Cho vay tăng nhanh hơn huy động
Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay, tính tới hết quý I/2021, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 2,93%, cao hơn rất nhiều so với mức tăng 1,31% cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng tín dụng trong quý I cũng cao hơn nhiều so với mức tăng trung bình 2,78% trong quý I của 7 năm trở lại đây (kể từ năm 2015 tới nay). Ngược lại, tăng trưởng huy động vốn tính tới ngày 19/3/2021 mới chỉ đạt 0,54%, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng và mức trung bình 2,28% trong quý I của 7 năm trở lại đây.
Theo Tổng cục Thống kê, nguồn vốn đang đổ rất mạnh vào các lĩnh vực đầu tư như bảo hiểm, trái phiếu, cổ phiếu… Doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tăng tới 11%, trong khi tổng mức huy động vốn trên thị trường chứng khoán 3 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt tới gần 55.600 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với lĩnh vực bất động sản, số liệu của NHNN cho thấy, tín dụng cho lĩnh vực này tăng 2,13% cao hơn so với tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế nói chung. Ngoài ra, lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp, trong khi các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản tăng mạnh, khiến dòng tiền có dấu hiệu chảy từ ngân hàng sang các kênh này. Trong khi đó, lạm phát ở Việt Nam đang ở mức cao hơn so với khu vực. Chẳng hạn Trung Quốc lạm phát 2%, Phillipines và Indonesia lạm phát 2,5%, thế giới lạm phát trung bình cũng chỉ ở mức 2%. Còn Việt Nam, lạm phát năm vừa qua là hơn 3,2%, mục tiêu năm 2021 phấn đấu dưới 4%.
Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, những tác động của thị trường thế giới cùng sự phục hồi của nền kinh tế sẽ khiến cầu tín dụng tăng nhanh, gây áp lực lên lãi suất. Nếu tiếp tục “ghìm” mặt bằng lãi suất xuống, rủi ro tài chính sẽ hiện hữu, đặc biệt là nguy cơ dòng tiền tháo chạy khỏi ngân hàng, đổ sang các kênh đầu tư khác.
Lãi suất huy động liệu có tăng?
Lãnh đạo các NHTM cho hay, hiện thanh khoản hệ thống vẫn rất dồi dào. Trước mắt, tình trạng này chưa đáng lo ngại vì nhu cầu tín dụng đang thấp, song quý II, khi hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng dần, việc tăng lãi suất huy động là khó tránh. Hiện tại, hầu hết các ngân hàng đã áp dụng biểu lãi suất huy động mới cho tháng 4/2021, trong đó một số ngân hàng điều chỉnh tăng. Biểu lãi suất huy động tiền đồng (VND) tại các ngân hàng thời điểm hiện nay cho thấy, lãi suất tiết kiệm VND đối với kỳ hạn dưới 6 tháng được áp dụng 3 - 4%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng là 3,5 - 5,5%/ năm và kỳ hạn trên 12 tháng phổ biến ở mức 4,6 - 6%/năm. “Mặt bằng lãi suất tiền gửi vẫn tiếp tục ổn định trong hầu hết quý II/2021 nhưng có thể nhích tăng từ 30 - 50 điểm % trong nửa cuối năm 2021” - đại diện Công ty CP Chứng khoán SSI dự báo.
Ở góc độ điều hành, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh khuyến cáo, phải cảnh giác với những dấu hiệu tác động của kinh tế thế giới (như giá nguyên liệu được dự đoán tăng 30% trong năm nay); hoặc một số lĩnh vực khác, kể cả việc dịch chuyển giữa các dòng vốn từ thị trường tiền tệ sang thị trường trái phiếu, thị trường vốn hoặc thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản… Vì vậy, NHNN sẽ điều hành chính sách lãi suất một cách hợp lý. Nếu như những chỉ số đó tích cực thì NHNN sẽ tiếp tục giảm cho cả lãi suất huy động và cho vay. Một mặt vẫn yêu cầu, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung hạn chế, giảm bớt những chi phí, tạo điều kiện giảm tiếp lãi suất cho DN và người dân trong cả năm 2021, trước mắt là những tháng đầu năm.
Tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với NHNN, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chia sẻ: Thực tiễn hoạt động ngân hàng thời gian qua cho thấy, DN nhỏ và vừa chiếm trên 90% số lượng DN của Việt Nam. Khả năng tiếp cận vốn của DN nhỏ và vừa còn hạn chế do năng lực tài chính, quản trị kém... Về phía NHNN sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các tổ chức tín dụng cắt giảm thủ tục để tăng khả năng tiếp cận tín dụng đối với DN và người dân.
Khối nghiên cứu Kinh tế Ngân hàng HSBC kỳ vọng, lạm phát của Việt Nam trong năm 2021 sẽ nằm ở mức trung bình 3%, dưới mức trần 4% theo mục tiêu đề ra và điều này tạo điều kiện cho NHNN duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. Một số chuyên gia nhận định, với Việt Nam, áp lực lạm phát không đến do tiền tệ ở trong nước mà chủ yếu do yếu tố giá cả, nhất là "nhập khẩu" lạm phát do giá hàng hóa thế giới tăng và Việt Nam phải nhập nhiều để tiêu thụ và sản xuất.
Theo KT&ĐT - Theo Báo Công thương
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|