Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), Ðông Bắc Á là thị trường có quy mô dân số lớn với khoảng 1,6 tỷ dân bao gồm những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Hiện các đối tác quan trọng trong khu vực Đông Bắc Á đều đã ký kết và tham gia các hiệp định thương mại tự do cả song phương và đa phương với Việt Nam như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP… Đây chính là nhân tố hỗ trợ phát triển trao đổi thương mại, đầu tư với các nước trong khu vực Đông Bắc Á đồng thời giúp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của khu vực và thế giới.
Tận dụng ưu đãi từ các FTA để mở rộng hợp tác thương mại giữa Việt Nam với khu vực Đông Bắc Á. Ảnh minh họa |
Cũng theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, 2023 là năm khó khăn đối với kinh tế Việt Nam trước tác động từ cả bên trong và bên ngoài. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, chịu tác động mạnh từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, sụt giảm tổng cầu, biến động thị trường và điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn, nhất là chính sách lãi suất-tỷ giá. Các động lực tăng trưởng chính của Việt Nam như đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng trong nước gặp nhiều thách thức.
Đứng trước những khó khăn thách thức đó, Bộ Công Thương Việt Nam đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ duy trì trao đổi thương mại với tất cả các đối tác, đặc biệt là những đối tác quan trọng tại khu vực Đông Bắc Á.
Kết thúc năm 2023, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 61,2 tỷ USD, tăng 6,4% trở thành điểm sáng xuất khẩu của các nước trong bối cảnh xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm. Xuất khẩu sang các thị trường còn lại tại khu vực Đông Bắc Á giảm nhẹ, trong đó Nhật Bản và Hàn Quốc giảm 4%, Đài Loan (Trung Quốc) giảm 7%.
Năm 2024, trước những nhận định không khả quan về triển vọng kinh tế thế giới từ Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)… Bộ Công Thương xác định cần tiếp tục bám sát tình hình, duy trì và thúc đẩy mạnh hơn nữa công tác thúc đẩy xuất khẩu, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp nhằm tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương với tất cả các đối tác trên thế giới.
Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm Bộ Công Thương được giao tại Nghị Quyết 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.
Lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi nhấn mạnh, trong 4 tháng đầu năm 2024, để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu và phát triển thị trường với các đối tác trong khu vực Đông Bắc Á, các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương đã đồng loạt triển khai các giải pháp:
Một là, triển khai mạnh mẽ các hoạt động đối ngoại để thúc đẩy hợp tác song phương về thương mại, công nghiệp, năng lượng thông qua các chuyến thăm, tiếp xúc của Lãnh đạo cấp cao tới Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhiều cơ chế hợp tác mới được xây dựng đã góp phần tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp qua đó thúc đẩy các hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư, kinh doanh với các đối tác nước ngoài;
Hai là, thúc đẩy và phối hợp với đối tác các nước triển khai những nội dung hợp tác đã thống nhất tại các kỳ họp ủy ban hỗn hợp và bản thỏa thuận, kế hoạch hành động (Kế hoạch hành động giai đoạn 2023 - 2026 triển khai Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương và Chính quyền nhân dân tỉnh Vân Nam về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại; Kế hoạch hành động triển khai Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương và Chính quyền Quảng Tây (Trung Quốc) về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại giai đoạn 2024 - 2026 với Quảng Tây (Trung Quốc); Thành lập Trung tâm Chuỗi cung ứng khoáng sản thiết yếu Việt Nam - Hàn Quốc)…
Đồng thời tiếp tục trao đổi, xây dựng các cơ chế hợp tác mới (Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại hàng nông sản với Bộ Thương mại Trung Quốc; Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế thương mại với Chính quyền nhân dân tỉnh Sơn Đông; Kế hoạch hành động triển khai mục tiêu kim ngạch thương mại 150 tỷ với Hàn Quốc; Thành lập trung tâm ..).
Ba là, cung cấp thông tin thị trường, hướng dẫn tiếp cận thị trường các nước khu vực Đông Bắc Á; tổ chức hội nghị, tuyên truyền về các Hiệp định thương mại tự do (CPTPP, RCEP, EVFTA, VKFTA…) nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nắm và khai thác lợi thế từ các FTA thúc đẩy các hoạt động xuất nhập khẩu.
Bốn là, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương trong và ngoài nước hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xúc tiến xuất khẩu(Hội nghị xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam – Nhật Bản; Chương trình kết nối giao thương cho doanh nghiệp Việt Nam tại Trung Quốc; Hội nghị; chuỗi sự kiện kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2024 - Viet Nam International Sourcing 2024).
Năm là, phối hợp và hỗ trợ các địa phương tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tháo gỡ khó khăn tại các cửa khẩu biên giới, tập trung cho các sản phẩm nông sản chủ lực, nông sản mùa vụ của Việt Nam như vải thiều, gạo, sầu riêng, thanh long sang các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Với những nỗ lực đó, trong 4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với các nước trong khu vực Đông Bắc Á đạt trên 112 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 14,3%, Hàn Quốc tăng 8,8%, Nhật Bản tăng 3,2%, Đài Loan (Trung Quốc) tăng 20%; Hồng Kông (Trung Quốc) tăng 59%.
Tình hình chính trị khu vực và thế giới còn tiềm ẩn nhiều bất ổn; những tác động trễ của các chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm kiềm chế lạm phát cao, các điều kiện tín dụng hạn chế của các nước là nguyên nhân làm nhu cầu thương mại và đầu tư toàn cầu yếu.
Để tiếp tục duy trì sự phục hồi như bốn thàng đầu năm 2024 đồng thời thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa đối với thương mại, kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm 2024, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tập trung, quyết liệt triển khai các giải pháp đồng bộ phát triển ngoại thương của Việt Nam, trong đó khu vực Đông Bắc Á.