Dòng tiền đổ về ngân hàng dù lãi suất vẫn đang “dò đáy”

(Banker.vn) Dòng tiền vẫn ùn ùn chảy về ngân hàng bất chấp làn sóng giảm lãi suất huy động của các ngân hàng chưa có tín hiệu kết thúc. Đáng chú ý, Vietcombank mới đây đã tiếp tục hạ lãi suất, qua đó đưa lãi suất của nhà băng này xuống mức thấp hơn cả thời điểm dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020 - 2021.

Theo dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến hết tháng 8, tổng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng đã đạt trên 12,446 triệu tỷ đồng. Con số này đã tăng hơn 147.500 tỷ đồng so với tháng liền trước và tăng 4,04% so với thời điểm đầu năm.

Dòng tiền đổ về ngân hàng dù lãi suất vẫn đang “dò đáy”
Hình minh họa.

Trong số này, tiền gửi của khu vực dân cư tiếp tục duy trì đà tăng và đạt mức cao nhất từ trước đến nay với hơn 6,433 triệu tỷ đồng, tăng 44.000 tỷ đồng so với tháng 7.

Tính từ đầu năm, tiền gửi dân cư tăng mạnh mẽ với mức tăng lên đến 9,68%, tương đương tăng 567.000 tỷ đồng. Trong đó, người dân tích cực gửi tiền vào ngân hàng những tháng đầu năm, khi lãi suất vẫn duy trì ở mức cao. Chẳng hạn tiền gửi dân cư trong tháng 1 đã tăng thêm tới 177.300 tỷ đồng; tăng 137.000 tỷ đồng trong tháng 2; 100.800 tỷ đồng trong tháng 3 và tăng hơn 52.000 tỷ đồng trong tháng 4.

Đối với khu vực doanh nghiệp, sau khi suy giảm trong tháng 7, các doanh nghiệp đã tăng gửi tiền trở lại trong tháng 8. Tính đến hết tháng 8, tiền gửi của các tổ chức đạt 6,013 triệu tỷ đồng, tăng tới 103.500 tỷ đồng so với tháng trước. Dù vậy, do sự trồi sụt, tăng giảm liên tục nên tiền gửi nhóm doanh nghiệp, tổ chức kinh tế chỉ tăng 1% kể từ đầu năm.

Dù tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tăng chậm lại nhưng đây vẫn là diễn biến lạ khi thời gian qua lãi suất huy động liên tục xuống rất thấp. Cụ thể, ở thời điểm hiện tại, mức lãi suất huy động phổ biến nhiều kỳ hạn còn thấp hơn cả thời điểm mà nhiều người vẫn nghĩ đã là đáy khi dịch COVID-19 bùng phát trong năm 2020 - 2021.

Có thể thấy, làn sóng giảm lãi suất huy động của các ngân hàng vẫn chưa kết thúc, bất chấp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục hút tiền về để giảm dư thừa thanh khoản thông qua hình thức phát hành tín phiếu. Kể từ giữa tháng 9 tới nay, NHNN đã phát hành tổng cộng 186 nghìn tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày theo cơ chế đấu thầu lãi suất với lãi suất trúng thầu dao động trong khoảng 0,5-1,3%.

Hiện nhóm ngân hàng có vốn nhà nước (chiếm gần 50%) thị phần tiền gửi đang niêm yết mức lãi suất ở mức thấp nhất thị trường. Trong đó, Vietcombank vừa giảm thêm 0,2% lãi suất, chỉ còn tối đa 5,1%/năm áp dụng với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, khoản tiền gửi kỳ hạn 1 tháng tại ngân hàng này chỉ được trả lãi suất 2,8%/năm. Theo đó, Vietcombank là ngân hàng có lãi suất tiền gửi thấp nhất toàn hệ thống, khởi động cho làn sóng “dò đáy” lãi suất huy động.

Ba ngân hàng có vốn nhà nước khác là Agribank, VietinBank và BIDV vẫn giữ mức lãi suất tối đa 5,3%/năm cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Việc lãi suất tiền gửi “lao dốc” nhưng dòng tiền vẫn ùn ùn đổ về ngân hàng có thể giải thích là do dòng tiền nhàn rỗi đang thiếu kênh đầu tư hiệu quả. Có thể thấy, thị trường bất động sản vẫn đang đóng băng, thị trường chứng khoán chưa thực sự hồi phục, đầu tư vào vàng thì rủi ro do giá vàng trong nước biến động không theo xu hướng của giá vàng thế giới...

Lãi suất tiền gửi chạm đáy, dòng tiền sẽ chảy về đâu?

Trong bối cảnh lãi suất tiền gửi chạm đáy, dòng tiền có thể sẽ tìm đến thị trường chứng khoán, nhất là khi thị trường ...

Lãi suất tiền gửi thấp và kéo dài, dòng tiền sẽ chảy về đâu?

Trong bối cảnh lãi suất huy động của ngân hàng đã “chạm đáy” và kéo dài như hiện nay, dòng tiền có thể sẽ tìm ...

Mai Lan (T/H)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán