Động lực tăng trưởng của cổ phiếu chứng khoán đang dần "phai nhạt"

(Banker.vn) Những động lực thúc đẩy các cổ phiếu chứng khoán đi lên thời gian qua đang có dấu hiệu phai nhạt dần là điều đáng để các nhà đầu tư lưu ý...

Phiên giao dịch cuối tuần qua, VN-Index đã có lúc giảm 38 điểm. Tuy nhiên, VN-Index đã có nhịp hồi để khớp tại mức 1.193 điểm (-19,69; -1,62%). HNX-Index giảm 8,72 điểm (3,46%) khớp ở mức 243,15 điểm. UPCoM giảm 1,63 điểm (1,76%), khớp ở mức 90,76 điểm.

Độ rộng VN-Index nghiêng về bên bán với 70 cổ phiếu tăng giá (3 trần)/455 cổ phiếu giảm giá (29), con số này ở sàn HNX là 37 (8 trần)/175 (7 cổ phiếu sàn). Tổng giá trị giao dịch trên 3 sàn phiên này đạt hơn 37.300 tỷ đồng - tương ứng 1,67 tỷ cổ phiếu đã được sang tay.

Nhà đầu tư có thể tạm thở phào khi mức giảm của VN-Index đã được thu hẹp đáng kể so với mức thấp nhất phiên. Dù vậy, một số nhóm ngành vẫn chịu áp lực bán rất mạnh, điển hình như các cổ phiếu chứng khoán. Đa phần các cổ phiếu đều giảm hết biên độ hoặc sát sàn, thậm chí "trắng bên mua".

Động lực tăng trưởng của cổ phiếu chứng khoán đang dần

Sau 2 phiên giảm mạnh liên tiếp, hầu hết các cổ phiếu như SSI, VND, HCM, VCI, MBS, SHS, AGR, BSI, CTS,… đều đã “bốc hơi” 10-13% thị giá. Cú đảo chiều chóng vánh trên nhóm chứng khoán diễn ra sau khi hàng loạt cổ phiếu đã tăng rất mạnh trong thời gian dài, nhiều cái tên đã trở lại vùng giá cao nhất trong hàng chục tháng, thậm chí gần đỉnh lịch sử.

Thực tế, dù điều chỉnh sâu trong 2 phiên vừa qua nhưng đa phần các cổ phiếu nhóm chứng khoán vẫn ghi nhận mức tăng từ hàng chục % đến bằng lần so với thời điểm đầu năm. Do đó, áp lực chốt lời mạnh là khó tránh khỏi, đặc biệt trong bối cảnh thị trường chung cũng biến động không thuận lợi.

Thêm nữa, đà tăng mạnh trước đó cũng đã đẩy định giá nhóm cổ phiếu chứng khoán không còn thực sự hấp dẫn. P/B của ngành hiện ở mức 1,7 lần tương đương so với mức trung bình trong 3 năm. Nhiều cổ phiếu vốn hoá lớn như SSI, VND, HCM, VCI,… có mức P/B trên 2 lần. Con số này cao hơn nhiều so với đầu năm - thời điểm hầu hết các cổ phiếu nhóm này có P/B vào khoảng 1-1,5 lần. Định giá không còn rẻ là một yếu tố khiến dòng tiền bắt đáy dè dặt hơn trong các nhịp điều chỉnh.

Giảm sâu 2 phiên liên tiếp sau khi đã tăng một đoạn dài chưa phải "thảm hoạ" đối với nhóm chứng khoán. Tuy nhiên, những động lực thúc đẩy các cổ phiếu chứng khoán đi lên thời gian qua đang có dấu hiệu phai nhạt dần là điều đáng lưu ý.

Động lực tăng trưởng của cổ phiếu chứng khoán đang dần

Thời gian gần đây, nhóm cổ phiếu chứng khoán được hưởng lợi rất lớn từ sự hồi phục mạnh mẽ về mặt thanh khoản của thị trường. Từ vùng đáy dưới 10.000 tỷ/phiên giai đoạn tháng 3-4, giá trị khớp lệnh bình quân phiên trên HoSE đã liên tục tăng mạnh lên trên 20.000 tỷ/phiên vào tháng 8 vừa qua.

Tuy nhiên, xu hướng này đang có dấu hiệu chững lại kể từ đầu tháng 9. Các phiên giao dịch thanh khoản cao bắt đầu thưa dần. Dòng tiền mạnh thường chỉ xuất hiện vào những thời điểm thị trường giảm sâu và tỏ ra dè dặt tại các vùng giá cao. Điều này khiến cho thị trường rơi vào trạng thái “sideway down” và nhóm chứng khoán với đặc thù có độ nhạy cao cũng gặp khó.

Về cơ bản, thanh khoản tăng thời gian qua có đóng góp không nhỏ đến từ lớp nhà đầu tư mới tham gia thị trường thời gian gần đây. Trong tháng 8, nhà đầu tư trong nước đã mở mới gần 190.000 tài khoản chứng khoán, cao nhất trong vòng 13 tháng. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp số lượng tài khoản mở mới có sự tăng trưởng so với tháng liền trước.

Điều này một phần xuất phát từ xu hướng giảm của lãi suất thời gian qua sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tiếp có động thái nới lỏng chính sách tiền tệ. Lãi suất tiết kiệm giảm xuống mức thấp khiến một phần tiền nhàn dỗi chuyển từ kênh tiền gửi sang chứng khoán. Lãi suất cho vay dù giảm chậm hơn nhưng cũng góp phần giảm bớt gánh nặng lãi vay đối với doanh nghiệp đồng thời tạo ra dư địa để các công ty chứng khoán giảm lãi suất margin, kích thích nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy.

Tuy nhiên, dư địa để tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ có thể không lớn và NHNN nhiều khả năng sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ cân bằng hơn đôi chút. Mới nhất, trong 2 phiên giao dịch 21/9 và 22/9, NHNN đã hút ròng gần 20.000 tỷ ra khỏi hệ thống ngân hàng thông qua kênh tín phiếu.

Việc NHNN mở lại kênh hút tiền qua tín phiếu sau hơn 6 tháng tạm ngưng sẽ giúp giảm bớt sự dư thừa thanh khoản hệ thống và có chiều hướng làm tăng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng. Điều này sẽ tác động tích cực đến tỷ giá – vốn đang chịu áp lực lớn do sự trái ngược chính sách tiền tệ giữa Mỹ và Việt Nam.

Nhận định chứng khoán ngày 25/9: Rủi ro mở rộng nhịp điều chỉnh

Thị trường phiên cuối tuần giảm điểm trong bối cảnh thanh khoản tăng mạnh và cao hơn trung bình 20 phiên. Công ty CK nhận ...

VN-Index còn nhiều rủi ro, nhà đầu tư nên "thận trọng" trong tuần giao dịch từ 25-29/9

Trong tuần qua, thị trường chứng khoán biến động tương đối mạnh với những phiên giảm sàn hàng loạt của nhóm chứng khoán, bất động ...

Thị trường chứng khoán ngày 25/9/2023: Thông tin trước giờ mở cửa

Cổ phiếu họ Vin kéo VN-Index thủng mốc 1.200 điểm; Hơn 78 triệu cổ phiếu gạo Trung An vào diện cảnh báo; Cổ phiếu một ...

Nhật Hải

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán