Đồng USD đã “hết thời”?

(Banker.vn) Nhiều giả thiết đưa ra, sự thống trị toàn cầu của đồng USD kéo dài gần 80 năm cuối cùng cũng sắp kết thúc.
Tỷ giá USD hôm nay 12/10/2023: Giá đô hôm nay, USD chợ đen, USD VCB vững đà tăng phi mã Tỷ giá USD hôm nay 13/10/2023: Giá đô hôm nay, USD chợ đen, USD VCB giữ nhiệt tăng giá

Việc chưa tổng hợp đầy đủ những nguyên do vì sao đồng USD trở nên phổ biến trên toàn cầu khiến cho các biện pháp thu hẹp khoảng cách lớn giữa đồng tiền này với loại tiền tệ khác vẫn còn rất lớn.

Vị thế vượt trội

Chiếm ưu thế vượt trội và sự hiện diện khắp nơi của đồng bạc xanh trong hệ thống tài chính toàn cầu đã trở thành điểm tranh chấp chính trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc, gồm: Mỹ, Trung Quốc và Nga.

Đồng USD đã “hết thời”?
USD là đồng tiền dự trữ toàn cầu đã kéo dài được gần 80 năm. Ảnh minh họa

Thách thức địa chính trị này xảy ra trong bối cảnh lãi suất cao và sự phân cực trong nền chính trị Mỹ, thể hiện qua các cuộc tranh cãi về trần nợ Mỹ và ngân sách chi tiêu của Chính phủ. Tổng hợp lại, những yếu tố này có nguy cơ làm xói mòn nhận thức về sự an toàn của tài sản gắn liền với đồng USD. Nhưng để làm lung lay vị thế đồng bạc xanh, cần có nhiều tác nhân hỗ trợ, tạo ra một sự thay đổi đáng kể trong hệ thống tiền tệ toàn cầu.

Trên toàn cầu, đồng USD là một phương tiện thanh toán và hối đoái phổ biến nhất, đồng thời cũng là một tài sản dự trữ có giá trị. Các Chính phủ và tổ chức tiền tệ quốc gia thường sử dụng đồng USD để can thiệp vào thị trường ngoại hối, sử dụng làm nguồn dự trữ tiền tệ chính thức và làm công cụ neo tỷ giá.

Trong khi, các nhà đầu tư và thương gia sử dụng đồng tiền này để lập hóa đơn và thanh toán thương mại, cũng như dùng cho mục đích đầu tư. Chính sự tương tác giữa các nhân tố và vai trò khác nhau này đã đẩy đồng USD vào vị trí thống trị trong hệ thống tiền tệ và thanh toán thế giới.

Thật vậy, đồng USD có một vị thế vượt xa đối thủ lớn nhất là đồng Euro trong vai trò là đồng tiền dự trữ dùng để ổn định tỷ giá hối đoái hoặc điều chỉnh lãi suất. Do đó, quyết định của các Chính phủ chính là yếu tố then chốt trong việc duy trì ưu thế vượt trội của đồng bạc xanh.

Thay vì phối hợp các biện pháp can thiệp vào thị trường hối đoái để hỗ trợ hoặc duy trì đồng USD, nhiều nước nghĩ rằng họ có thể phối hợp với nhau để vận hành các hệ thống thanh toán và các thỏa thuận thanh toán thay thế, chẳng hạn như hệ thống thanh toán liên ngân hàng của Trung Quốc (CIPS) dựa trên đồng NDT, hoặc một đồng tiền dự trữ chung do Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS (bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) phát hành.

Việc thay thế đồng USD có khả thi?

Thời kỳ cuối chiến tranh lạnh, các chính phủ chủ yếu bị thúc đẩy bởi nhiều yếu tố kinh tế khi đưa ra quyết định sử dụng ngoại tệ gì. Tính thanh khoản, chiều sâu và chiều rộng thị trường của USD đã giúp đồng tiền này có thể tiếp cận rộng rãi và có chi phí thấp hơn so với các đồng tiền khác.

Tác động phản hồi giữa các định chế chính thức và chủ thể tư nhân cũng đã khuyến khích các chính phủ và cơ quan quản lý tiền tệ tích lũy dự trữ bằng đồng USD. Trong thời kỳ khủng hoảng, chủ thể tư nhân có thể dựa vào các ngân hàng trung ương để xử lý tài sản bằng đồng USD, đôi khi thông qua đường dây hoán đổi mở rộng của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Sự sẵn lòng của các chủ thể tư nhân trong việc sử dụng và nắm giữ đồng USD cũng dựa trên yếu tố cân nhắc kinh tế. Họ có thể giải quyết các khoản chi trả, và nhờ vậy lưu trữ giá trị bằng đồng tiền được chọn thanh toán. Hơn nữa, các chủ thể tư nhân này cùng tồn tại trong một hệ thống phi tập trung, trong đó mỗi chủ thể thường chỉ chiếm một phần rất nhỏ thị phần của "miếng bánh" thị trường.

Cho dù những khối tài sản đáng kể bằng đồng USD do các định chế tài chính lớn nắm giữ có bao gồm khoản tiền gửi của các thực thể riêng biệt, thì số thực thể này cũng không có phương tiện cũng như động cơ để hành động tập thể. Vì vậy, việc các quyết định độc lập có thể làm lung lay vị thế toàn cầu của đồng USD, một nỗ lực tư nhân có chủ ý và có sự phối hợp nhằm lật đổ hệ thống hiện tại, là rất khó xảy ra.

Để gây sụp đổ vị thế của đồng USD trong hệ thống thanh toán và thiết lập một trật tự tiền tệ toàn cầu mới, trong đó đồng bạc xanh sẽ đóng vai trò ít hơn, tất cả đối tượng sử dụng nó sẽ phải phá vỡ các hiệu ứng mạng lưới và cùng gánh chịu hậu quả. Các chính phủ sẽ phải cắt đứt quan hệ kinh tế và chính trị với Mỹ. Ví dụ, BRICS phải ngừng phụ thuộc vào sự thanh khoản và nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ.

Khó có khả năng các nền kinh tế lớn sẽ tham gia vào những sáng kiến như vậy, bởi ngoại trừ Trung Quốc, tất cả các nước đều có quyền truy cập đường dây hoán đổi USD, một công cụ hỗ trợ đắc lực cho các ngân hàng trung ương nước ngoài tiếp cận đồng tiền này.

Hơn nữa, nếu từ bỏ USD trước khi có một loại tiền tệ thống trị khác, các chính phủ có nguy cơ đánh mất đường dây thanh khoản "huyết mạch" trong trường hợp xảy ra khủng hoảng. Các chủ thể nhỏ hơn có thể sẽ rút khỏi cuộc chơi, bởi chủ nghĩa cơ hội luôn ngăn cản một hành động tập thể.

Ngoài những cái giá trực tiếp phải trả về kinh tế, các chính phủ muốn ngăn chặn sự thống trị của đồng USD cũng có nguy cơ đánh mất sự bảo đảm an ninh của Mỹ. Ngay cả những quốc gia không được hưởng lợi trực tiếp từ các cam kết an ninh của Mỹ cũng có thể phải do dự khi đứng sai vị trí trước một cường quốc quân sự đáng gờm nhất thế giới.

Tâm An (theo Le Monde)

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục