Dòng vốn ngân hàng góp phần ngăn chặn và  đẩy lùi “tín dụng đen”

(Banker.vn) Trước thực trạng tín dụng đen vẫn tồn tại dai dẳng, ngày càng phát triển phức tạp và tinh vi, ngành Ngân hàng luôn sẵn sàng vào cuộc cùng với các cơ quan, bộ ngành, chính quyền địa phương nhằm ngăn chặn đẩy lùi nạn tín dụng đen.
vnd.jpg
Dòng vốn ngân hàng góp phần ngăn chặn và  đẩy lùi “tín dụng đen”

Tích cực vào cuộc

Tình trạng tín dụng đen bùng nổ gây nhiều bức xúc xã hội trong những năm gần đây. Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, tín dụng đen lại càng có cơ hội lan rộng, từ thành phố đến khắp các vùng nông thôn, miền núi.

Thống kê của Bộ Công an trong 3 năm từ 2019 - 2022 cho thấy, cơ quan điều tra tiếp nhận, phát hiện 2.700 vụ, hơn 4.900 đối tượng liên quan đến tín dụng đen. Riêng về tội “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, đã tiếp nhận, phát hiện hơn 1.500 vụ, hơn 2.700 đối tượng; đã khởi tố hơn 1.000 vụ với hơn 2.000 bị can.

Từ đầu năm đến nay, công an các tỉnh trên khắp cả nước liên tục triệt phá các đường dây tín dụng đen với nhiều chiêu thức tinh vi, phức tạp. Đặc biệt, công an Quảng Nam đã triệt phá đường dây tín dụng đen lên tới 20.000 tỷ đồng do các đối tượng người nước ngoài cầm đầu. 7 tháng đầu năm, Công an TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện, xử lý 133 vụ việc, 206 nghi can; triệt xóa 27 app (ứng dụng) cho vay tín dụng đen như: Goldvay, Sugarvay, Findong, Wellvay, Cfcash, Baovay...

Chung tay cùng Bộ Công an, ngành Ngân hàng cũng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh và nhu cầu đời sống của người dân, doanh nghiệp, góp phần cùng với đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen.

Trong 5 năm gần đây, tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm. Số liệu thống kê từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho thấy, đến ngày 31/12/2022, dư nợ cho vay phục vụ đời sống đạt hơn 2,4 triệu tỷ đồng, chiếm 20,34% tổng dư nợ tín dụng, tăng 22,26% so với ngày 31/12/2021. Trong đó, 16 công ty tài chính tiêu dùng do Ngân hàng Nhà nước cấp phép có dư nợ đạt trên 220.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,87% so tổng dư nợ toàn nền kinh tế và 8,5% dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống.

Những con số trên cho thấy hoạt động tín dụng tiêu dùng đang ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội. Thị phần tín dụng tiêu dùng tập trung chủ yếu ở nhóm các ngân hàng thương mại trong nước, ngân hàng nước ngoài và nhóm các công ty tài chính.

Đơn cử tại Agribank, ngân hàng này đã thực hiện chương trình tín dụng tiêu dùng với quy mô 5.000 tỷ đồng, cho vay tối đa 30 triệu đồng không có tài sản bảo đảm, nhằm tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng của khách hàng, đặc biệt là người dân tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, đồng thời hạn chế tín dụng đen. Chương trình được triển khai từ năm 2019, đến tháng 6/2023 doanh số của chương trình đã vượt xa quy mô, đạt hơn 76.000 tỷ đồng với hơn 834.000 khách hàng vay vốn.

Hay tại BIDV, với mong muốn hỗ trợ khách hàng có nguồn tài chính để phục vụ các nhu cầu chi tiêu, mua sắm cần thiết trong đời sống như mua nhà ở, mua ô tô, vay sản xuất kinh doanh, cho vay tiêu dùng khác (không có tài sản đảm bảo), ngân hàng đã dành 100.000 tỷ đồng triển khai gói vay trung dài hạn với lãi suất ưu đãi kể từ thời điểm giải ngân lần đầu cho các kỳ hạn (tùy từng mục đích vay).

Song hành với các chương trình tín dụng tiêu dùng của các ngân hàng thương mại, tín dụng chính sách cũng được đẩy mạnh, qua đó góp phần ngăn chặn các tệ nạn cho vay nặng lãi, tín dụng đen, giúp đảm bảo an sinh, trật tự và an toàn xã hội tại các địa phương, nhất là ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Số liệu thống kê từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho biết, trong hơn 20 năm qua, vốn tín dụng chính sách xã hội đã giải ngân cho hơn 44,3 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; hỗ trợ hơn 6,5 triệu hộ vượt ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho hơn 6,2 triệu lao động.

Bên cạnh những dòng vốn trên, hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cũng đóng góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen. Chẳng hạn, tháng 10/2022, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác với hai công ty tài chính tiêu dùng là HD SAISON và FE Credit để triển khai gói vay 20.000 tỷ đồng dành cho công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp trên toàn quốc.

Theo HD SAISON, sau 6 tháng triển khai, hàng trăm ngàn công nhân và người lao động tại hơn 45 tỉnh thành được tiếp cận gói vay. Trong tháng 4-5/2023, HD SAISON đã triển khai chương trình ưu đãi đến 500 tỷ đồng dành cho công nhân An Giang và đến 1 tỷ đồng danh cho công nhân Hưng Yên khi đăng ký và được duyệt gói vay ưu đãi.

Hay Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit) cũng vừa triển khai chương trình tài chính toàn diện từ tháng 6/2023. Sau 2 tháng, chương trình tiếp cận được tới 33.000 công nhân lao động tại 5 nhà máy, khu công nghiệp trên cả nước.

Ông Nguyễn Trọng Chiến, Giám đốc Khối Phát triển kinh doanh Mcredit cho biết, nạn tín dụng đen tồn tại ở khắp mọi nơi, nên người dân, nhất là lao động có thu nhập thấp dễ bị "dính bẫy” tín dụng đen vì hạn chế hoặc không đủ điều kiện tiếp cận dịch vụ tài chính chính thức, cần tiền nhanh nhưng không có tiết kiệm dự phòng.

"Nhiều người dân cũng còn thiếu thông tin về các công ty tài chính chính thống được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Vì vậy, Mcredit tổ chức các buổi tư vấn, tuyên truyền nhằm nâng cao kiến thức tài chính, tiếp cận các sản phẩm tín dụng, tiết kiệm, phù hợp với nhu cầu giúp công nhân lao động phòng tránh tín dụng đen và quản lý hiệu quả tài chính cá nhân... Bên cạnh đó, chương trình cũng giúp nâng cao đời sống tinh thần, thụ hưởng các hoạt động phát triển cộng đồng", ông Chiến chia sẻ.

Nỗ lực hoàn thiện khung khổ pháp lý

Cùng với sự phát triển của hoạt động tín dụng tiêu dùng, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động này cũng ngày càng được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho hoạt động tín dụng tiêu dùng của các loại hình tổ chức tín dụng khác nhau.

Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã coi việc phát triển tài chính tiêu dùng là một trong những chủ trương lớn trong hoạt động của hệ thống ngân hàng. NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động tài chính tiêu dùng.

Hệ thống khuôn khổ pháp lý về cho vay tiêu dùng nói chung và tài chính tiêu dùng nói riêng được NHNN hoàn thiện, bổ sung phù hợp với đặc thù cho vay tiêu dùng, tạo điều kiện phát triển hoạt động cho vay tiêu dùng an toàn, lành mạnh. Theo Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng, NHNN đã hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng nói chung và hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính nói riêng, nhằm tăng cường minh bạch trong hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của khách hàng, ví như:

Thông tư số 14/2017/TT-NHNN ngày 29/9/2017 quy định về phương pháp tính lãi trong hoạt động nhận tiền gửi, cấp tín dụng giữa tổ chức tín dụng với khách hàng, trong đó quy định cụ thể nguyên tắc tính lãi, phương pháp tính lãi, thời hạn tính lãi (số ngày tính lãi), cách quy đổi lãi suất, công thức tính lãi,….

Thông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 (Thông tư số 43) với phạm vi điều chỉnh là hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, các quy định tại Thông tư số 43 phù hợp với đặc thù hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, trong đó quy định công ty tài chính ban hành khung lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng thống nhất trong từng thời kỳ, bao gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng, đảm bảo minh bạch, công khai về lãi suất của công ty tài chính....

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 18/2019/TT-NHNN ngày 4/11/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43, trong đó có sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến việc thu hồi nợ, giải quyết khiếu nại của khách hàng nhằm hạn chế tình trạng một số công ty tài chính nhắc nợ, đòi nợ quá nhiều, đòi tiền cá nhân, tổ chức không có nghĩa vụ trả nợ, thông tin sai về nghĩa vụ nợ, tăng cường cho vay có trách nhiệm của công ty tài chính, bảo vệ quyền lợi của khách hàng vay.

Với khung pháp lý về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng nói chung và hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính nói riêng về cơ bản được hoàn thiện đã góp phần thúc đẩy tài chính tiêu dùng phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua. Các dòng vốn tín dụng tiêu dùng đã tiếp cận đến các phân khúc khách hàng hàng đại chúng, nhất là nhóm khách hàng yếu thế… góp phần mở rộng khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; hạn chế tình trạng “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi ở các địa bàn này; qua đó thực hiện chiến lược tài chính toàn diện, ổn định kinh tế và công bằng xã hội.

Quỳnh Lê

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục