Dòng tiền chưa "nghỉ Tết" với cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp

(Banker.vn) Những phiên giao dịch sát Tết Nguyên đán 2024, thị trường chứng kiến trạng thái giằng co, rung lắc khi các nhóm cổ phiếu lớn như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán suy yếu. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp nổi lên với nhiều điểm sáng...

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 31/1, cổ phiếu D2D của Công ty CP Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (HoSE: D2D) ngược dòng thị trường tăng 2,8% lên mức 31.050 đồng/cp. Khối lượng khớp lệnh đạt 160.000 đơn vị (71% đến từ mua chủ động). Đây đã là phiên tăng thứ 6 liên tiếp của cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp này.

Dòng tiền chưa
Nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp nổi lên với nhiều điểm sáng trong đó có D2D, IDC, SIP...

Thực tế, đà tăng của cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp này đã diễn ra trong 2 tuần trở lại đây. Mức tăng hơn 22% kéo giá D2D lên gần kháng cự 32.000 đồng (giá cũ cách đây hơn nửa năm).

Những phiên giao dịch sát Tết Nguyên đán 2024, thị trường chứng kiến trạng thái giằng co, rung lắc khi các nhóm cổ phiếu lớn như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán suy yếu. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp nổi lên với nhiều điểm sáng trong đó có D2D, IDC, SIP...

Kết phiên 31/1, cổ phiếu IDC ngắt mạch tăng 4 phiên. Trong khi đó, SIP vừa có phiên tăng giá thứ 5 liên tiếp lên mức 77.500 đồng/cp. Chỉ tính từ đầu tháng 11/2023 tới nay, cổ phiếu này đã tăng 57% giá trị.

Trở lại với D2D, nhịp tăng giá ấn tượng 2 tuần gần nhất cùng với thanh khoản đột biến có dấu ấn lớn từ câu chuyện kinh doanh của công ty. Cụ thể, quý 4/2023 là quý mà D2D có kết quả kinh doanh tốt nhất kể từ quý 1/2022. Nhưng tổng kết cả năm, D2D chưa hoàn thành kế hoạch đề ra.

Trong quý 4, D2D ghi nhận doanh thu thuần gần 119 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ. Sau khấu trừ giá vốn, lãi gộp 38 tỷ đồng, tăng 35%.

Trái ngược, doanh thu hoạt động tài chính giảm 36%, còn gần 3 tỷ đồng. Chi phí tài chính cũng giảm 73% còn 1,5 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng 18% lên gần 12 tỷ đồng. Kết quả, doanh nghiệp thu về hơn 23 tỷ đồng lãi ròng trong quý 4, tăng 69% so với cùng kỳ. Đây cũng là quý có kết quả tốt nhất của D2D kể từ quý 1/2022.

Năm 2023, D2D đạt lãi ròng hơn 25 tỷ đồng, tăng 48% so với năm trước. So với kế hoạch đề ra, D2D mới thực hiện được 79% chỉ tiêu tổng doanh thu và 62% chỉ tiêu lãi sau thuế năm.

Tính đến ngày 31/12/2023, D2D có tổng tài sản gần 1.559 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền tăng 75% lên 29 tỷ đồng. Hàng tồn kho ở mức 153 tỷ đồng, tăng 7%, với phần lớn là chi phí dở dang của dự án khu dân cư Lộc An hơn 62 tỷ đồng, chung cư D2D gần 25 tỷ đồng. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang cũng tăng 43% lên gần 66 tỷ đồng, tập trung ở dự án xây dựng văn phòng công ty (64 tỷ đồng).

Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả gần 623 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm. Trong đó, doanh thu chưa thực hiện tới 574 tỷ đồng, chiếm 92%. Doanh nghiệp không ghi nhận khoản vay tài chính.

Dòng tiền chưa
Diễn biến giá cổ phiếu D2D trong vòng 1 năm trở lại đây

Ở diễn biến khác, vào ngày 18/12, HĐQT D2D đã thông qua việc thuê lại đất của Công ty CP Sonadezi Châu Đức (HOSE: SZC) - công ty cùng tập đoàn Tổng Công ty CP Phát triển Khu Công nghiệp (UPCoM: SNZ). D2D thuê lại lô đất số 32 với tổng diện tích 65 nghìn m2 tại đường Đ.06, khu công nghiệp Châu Đức, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tiền thuê đất gồm gần 125,2 tỷ đồng phí sử dụng hạ tầng (chưa thuế GTGT), tương đương hơn 1,9 triệu đồng/m2, thanh toán đợt 1 (90%) trước ngày 25/12/2023 và thanh toán đợt 2 (10%) trước ngày 25/02/2024; tiền thuê đất hàng năm nộp cho Nhà nước tạm tính gần 153 triệu đồng, thanh toán chậm nhất ngày 31/01; phí quản lý 12.038 đồng/m2/năm (chưa thuế GTGT), thanh toán hàng năm chậm nhất ngày 31/01, mức phí này sẽ được điều chỉnh mỗi 5 năm. Thời gian thuê đất từ ngày ký hợp đồng đến tháng 10/2058, tương ứng 35 năm.

Trong báo cáo ngành mới đây, MBS kỳ vọng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp ở miền Bắc sẽ hưởng lợi nhiều từ nguồn vốn FDI tăng mạnh và chuyển dịch của nhà xưởng nhờ vị trí chiến lược (gần Trung Quốc), cơ sở hạ tầng tốt, chi phí thuê thấp hơn và nguồn đất sạch lớn hơn so với khu vực miền Nam. Đối với các tỉnh phía Nam, tỉnh Bình Dương được đánh giá cao do vị trí đắc địa, cơ sở hạ tầng phát triển và lượng đất có sẵn mới.

Từ những phân tích trên, MBS cho rằng triển vọng đầu tư cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp trong năm 2024 sẽ tập trung vào doanh nghiệp có: Quỹ đất sạch đảm bảo cho thuê trong dài hạn, vị trí thuận lợi, được đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông; tình hình tài chính lành mạnh, vay nợ thấp; định giá hấp dẫn với tỷ lệ cổ tức cao.

MWG báo lãi thấp nhất trong vòng 11 năm, cổ phiếu có tín hiệu điều chỉnh

Kết thúc quý 4/2023, MWG báo lãi sau thuế giảm 96%, mức thấp nhất trong 11 năm trở lại đây.

Nhận định chứng khoán phiên 1/2: Nhóm ngân hàng nhường vai trò dẫn dắt

Nhận định về thị trường chứng khoán phiên tới, TPS kỳ vọng áp lực bán sẽ được hấp thụ tại đây và vai trò của ...

Thị trường chứng khoán ngày 1/2/2024: Thông tin trước giờ mở cửa

Dòng tiền rút khỏi dòng bank, VN-Index giảm khá mạnh; Vận tải và Xếp dỡ Hải An đón VSC vào ghế cổ đông lớn; Chủ ...

Linh Đan

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán