Động lực và sức sống mới cho bước phát triển xa hơn của ASEAN

(Banker.vn) Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN vừa được khai mạc tại Lào, khởi đầu cho Năm ASEAN 2024 với chủ đề “ASEAN: Thúc đẩy kết nối và tự cường”.
Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý, bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền với Hoàng Sa, Trường Sa Bác bỏ những luận điệu sai sự thật, chia rẽ Việt Nam với cộng đồng quốc tế Hoạt động đối ngoại đa phương đã nâng tầm vị thế Việt Nam trên trường quốc tế

ASEAN - Thúc đẩy kết nối và tự cường

Ngày 29/1/2024, tại Luang Prabang (Lào), Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã chính thức khai mạc, khởi đầu cho Năm ASEAN 2024 với chủ đề “ASEAN: Thúc đẩy kết nối và tự cường". Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith chủ trì Hội nghị với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN.

Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Timor-Leste tham dự với tư cách Quan sát viên. Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Trưởng đoàn, đã có nhiều đóng góp quan trọng cho Hội nghị.

Động lực và sức sống mới cho bước phát triển xa hơn của ASEAN
Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã chính thức khai mạc tại Lào, khởi đầu cho Năm ASEAN 2024 với chủ đề “ASEAN: Thúc đẩy kết nối và tự cường". Ảnh: Bộ Ngoại giao

Tại Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, các nước chúc mừng Lào đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch ASEAN vào thời điểm quan trọng trong tiến trình xây dựng Cộng đồng, với việc ASEAN cơ bản hoàn tất Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 để chuyển tiếp sang Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045. Các Bộ trưởng cam kết ủng hộ và phối hợp triển khai các ưu tiên của ASEAN với hai thành tố trung tâm là “tự cường” và “kết nối” năm 2024.

Theo đó, để hướng tới một ASEAN “kết nối” chặt chẽ hơn, Hội nghị nhất trí với các định hướng thúc đẩy phục hồi và kết nối các nền kinh tế, chú trọng phát triển bền vững và bao trùm, đẩy mạnh chuyển đổi số, củng cố năng lực hệ thống y tế, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường hợp tác văn hóa-nghệ thuật, nâng cao vai trò, đóng góp của phụ nữ, trẻ em…

Đồng thời, đề cao ý nghĩa chiến lược trong nâng cao khả năng “tự cường” của ASEAN trước những biến động ở khu vực và thế giới, các Bộ trưởng nhấn mạnh, cần tiếp tục củng cố đoàn kết, vai trò trung tâm của ASEAN, giữ vững đà xây dựng Cộng đồng, tích cực chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới với định hình các Chiến lược hợp tác đến năm 2045, đồng thời đưa quan hệ giữa ASEAN với các đối tác đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.

Với các ưu tiên trên cả 3 trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội, các nước tin tưởng rằng, các kết quả của năm 2024 sẽ tiếp thêm sức mạnh cho hợp tác khu vực, khẳng định uy tín, vị thế và vai trò của ASEAN.

Việt Nam đăng cai Diễn đàn Tương lai ASEAN

Tại Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hoan nghênh chủ đề hợp tác năm 2024 và đánh giá cao các ưu tiên do Lào đề xuất rất phù hợp bối cảnh hiện tại của khu vực. Đặc biệt ASEAN cần tiếp tục tăng cường kết nối số, kết nối hạ tầng, người dân, thể chế, cũng như nâng cao thương mại và đầu tư nội khối... để ASEAN thật sự là tâm điểm của tăng trưởng.

Theo đó, Bộ trưởng khẳng định, Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ Lào đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN.

Động lực và sức sống mới cho bước phát triển xa hơn của ASEAN
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN. Ảnh: Bộ Ngoại giao

Tiếp nối thành quả đã đạt được trong tiến trình xây dựng Cộng đồng, Bộ trưởng đề nghị các trụ cột khẩn trương kiểm điểm các Kế hoạch Tổng thể 2025 nhằm rút ra các bài học kinh nghiệm và thực tiễn tốt phục vụ quá trình triển khai các Chiến lược hợp tác đến 2045. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh với khung thời gian 20 năm, các Chiến lược 2045 cần có cách tiếp cận bao trùm, toàn diện và sáng tạo, với các cơ chế theo dõi, đánh giá, cập nhật định kỳ để bảo đảm đáp ứng các ưu tiên, nhu cầu của ASEAN trong mọi hoàn cảnh.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn mời các nước tham gia Diễn đàn Tương lai ASEAN về phát triển nhanh và bền vững, lấy người dân làm trung tâm, do Việt Nam đăng cai tổ chức. Đây là sáng kiến của Việt Nam tạo diễn đàn trao đổi sâu rộng, đa chiều giữa các quan chức, chuyên gia, học giả, và các nhóm, giới khác về các ý tưởng và khuyến nghị chính sách mang tính đột phá, sáng tạo cho sự phát triển, liên kết và hợp tác của ASEAN.

Điểm lại những tiến triển trong quan hệ đối ngoại của ASEAN, Bộ trưởng khẳng định Việt Nam sẽ tích cực tham gia và đóng góp cho thành công của những sự kiện quan trọng sắp tới như: Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Australia tại Melbourne, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Liên minh châu Âu lần thứ 24 tại Bỉ...

Là nước điều phối quan hệ ASEAN-Hàn Quốc, Việt Nam đề nghị các nước xem xét đề xuất nâng cấp Đối tác chiến lược toàn diện với ASEAN, tiếp tục ủng hộ nâng tầm hợp tác hai bên hướng tới kỷ niệm 35 năm quan hệ ASEAN - Hàn Quốc trong 2024.

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều chuyển động mới, phức tạp, khó đoán định, Bộ trưởng nhấn mạnh, ASEAN cần giữ vững đoàn kết, đồng thuận, phát huy độc lập, tự chủ chiến lược. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã cùng các nước thảo luận các vấn đề cùng quan tâm.

Động lực và sức sống mới cho bước phát triển xa hơn của ASEAN
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng cam kết ủng hộ và phối hợp triển khai các ưu tiên của ASEAN với hai thành tố trung tâm là “tự cường” và “kết nối” năm 2024. Ảnh: Bộ Ngoại giao

Bộ trưởng đã tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông; đề nghị ASEAN kiên trì hỗ trợ Myanmar, cam kết Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng hợp tác với Chủ tịch ASEAN 2024 và Đặc phái viên trong vấn đề Myanmar.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng nhấn mạnh ASEAN cần duy trì cách tiếp cận cân bằng, khách quan, nâng cao vai trò và tiếng nói trong các vấn đề liên quan tới hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới.

Kết thúc Hội nghị, Lào - Chủ tịch ASEAN 2024, đã ra Thông cáo báo chí phản ánh toàn diện các nội dung được trao đổi tại Hội nghị.

Động lực và sức sống mới cho ASEAN

Đánh giá về ý nghĩa của Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Đại sứ Vũ Hồ, Quyền trưởng SOM ASEAN Việt Nam, Vụ trưởng Vụ ASEAN (Bộ Ngoại giao) cho biết, Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã thành công tốt đẹp, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Trước hết, là hoạt động đầu tiên của Chủ tịch ASEAN 2024, Hội nghị lần này có nhiệm vụ quan trọng là xác định các trọng tâm, ưu tiên của ASEAN làm cơ sở định hướng xuyên suốt và tổng thể cho hợp tác ASEAN trong cả năm. Các nước đánh giá rất cao chủ đề của năm nay “ASEAN: Thúc đẩy kết nối và tự cường”, thống nhất 9 ưu tiên của ASEAN trên cả hai cụm nội dung về kết nối và tự cường, phản ánh nhu cầu chung của ASEAN trước các yêu cầu của thời đại.

Cụ thể, về “tự cường”, ASEAN sẽ tập trung xây dựng các Chiến lược triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy hợp tác môi trường, tăng cường sự tham gia và đóng góp của phụ nữ, trẻ em và nâng cao năng lực y tế khu vực.

Về “kết nối”, ASEAN sẽ thúc đẩy sự gắn kết giữa các nền kinh tế, thúc đẩy phát triển bao trùm và bền vững, chuyển đổi hướng đến tương lai số, và phát huy vai trò của văn hóa, nghệ thuật trong tiến trình hội nhập khu vực.

Một điểm nhấn nữa cho hợp tác ASEAN năm 2024 là thời điểm chuyển giao giữa các khuôn khổ chiến lược xây dựng Cộng đồng. ASEAN bước vào năm cuối cùng triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và chuẩn bị các bước phát triển cho giai đoạn tiếp theo. Xây dựng Cộng đồng là một tiến trình liên tục và lâu dài, song bước chuyển giai đoạn luôn mang ý nghĩa quan trọng, mở ra những cơ hội, khát vọng và quyết tâm mới cho sự phát triển của Cộng đồng.

Từ Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 đến Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 không đơn giản là phép cộng của thời gian, mà là phép nhân của nỗ lực với mong muốn tạo ra những đột phá mạnh mẽ hơn, sáng tạo hơn cho liên kết của ASEAN trong những năm tới. Bởi lẽ đó, 2024 cũng sẽ là một năm bận rộn của ASEAN với việc chuẩn bị kiểm điểm toàn diện các Kế hoạch tổng thể 2025 và xây dựng các Chiến lược hợp tác mới đến năm 2045.

Cuối cùng, không thể không nhắc đến thông điệp đoàn kết, hợp tác và tự cường mà Hội nghị đã chuyển tải thông qua kết quả trao đổi của các Bộ trưởng về tình hình quốc tế và khu vực. Cạnh tranh chiến lược nước lớn, Biển Đông, Myanmar, xung đột Nga-Ukraine, Trung Đông... và cùng với đó là các tiến trình đang diễn ra như thực hiện Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hay triển khai Đồng thuận 5 điểm về Myamar đều hiện diện trong chương trình nghị sự của Hội nghị. Điều này cho thấy ASEAN nhận thức sâu sắc về tính cấp thiết của những vấn đề đang đặt ra cũng như hệ lụy, tác động đối với hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển bền vững ở khu vực. Cùng trao đổi để hiểu hơn mối quan tâm của nhau, từ đó cùng nỗ lực tìm kiếm giải pháp chung phù hợp nhất.

Qua chính những trao đổi chân thành, thẳng thắn đó, các nước càng thêm thấy trân trọng giá trị của đoàn kết, thống nhất đã tạo nên sức mạnh cho ASEAN vững vàng vượt qua mọi khó khăn, trở ngại cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Các nước tin tưởng rằng kết quả của Hội nghị lần này không chỉ là tiền đề quan trọng cho hợp tác ASEAN trong cả năm 2024, mà còn tạo động lực và sức sống mới cho những bước phát triển xa hơn của ASEAN trong những thập kỷ tới.

Hoàng Giang

Theo: Báo Công Thương