Thích Minh Tuệ là mù quáng, vi phạm pháp luật

(Banker.vn) Các luật sư cho rằng giấy tờ tùy thân rất quan trọng đối với mỗi công dân Việt Nam. Hành vi đốt các loại giấy tờ này cần phải xử lý nghiêm để răn đe.
Hộ pháp Kim Cang theo Thích Minh Tuệ 'xuống áo' đi ăn phở gây xôn xao Chủ quán lên tiếng về đoàn người theo ông Thích Minh Tuệ đến ăn phở bò Ông Thích Minh Tuệ đã thực hiện đúng trách nhiệm công dân với xã hội Dậy sóng trước hình ảnh bức tượng giống ông Thích Minh Tuệ của nghệ nhân lão làng

Mạng xã hội vừa xuất hiện clip ghi lại cảnh người đàn ông đi theo ông Thích Minh Tuệ đốt giấy tờ tùy thân gồm căn cước công dân và hộ chiếu.

Đoạn clip dài 9 phút được một tài khoản Tiktok quay lại cho thấy người đàn ông 36 tuổi ngồi tại một khu đất trống bên cạnh là tư trang và ruột nồi cơm điện.

Khi người đối diện hỏi, người này nói rằng đã đi theo ông Thích Minh Tuệ được 8 ngày. Đến lúc chân rỉ máu thì dừng lại tại bãi đất cùng vài người là phật tử.

Hình ảnh cắt từ clip cho thấy người đàn ông này đốt các giấy tờ tùy thân để tu giống ông Thích Minh Tuệ.
Hình ảnh cắt từ clip cho thấy người đàn ông này đốt các giấy tờ tùy thân để tu giống ông Thích Minh Tuệ.

Cuộc đối thoại giữa người đàn ông bên đống lửa có thể thấy một tấm hộ chiếu đang bị đốt cháy hừng hực. Sau đó, người đàn ông mặc đồ na ná ông Tuệ khẳng định trước đó đã đốt cả căn cước công dân và nói rằng bản thân đi tu thì quyết định từ bỏ hết.

“Thầy Minh Tuệ cũng có giấy tờ đâu. Thầy đi đâu con đi đó. Tu thì ở đâu cũng được, con gặp thầy Minh Tuệ ở Quảng Bình từ đó đi theo luôn”, người đàn ông tiết lộ.

Nói về lý do đốt giấy tờ tùy thân, người đàn ông 36 tuổi nói: “Con đốt vậy cũng có nguyên do là đang tu tập, đang giữ giới nên con quyết tâm từ bỏ hết nhưng có người cứ hỏi giấy tờ, con lại không muốn nói là có giấy tờ. Nếu có giấy tờ mà nói không có giấy tờ là phạm giới nói dối. Cho nên con quyết định đốt giấy tờ để giữ giới”.

Người này còn cho biết, từng tu ở chùa và tự tu được 2 năm. Khi gặp ông Tuệ đã thôi thúc bản thân quyết tâm tu theo hạnh đầu đà và đi theo ông Tuệ để giải thoát cho bản thân nên không thông báo cho gia đình.

“Nếu xin cha mẹ mà cha mẹ nói không cho và nghe theo lời cha mẹ thì đến lúc chết đi không được giải thoát. Tu là tu cho mình khi có thành quả thì hướng về gia đình”.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xoay quanh vấn đề này, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho biết, các giấy tờ tùy thân như căn cước công dân là những loại giấy tờ thể hiện thông tin cơ bản về lai lịch, nhận dạng của công dân Việt Nam, được sử dụng trong các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

Chính vì vậy, đây là những loại giấy tờ rất quan trọng đối với công dân Việt Nam.

Việc đốt các loại giấy tờ tùy thân như căn cước công dân theo pháp luật Việt Nam có thể bị xem là hành vi vi phạm pháp luật; nhất là khi giấy tờ đó được cấp bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Theo Luật sư Bình, hậu quả của việc đốt giấy tờ tùy thân có thể là mất đi thông tin quan trọng và gây ra những hậu quả pháp lý hoặc hạn chế đối với người đó trong các tình huống sau này như không chứng minh được danh tính hoặc thực hiện các thủ tục hành chính.

Điều này có thể vi phạm các điều khoản về hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng, hoặc gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia tùy theo tình hình cụ thể.

"Đối với hành vi đốt giấy tờ tùy thân như căn cước công dân, người đốt giấy tờ có thể bị xử phạt hành chính căn cứ tại điểm c khoản 2 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về các hành vi vi phạm quy định về cấp, quản lý, sử dụng Giấy CMND, CCCD hoặc thẻ CCCD", Luật sư Bình khẳng định.

Trong đó, hành vi hủy hoại, cố ý làm hư hỏng Giấy CMND, CMND, thẻ CCCD hoặc Giấy xác nhận số CMND sẽ bị phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng. Ngoài ra, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Còn Luật sư Võ Đình Đức – Phó giám đốc Công ty Luật hợp danh Đông Nam Á (SEALAW) cho rằng, hành vi đốt căn cước công dân, sổ hộ chiếu là hành vi vi phạm pháp luật cần phải xử phạt và răn đe tránh gây dư luận xấu.

Đối với hành vi tự đốt căn cước công dân, được xem là việc cố ý có thể được bị xử phạt hành chính với mức từ 1 - 2 triệu đồng theo quy định tại khoản 2, khoản 5 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Còn đối với hộ chiếu, đây là một trong những giấy tờ tùy thân để chứng minh Quốc tịch Việt Nam, theo quy định tại Điều 11 Luật Quốc tịch năm 2008.

Trong khi đó, căn cứ vào Khoản 3, Điều 46, Nghị định 82/2020/NĐ-CP thì việc hủy hoại các loại giấy tờ về quốc tịch có thể bị xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng.

Đoàn Tuấn - Vũ Hạ

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục