Dòng tiền lớn vào cổ phiếu ngân hàng ảnh hưởng đến thị trường chung như thế nào?

(Banker.vn) Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhóm cổ phiếu ngân hàng được mệnh danh là “cổ phiếu vua” khi chỉ có gần 30 mã chứng khoán trên tổng số khoảng 1600 mã nhưng lại chiếm đến 25% vốn hóa toàn thị trường.

Do đó, chúng tôi khá tò mò sự di chuyển của dòng tiền lớn ra vào nhóm cổ phiếu này có ảnh hưởng như thế nào tới các cổ phiếu này nói riêng và tới VNIndex nói chung. Chúng tôi sử dụng dữ liệu về phân loại nhà đầu tư của TCBS ghi nhận từ tháng 11/2020 đến nay, trong đó chia làm 3 nhóm theo giá trị lệnh đặt gồm: Cá Mập (có giá trị lệnh đặt lớn hơn 1 tỷ đồng/lệnh); Sói Già (có giá trị lệnh đặt từ 200 triệu – 1 tỷ đồng/lệnh) và Cừu Non (có giá trị lệnh đặt nhỏ hơn 200 triệu/lệnh). Đối với “sự di chuyển của dòng tiền lớn”, chúng tôi sử dụng tín hiệu “giá trị mua chủ động của Cá Mập tăng lên hơn 25% tổng giá trị giao dịch”. Xác suất lãi/lô trung bình và lợi nhuận trung bình được dựa theo VNIndex. Sau đây sẽ là phân tích để đánh giá xem đây có phải là một chỉ dấu của việc “Cá mập đang đi săn” hay không.

Kết quả tổng hợp dữ liệu: Trong vòng 1 năm qua, có tổng cộng hơn 40 phiên dòng tiền cá mập đổ mạnh vào nhóm ngành ngân hàng với tỷ trọng giá trị giao dịch chiếm từ 25% đến 40% tổng giá trị giao dịch trong ngày.

Tổng hợp tình hình lãi/lỗ khi xuất hiện Tín hiệu

Có thể thấy kể từ khi dòng tiền cá mập dồn vào cổ phiếu ngân hàng thì có tỷ lệ tới 80-90% rằng Index sẽ tăng điểm trong vòng 5, 10 và 20 phiên sau đó. Về mức độ tăng, xét riêng trong 5 phiên và 10 phiên kể từ khi dòng tiền vào, mặc dù xác suất giảm chỉ là khoảng 15 – 20% nhưng nếu việc điều chỉnh diễn ra thì mức độ chỉnh là khoảng 4%, cao hơn mức độ tăng trung bình trong trường hợp chỉ số tăng (1.86% tại T+5 và 3.41% tại T+10)

Do đó, có thể đánh giá rằng: Việc theo chân các nhà đầu tư có mập vẫn tiềm ẩn rủi ro trong ngắn hạn, cụ thể là 5 – 10 phiên sau đó. Tuy nhiên, điểm lưu ý nằm ở khung thời gian dài hơn, tại 20 phiên, thị trường sẽ có tỷ lệ chỉ số tăng lên đến 89% và mức độ tăng trung bình là 6.6%, vượt qua mức độ thay đổi trung bình nếu chỉ số giảm.

Lịch sử giao dịch Cá Mập mua chủ động nhóm Cổ phiếu ngân hàng

Ngoài ra, nhìn thêm vào lịch sử giao dịch của nhóm Cá Mập trong thời gian qua, nếu như giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 10 vừa qua, chỉ có 1 vài phiên dòng tiền đổ vào nhóm ngân hàng thì từ trong tháng 10 và tháng 11, số lượng phiên Cá Mập tập trung mua chủ động cổ phiếu ngân hàng cũng tăng vọt với những phiên tỷ lệ mua lên đến 35 – 40%.

Do đó, chúng ta có thể tạm kết luận rằng: Có dấu hiệu cho rằng dòng tiền lớn đang đổ về nhóm cổ phiếu ngân hàng trong thời gian gần đây. Dựa trên dữ liệu quá khứ, chúng ta có thể kỳ vọng Index sẽ thiết lập được mức đỉnh cao mới trong giai đoạn cuối năm 2021 đầu năm 2022 này.

TCBS

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán