Dòng tiền vào nhà băng đang 'lép vế' hơn các kênh đầu tư khác

(Banker.vn) Theo các chuyên gia, lãi suất huy động đang ở mức thấp nhất so với nhiều năm qua khiến cho dòng tiền vào các nhà băng cũng eo hẹp hơn so với các kênh đầu tư khác.

Theo dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi khách hàng tại các TCTD trong 5 tháng đầu năm tăng 2,9%, đạt hơn 10,27 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi của dân cư tăng 2,6% lên hơn 5,27 triệu tỷ đồng; tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng mạnh hơn với 3,3% và vượt mốc 5 triệu tỷ đồng.

Tổng hợp số liệu từ báo cáo tài chính quý II/2021 của gần 30 ngân hàng cho thấy, tổng số dư tiền gửi khách hàng tính đến cuối tháng 6 đạt hơn 9 triệu tỷ đồng, tăng 4,2% so với cuối năm 2020.

Đáng lưu ý, dù 4 ngân hàng có vốn nhà nước luôn ở phía cuối của bảng xếp hạng về lãi suất huy động, song lại là nhóm ngân hàng có số dư tiền gửi lớn nhất với gần 4,9 triệu tỷ đồng, chiếm đến 53,8% tổng số tiền gửi khách hàng của toàn hệ thống.

Cụ thể, Agribank dẫn đầu ngành về quy mô tiền gửi với 1,46 triệu tỷ đồng (theo báo cáo tài chính riêng lẻ), tăng 4,2% so với đầu năm. Tiếp theo là BIDV với gần 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 5,5% sau 6 tháng. Quy mô tiền gửi của Vietcombank đạt 1.051 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% và VietinBank là 1.039 nghìn tỷ đồng, tăng 5%.

Trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, hiện tại SCB là ngân hàng có số dư tiền gửi tiết kiệm của khách hàng lớn nhất với 479 nghìn tỷ đồng, tăng 2,5% so với đầu năm. Sacombank đang có số dư tiền gửi cao thứ hai, với 433 nghìn tỷ đồng. Theo sau đó là ACB với 358 nghìn tỷ đồng.

Một số ngân hàng khác trong nửa đầu năm cũng huy động được số tiền gửi lớn như: MB là 343 nghìn tỷ đồng; SHB là 310 nghìn tỷ đồng; Techcombank là 289 nghìn tỷ đồng… Ngược lại, một số ngân hàng quy mô nhỏ ghi nhận tiền gửi của khách hàng sụt giảm trong nửa đầu năm nay.

Tại NCB, huy động tiền gửi khách hàng sụt giảm 4,4% trong nửa đầu năm xuống 68.904 tỷ đồng; SeABank với 5.293 tỷ đồng tiền gửi ghi nhận giảm trong những tháng đầu năm nay, tương đương giảm 4,7%; Tại ABBank, số dư tiền gửi khách hàng tại ngày 30/6 là 67.136 tỷ đồng, giảm hơn 5.300 tỷ so với đầu năm nay, tương đương giảm tới 7,4%.

Một số ngân hàng khác tiền gửi của khách hàng cũng có sự sụt giảm, nhưng ít hơn như: Ngân hàng Bản Việt giảm 3,6% so đầu năm, PGBank giảm 0,2%.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, mặt dù tiền gửi vào ngân hàng có dấu hiệu tăng chậm lại nhưng thanh khoản hệ thống chưa rơi vào tình trạng eo hẹp. Lý do được cho là do tác động của dịch bệnh Covid-19 khiến tín dụng chưa thể "bứt phá", kéo theo nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp có thể yếu đi.

Linh Đan

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục