Động lực thúc đẩy thị trường bất động sản ĐBSCL phát triển

(Banker.vn) Với hạ tầng giao thông ngày càng được chú trọng đầu tư xây dựng, trong đó có hệ thống cao tốc, cảng biển và đường thủy nội địa sẽ là động lực thu hút đầu tư phát triển thị trường BĐS Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.
Động lực thúc đẩy thị trường bất động sản ĐBSCL phát triển

Chia sẻ tại Diễn đàn “Triển vọng đầu tư xây dựng hạ tầng - Phát triển kinh tế ĐBSCL”, TS Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, đầu năm 2023 thị trường BĐS Tây Nam Bộ dường như "đứng yên". Phần lớn doanh nghiệp BĐS đều chuyển đổi mô hình kinh doanh hoặc giải thể.

Bước sang quý II, thị trường có khởi sắc, các dự án được đưa ra thị trường đều là các dự án có chất lượng tốt, gần như đã hoàn thiện, pháp lý đầy đủ, mật độ xây dựng thấp. Trong đó, điểm sáng của khu vực này là ít bị ảo, ít bị ảnh hưởng bởi tình trạng sốt đất.

Số liệu thống kê cho thấy, nguồn cung trong quý I/2023, khu vực có 83 dự án mở bán, đưa ra thị trường hơn 9,4 nghìn sản phẩm mới. Trong đó, nguồn cung mới tập trung chủ yếu ở Long An và Kiên Giang.

Cũng theo số liệu thống kê, đất nền, biệt thự, liền kề, nhà phố là hai phân khúc chiếm tỷ trọng nguồn cung mới lớn nhất. Lần lượt chiếm 29,5% và 58% tổng nguồn cung toàn khu vực.

Về giao dịch, tỷ lệ hấp thụ trong quý I/2023 khoảng 4,3%, tương đương 407 giao dịch. Trong quý II, thị trường có lượng giao dịch tăng nhẹ. Chủ yếu tập trung ở nhóm sản phẩm giá dưới 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, mặt bằng giá tại các dự án thuộc khu vực đồng ĐBSCL tương đối ổn định, ít xảy ra tình trạng sốt ảo.

TS Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam
TS Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam

Ở các phân khúc khác như BĐS du lịch, nghỉ dưỡng, giống như tình trạng chung của cả nước, khu vực ĐBSCL cũng rơi vào tình trạng trầm lắng, thanh khoản thấp. Trong khi đó, BĐS văn phòng, thương mại khu vực này phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.

Đánh giá về những yếu tố tác động đến thị trường BĐS Tây Nam Bộ, TS Nguyễn Văn Đính cho rằng, tốc độ tăng trưởng bình quân GRDP năm 2022 đạt 8,5%. Trong đó, GRDP tỉnh Hậu Giang đứng thứ nhất vùng ĐBSCL và đứng thứ 4 cả nước. Dự báo GRDP toàn Vùng có thể tăng mạnh hơn giai đoạn cuối năm.

Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông ngày càng được chú trọng đầu tư, triển khai xây dựng như hệ thống cao tốc, cảng biển và đường thủy nội địa. Dự báo, trong vòng 4 năm tới, khu vực ĐBSCL sẽ có thêm khoảng 554 km cao tốc, 4 cây cầu mới. Do đó, đây sẽ là động lực thu hút đầu tư, phát triển thị trường BĐS của vùng ĐBSCL sôi động trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam nhấn mạnh: Việc đẩy mạnh đầu tư công, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông ở khu vực ĐBSCL đã tạo kết nối không gian vùng này với TP.HCM và miền Đông Nam Bộ. Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và mạnh hơn trong thời gian tới.

Đặc biệt, hạ tầng được chú trọng đầu tư sẽ tạo tăng trường, tỷ lệ đô thị hóa và số lượng các khu kinh tế lớn ở vùng này. Điều đó cũng đồng nghĩa với tăng trưởng việc làm, tăng trưởng dân số và lao động.

“Tăng trưởng kinh tế mạnh chắc chắn sẽ tạo tăng trưởng lực cầu đầu tư và nhu cầu của thị trường BĐS. Những phân khúc chủ đạo của thị trường BĐS của ĐBSCL được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới bao gồm: nhà ở đô thị, BĐS công nghiệp, BĐS du lịch, BĐS” - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam nhận định.

Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định: “Vùng ĐBSCL có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Phát triển nhanh và bền vững phù hợp với vai trò, vị trí chiến lược của vùng; trở thành vùng phát triển hiện đại, sinh thái, văn minh và bền vững là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước”.

Thanh Trà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán