Động lực nào cho ngành ngân hàng năm 2023?

(Banker.vn) Theo nhận định, lợi nhuận năm 2023 của các ngân hàng sẽ khó duy trì tốc độ tăng trưởng cao như năm 2022 đồng thời kỳ vọng chi phí dự phòng sẽ bắt đầu gia tăng kể từ quý IV/2022. Tuy vậy, toàn ngành vẫn sẽ nhận được hỗ tợ từ nhiều yếu tố về nới room tín dụng, lãi suất, thu nhập từ phí và việc tăng vốn của các ngân hàng.

Chốt lời phiên cuối năm, nhiều cổ phiếu ngân hàng đảo chiều giảm điểm

Dự báo năm 2023: Tăng trưởng cung tiền sẽ hồi phục trở lại

Nới room tín dụng

Mới đây, NHNN đã quyết định nới room tín dụng thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng với nguyên tắc ưu tiên các tổ chức có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp. NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên.

SSI Research nhận định những ngân hàng sẽ có tăng trưởng tín dụng cao hơn so với các ngân hàng khác bao gồm Vietcombank, MB, HDBank và VPBank.

Động lực nào cho ngành ngân hàng năm 2023?. Ảnh minh họa
Động lực nào cho ngành ngân hàng năm 2023?. Ảnh minh họa

Đối với điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2023, trong bối cảnh chênh lệch tín dụng – huy động âm, NHNN tỏ ra khá thận trọng. Hiện NHNN chưa tiết lộ con số tăng trưởng tín dụng mục tiêu của năm 2023, tuy nhiên thông điệp được phát đi từ nhà điều hành là sẽ hỗ trợ cung ứng vốn cho nền kinh tế nhưng luôn đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát lên hàng đầu

"Chỉ tiêu tín dụng năm 2023 sẽ được NHNN xem xét rất thận trọng nhưng không có nghĩa là cứng nhắc”, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho hay.

Về chính sách tiền tệ, các chuyên gia cho rằng NHNN có thể tiếp tục thắt chặt tiền tệ trong thời gian tới. Tín dụng cấp cho lĩnh vực bất động sản có thể vẫn sẽ chịu sự giám sát chặt chẽ. Hoạt động cho vay mua nhà cũng sẽ giảm tốc do nguồn cung nhà ở mới hạn chế và lãi suất cho vay mua nhà không còn ở mức hấp dẫn.

Theo thông tin từ NHNN, tính đến ngày 21/12/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,78 triệu tỷ đồng, tăng 12,87% so với cuối năm 2021, tăng 13,96% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát. Dư nợ tín dụng đối với 23 chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội đến 30/11/2022 đạt khoảng 279.732 tỷ đồng, tăng 12,81% so với năm 2021 với hơn 6,4 triệu khách hàng còn dư nợ.

Kế hoạch tăng vốn

Trong thời gian gần đây nhiều ngân hàng đẩy mạnh tăng vốn giai đoạn cuối năm nhằm chuẩn bị cho kế hoạch kinh doanh năm tới.

Trong đó Vietcombank dự kiến tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường bàn về việc tăng vốn, OCB được chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm 4.106 tỷ đồng, Agribank đã thông báo phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng để tăng vốn cấp 2.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2023, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank đã kiến nghị Chính phủ cần tạm ứng cấp vốn điều lệ cho Agribank 6.753 tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua dự toán ngân sách cấp vốn điều lệ cho Agribank trong năm 2023.

“Việc cấp vốn điều lệ cho Agribank là việc rất cấp thiết để Agribank đảm bảo hệ số an toàn vốn tối thiểu cho tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm 2023 phục vụ cho nhu cầu vốn của nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực tam nông”, ông Ấn nhấn mạnh.

Thị trường bancassurance tiếp tục sôi động

Bên cạnh đó, thị trường bancassurance tiếp tục sôi động và cũng là một trong những động lực cho ngành ngân hàng. LienVietPostBank và Dai-ichi Life mới đây đã ký kết hợp đồng đại lý bảo hiểm độc quyền 15 năm.

Bên cạnh đó, HDBank là một trong số ít ngân hàng chưa ký thỏa thuận hợp tác độc quyền kinh doanh bảo hiểm. Vì vậy, theo VNDirect, thị trường sẽ hào hứng hơn với HDBank nếu ngân hàng đưa ra thông báo chính thức về hợp đồng độc quyền với FWD hoặc đạt được thỏa thuận tốt hơn với Dai-ichi. Các thương vụ này sẽ giúp HDBank ghi nhận khoản phí trả trước và nâng cao đáng kể thu nhập từ phí.

Trước đó, thị trường tiếp tục chứng kiến thêm nhiều cú bắt tay giữa ngân hàng với bảo hiểm như Agribank và FWD Việt Nam, Shinhan Life Việt Nam với Shinhan Việt Nam, VPBank và AIA gia hạn thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm qua ngân hàng thời hạn từ 15 năm lên 19 năm...

NIM thu hẹp nhưng không quá tiêu cực

Áp lực huy động vốn tăng cao kéo theo chi phí vốn tăng dẫn đến ảnh hưởng làm giảm tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của các ngân hàng trong thời gian qua và điều này được dự báo sẽ tiếp tục trong năm 2023.

Nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã điều chỉnh nâng lãi suất huy động từ giữa năm 2022, vì vậy NIM có thể giảm nhẹ. Mặc dù NIM bị thu hẹp nhưng các chuyên gia phân tích cho rằng sẽ không ảnh hưởng quá tiêu cực do lãi suất được dự báo sẽ giảm nhiệt dần trong năm 2023, theo Chứng khoán Mirae Asset.

NIM trung bình 9 tháng đầu năm của các ngân hàng niêm yết vẫn tăng 0,31 điểm % kể từ đầu năm dựa vào giảm tỷ trọng huy động tiền gửi và lợi suất của tài sản sinh lời tăng.

“Năm sau tình hình sẽ dần dễ thở hơn, lãi suất sẽ bắt đầu giảm từ quý II/2023. Lạm phát năm 2023 sẽ theo hướng cao trong những tháng đầu năm nhưng giảm dần. Khó khăn cũng sẽ qua, thanh khoản sẽ tốt hơn ở những tháng cuối năm, là "ánh sáng cuối đường hầm" của một năm 2023 nhiều khó khăn", ông Trần Ngọc Báu, CEO Công ty dữ liệu WiGroup, chia sẻ tại tọa đàm “Dự báo kinh tế - Vượt cơn gió ngược 2023” mới đây.

TS Đinh Thế Hiển cũng nhận định kinh tế Việt Nam sẽ giảm khó khăn từ quý II/2023 và có sự tăng trưởng tích cực từ quý III trở đi với hiệu ứng đầu tư công và ổn định tài chính tiền tệ.

Hoàng Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục